Tại TPHCM, chưa nói đến các nhà văn hóa-thể thao phường-xã, không ít trung tâm văn hóa quận, huyện còn phải loay hoay tìm phương thức hoạt động để thu hút người dân.
Thiếu vật chất, yếu kinh phí
Nằm ngay vị trí khá đắc địa, Trung tâm Văn hóa quận 5 thường xuyên có nhiều hoạt động thu hút người dân địa phương đến vui chơi, giải trí. Ngoài các CLB thể thao và thẩm mỹ còn có khu vực sân tổ chức các hoạt động biểu diễn, vui chơi thiếu nhi.
Với đặc trưng địa phương là nơi tập trung sinh sống của đồng bào người Hoa, quận 5 có hẳn Nhà Văn hóa Thể thao (số 131 Triệu Quang Phục, phường 11) để tổ chức hoạt động văn hóa nghệ thuật, sinh hoạt CLB đội nhóm như triển lãm mỹ thuật, nhiếp ảnh, hay đào tạo năng khiếu ca múa nhạc, thể hình, tổ chức biểu diễn...
Thỉnh thoảng mới có người đến đọc báo tại thư viện Nhà văn hóa quận 5, TPHCM. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Theo ông Trần Huy Chí, Giám đốc Trung tâm Văn hóa quận 5, thuận lợi của trung tâm không chỉ ở sự liên kết với đối tác tổ chức các hoạt động văn hóa giải trí phục vụ người dân, mà còn là mối quan hệ mật thiết giữa đơn vị với các ban ngành đoàn thể, hội quán người Hoa và nhân dân.
Là một trong những đơn vị được đánh giá thành công trong việc kêu gọi nguồn lực xã hội hóa đầu tư hoạt động, mỗi năm mang lại doanh thu 12-16 tỷ đồng, song Trung tâm Văn hóa quận 5 vẫn đứng trước nhiều thách thức.
Nguồn thu có xu hướng giảm sút do một số hoạt động không còn phù hợp nhu cầu vui chơi, giải trí, sinh hoạt, học tập của người dân trong bối cảnh công nghệ giải trí phát triển mạnh như hiện nay. Chưa kể cơ sở vật chất xuống cấp, nên nguồn thu sau khi cân đối không đủ tái đầu tư hoạt động và nâng cấp cơ sở vật chất.
Câu chuyện cơ sở vật chất cũ kỹ, chắp vá hay thiếu kinh phí hoạt động không chỉ là bài toán của quận 5 mà hầu như là chuyện chung của toàn thành phố.
“Nhiều năm trước, Trung tâm Văn hóa quận 11 là lò đào tạo nhiều ca sĩ, nghệ sĩ của TP, nhưng vài năm trở lại đây không còn nữa”, ông Phạm Tùng, Giám đốc Trung tâm Văn hóa quận 11, tâm tư.
Một hoạt động xã hội hóa của trung tâm này từng thu hút người dân là sân khấu Sao Minh Béo, tuy nhiên từ năm 2016 đến nay coi như ngừng hẳn. Nguồn kinh phí từ quận cấp mỗi năm hơn 2 tỷ đồng không đủ tổ chức hoạt động, nguồn thu liên kết xã hội hóa không đáng là bao, khiến các hoạt động của trung tâm dẫu mong muốn khởi sắc cũng không thể làm khác hơn.
Cần chiến lược đầu tư nhân lực
Thiếu hụt nguồn nhân lực được đào tạo chuyên môn để đáp ứng hoạt động văn hóa cơ sở luôn là một trong những câu chuyện đau đầu mà ngành văn hóa phải đối mặt. Tuy thu hút một số cán bộ được đào tạo chuyên ngành âm nhạc, quản lý văn hóa, song câu chuyện về nguồn nhân lực trẻ kế thừa hoạt động tại Trung tâm Văn hóa quận 5 vẫn là vấn đề đáng lo ngại.
Phòng tập thể dục trong Trung tâm Văn hóa quận 5. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa quận 5 Khưu Thị Bích Thư cho biết, gần 30% số cán bộ quản lý của trung tâm chuẩn bị nghỉ hưu nhưng vẫn chưa có đội ngũ thay thế. Cũng giống như vậy là nhân sự hoạt động văn hóa của Trung tâm Văn hóa quận 11.
Hoạt động phong trào liên tục, đòi hỏi phải có chuyên môn nhưng thu nhập ít ỏi khiến nhiều trung tâm văn hóa quận, huyện không tìm đâu được người đáp ứng công việc. Không ít trung tâm đìu hiu, hoạt động cầm chừng thiếu sức sống như ở các quận 7, 9, Gò Vấp.
Một câu hỏi được các nhà quản lý và nghiên cứu văn hóa đưa ra rất cần được bàn luận thấu đáo là các hoạt động văn hóa cơ sở hiện vẫn nặng theo khuôn khổ mùa vụ, nhân dịp kỷ niệm…
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay tùy từng địa phương, nhà văn hóa thể thao phường - xã được phân bổ kinh phí 120-150 triệu đồng cho tất tần tật hoạt động mỗi năm. Với kinh phí tượng trưng này, các phường - xã sẽ tổ chức được những gì, hoạt động bằng gì và thu hút người dân kiểu gì?
Thật ra, ở TPHCM, có lẽ mới chỉ ghi nhận Trung tâm Văn hóa quận 12 thể hiện được sự năng động, là điểm sáng thu hút người dân. Ngoài hệ thống nhà truyền thống và di tích lịch sử thu hút thanh niên, sinh viên TP tham quan học tập, quận 12 có 2 nhà văn hóa - thể thao phường Tân Thới Hiệp và Thạnh Lộc hoạt động khá hiệu quả, khi chủ động mời gọi đầu tư nhiều chương trình văn hóa - thể thao, tổ chức CLB đội nhóm hoạt động phong phú, khai thác nguồn lực phù hợp... để phục vụ cộng đồng, tạo nguồn thu cân đối hoạt động.
Vận dụng linh hoạt các quy định vào thực tế địa phương, phát huy tốt những cơ sở vật chất, đẩy mạnh phong trào văn nghệ và tạo môi trường văn hóa lành mạnh, đáp ứng nhu cầu của người dân... là những yếu tố làm nên sự tỏa sáng của đơn vị này.
Nơi đây đang quản lý, hỗ trợ kinh phí, điều kiện tập luyện, tổ chức biểu diễn định kỳ phục vụ cơ sở cho 30 CLB văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao.
Ông Phạm Văn Thọ, Giám đốc Trung tâm Văn hóa quận 12, bộc bạch: Các CLB đội nhóm ngày càng phát triển thành lực lượng nòng cốt, xây dựng phong trào. Mỗi năm, họ xây dựng trên 100 chương trình biểu diễn phục vụ nhân dân.
Ngoài ra, chương trình “Hát với nhau” được duy trì tổ chức hàng tuần thu hút đông đảo thanh niên, công nhân lao động tham gia. Việc kêu gọi xã hội hóa đã tạo được nguồn thu cho địa phương 4 - 5 tỷ đồng mỗi năm, có thể trang trải khoảng 65% chi phí hoạt động.
Hàng năm, các trung tâm văn hóa, nhà văn hóa, nhà truyền thống, phòng đọc sách… của quận 12 thu hút trên 1,5 triệu lượt người tham gia. Đây là đơn vị duy nhất trong hệ thống trung tâm đang xây dựng đề án, từng bước chuyển sang tự chủ tài chính.
Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Trịnh Thị Thủy, thực trạng chung hiện nay là ngân sách nhà nước hàng năm cấp cho các trung tâm văn hóa còn hạn chế. Kinh phí ít ỏi, cơ sở vật chất thiếu thốn trăm bề, trang thiết bị nghèo nàn, nguồn nhân lực vận hành ở cơ sở chưa được đào tạo hay quan tâm đúng mực. Một vấn đề đặt ra là quỹ đất dành cho xây dựng các thiết chế văn hóa - thể thao còn chưa được quan tâm quy hoạch. Ở nhiều nơi, địa phương còn dùng quỹ đất dành xây dựng các thiết chế văn hóa- thể thao vào mục đích khác, nhằm thu lợi nhuận kinh tế trước mắt.