Tại tọa đàm, các đại biểu đã cùng ôn lại cuộc đời, thân thế, sự nghiệp của Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác. Những năm tháng cuối đời, ông đã đúc kết tinh hoa của y học nhân loại và y dược cổ truyền Việt Nam, để lại cho đời bộ sách quý giá “Hải Thượng y tông tâm lĩnh” gồm 28 tập, 66 quyển.
“Hải Thượng y tông tâm lĩnh”, là bộ sách kinh điển, mẫu mực trong ngành y học cổ truyền ở nước ta. Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác đã có công phát hiện, sưu tầm, bổ sung, phát triển hơn 350 vị thuốc mới, thu nhập tổng hợp 2.854 phương thuốc của các bậc tiền bối lưu truyền trong dân gian.
Thạc sĩ Ngô Trà My, Khoa Văn học Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM), điểm lại thân thế Đại danh y Lê Hữu Trác, hiệu Hải Thượng Lãn Ông, sinh năm 1724, trong một gia đình có 6 tiến sĩ (quê tại xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên); mất năm 1791, ở quê mẹ, xứ Bầu Thượng, xã Tĩnh Diệm, huyện Hương Sơn (nay là xã Quang Diệm, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh).
Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác không chỉ là danh y có cống hiến to lớn cho nền y học dân tộc, ông còn là nhà văn, nhà thơ, nhà tư tưởng lớn của thời đại. Cuộc đời và sự nghiệp của Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác được kết tinh bởi tri thức uyên thâm, tư tưởng tiến bộ, đạo đức trong sáng, thể hiện qua những tác phẩm đồ sộ mà giá trị còn mãi đến ngày nay.
"Hóm hỉnh, thông minh và rất đời", là những gì PGS-TS Đoàn Lê Giang nhận xét về Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác. Nói thêm về các tác phẩm của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, PGS-TS Đoàn Lê Giang cho rằng "Thượng kinh ký sự" là tác phẩm đỉnh cao của du ký cổ điển Việt Nam và là một trong những tác phẩm đỉnh cao của du ký Đông Á.
Dịp này, công ty Cổ phần Văn hóa đọc và học Việt Nam - Sàn Văn hóa học và đọc Việt Nam đã trao tặng 100 cuốn sách "Thượng kinh ký sự' của tác giả Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác cho trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM).
Tác phẩm "Thượng kinh ký sự", kể lại cuộc hành trình lên Kinh thành chữa bệnh cho ấu Chúa Trịnh Cán vốn lâm bệnh nặng. Chính những ngày tháng ở phủ Chúa, Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác đã ghi chép tường tận, tỉ mỉ những chuyện tai nghe mắt thấy ở trong cung cấm. Những ghi chép của tác phẩm này là trải lòng của ông về nghề y, đạo đức, đạo làm quan và đạo làm người, góp phần cho đời sau có cái nhìn toàn diện, sâu sắc cuộc sống của tầng lớp cai trị thời bấy giờ.