Cây xăng tại ngã tư đường Nguyễn Văn Cừ - An Dương Vương sang nạp xăng dầu từ xe bồn xuống kho chứa nhưng không ngưng việc bán xăng
Vụ rò khí độc ra môi trường tại trạm sang chiết khí NH3 (số 217B/7A đường An Phú Tây - Hưng Long, xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh, TPHCM) vào sáng 10-10 vừa qua làm 4 người bị thương, hàng loạt vật nuôi, cây trồng quanh khu vực bị chết, một lần nữa báo động về mối nguy hiểm từ các cơ sở kinh doanh, sang chiết khí hóa lỏng.
Trong khi đó, công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động này hiện còn nhiều bất cập; tình trạng vi phạm các quy định về an toàn lao động, phòng cháy chữa cháy (PCCC), môi trường… của chủ cơ sở, người lao động vẫn diễn ra tràn lan.
Tiềm ẩn nguy cơ tai nạn, cháy nổ
Sau vụ cháy Cửa hàng xăng dầu quân đội khu vực 2 ở quận Gò Vấp, nổ Công ty Đặng Huỳnh (sử dụng hóa chất làm phân bón) ở quận 12 và nhiều vụ cháy nổ, tai nạn lao động khác xảy ra tại các cơ sở kinh doanh, sang chiết khí hóa lỏng (gọi tắt là cơ sở khí hóa lỏng) trong thời gian qua, chính quyền, ngành chức năng các cấp ở TPHCM đã có nhiều giải pháp ngăn chặn, như: tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm; thường xuyên tập huấn kiến thức, kỹ năng phòng ngừa cháy nổ, tai nạn cho chủ cơ sở, người lao động… Tuy nhiên, thực tế hiện nay, nguy cơ xảy ra cháy nổ, tai nạn lao động tại những cơ sở khí hóa lỏng vẫn rất đáng báo động do các vi phạm vẫn tồn tại tràn lan.
Ghi nhận của phóng viên Báo SGGP, lúc 9 giờ 50 sáng 11-10, Cửa hàng kinh doanh xăng dầu số 1 thuộc Công ty TNHH MTV Dầu khí TPHCM (ở ngã tư Nguyễn Văn Cừ - An Dương Vương, phường 3, quận 5) tổ chức sang nạp xăng dầu từ xe bồn xuống kho. Quá trình này kéo dài gần nửa giờ, nhưng chủ và nhân viên cửa hàng vẫn không ngưng bán xăng theo quy định để tránh sự cố cháy nổ có thể xảy ra. Nhiều khách nam đến đổ xăng, đứng cách xe bồn đang bơm xăng chỉ 2m vẫn vô tư phì phèo thuốc lá, nghe điện thoại nhưng không bị bất kỳ sự nhắc nhở, ngăn chặn nào từ phía nhân viên, quản lý của cửa hàng.
Cùng thời điểm này, tại cây xăng của Công ty cổ phần Vật tư xăng dầu ở gần vòng xoay Lý Thái Tổ (phường 1, quận 10) cũng diễn ra các vi phạm tương tự. Chúng tôi thắc mắc và tỏ ra lo ngại trước các vi phạm nêu trên thì được một nhân viên của cửa hàng trả lời: “Trước giờ vẫn vậy mà, có thấy ai xử phạt đâu, mà cũng có khi nào xảy ra cháy nổ đâu”.
Ở các cửa hàng kinh doanh xăng dầu là vậy, còn tại các điểm kinh doanh gas còn tồn tại nhiều lỗi vi phạm về PCCC, an toàn lao động đáng lo ngại hơn. Dù biết rõ bình chứa gas sẽ dễ phát nổ nếu bị va đập mạnh hoặc để gần nguồn lửa, nguồn nhiệt, thế nhưng chiều 11-10, khi tổ chức chuyển nhiều bình gas (loại 12kg) từ xe tải xuống kho, các nhân viên bốc xếp của đại lý gas Nam.G nằm trên đường Tạ Quang Bửu (phường 5, quận 8) vẫn vô tư ném, lăn các bình gas xuống đường, vào nhà. Chưa hết, việc bố trí, đặt các bình gas ở trong kho cũng không hợp lý. Rất nhiều bình có nạp đầy khí gas được đặt để ngay cạnh các ổ cắm điện, dây dẫn điện. Nhiều đại lý kinh doanh gas nằm trên đường Phạm Thế Hiển (phường 4, quận 8) còn vi phạm các lỗi về an toàn PCCC như để hàng hóa, bình gas chiếm hết lối thoát nạn; bình chữa cháy để ở nơi rất khó lấy…
Thắt chặt cấp phép kinh doanh khí hóa lỏng
Theo Phòng Hướng dẫn chỉ đạo về phòng cháy (Phòng 2) Cảnh sát PCCC TPHCM, toàn thành phố hiện có khoảng 22 trạm, cơ sở kinh doanh - sang chiết chất nguy hiểm (LPG, CNG, NH3, CO2); 530 cửa hàng kinh doanh xăng dầu; 1.063 đại lý kinh doanh gas thuộc diện quản lý nhà nước về PCCC, thoát nạn.
“Đối với các trạm, cơ sở, đại lý này, trước đây, theo quy định mỗi năm Cảnh sát PCCC kiểm tra, phát hiện, nhắc nhở, xử lý vi phạm 4 lần (1 lần/quý). Thế nhưng, mới đây Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị 20 về chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp. Theo đó, đối với các cơ sở khí hóa lỏng, việc kiểm tra PCCC còn 1 lần/năm. Quy định này tạo điều kiện để doanh nghiệp yên tâm hoạt động, tuy nhiên công tác PCCC của doanh nghiệp, của cơ sở ít nhiều cũng bị hạn chế, do ít được kiểm tra, nhắc nhở. Trên thực tế, tình trạng chủ cơ sở, người lao động thiếu ý thức, còn lơ là trong việc chấp hành các quy định về PCCC, an toàn lao động rất phổ biến”, một cán bộ phụ trách công tác kiểm tra của Phòng 2 cho biết.
Vị này kiến nghị, để công tác PCCC đối với các cơ sở khí hóa lỏng được hiệu quả hơn, đặc biệt là trong chữa cháy hóa chất, TP cần quan tâm đầu tư nhiều hơn các loại thiết bị, xe chữa cháy hóa chất hiện đại. Ngoài ra, cơ quan có thẩm quyền cần đưa việc đảm bảo PCCC, an toàn lao động vào trong điều kiện cấp phép.
Nhiều quận - huyện cũng kiến nghị Cảnh sát PCCC, Sở LĐTB-XH TP cần tổ chức, mở nhiều hơn các buổi phổ biến kiến thức, tập huấn kỹ năng PCCC, thoát nạn, phòng tai nạn lao động cho chủ cơ sở, người lao động làm việc tại các cơ sở khí hóa lỏng.
“Đặc biệt, cần có các lớp đào tạo chuyên sâu về nghiệp vụ xử lý các sự cố, tình huống cháy nổ liên quan đến hóa chất. Trong vụ rò khí NH3 tại Bình Chánh vừa qua, nếu lực lượng tại chỗ nắm vững kiến thức, có kỹ năng xử lý tốt sự cố thì hậu quả sẽ được kéo giảm hơn”, ông Trần Phú Lữ, Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh kiến nghị.