Ngày hội bản quyền sách Việt Nam - Nhật Bản vừa diễn ra tại Hà Nội. Trước đó, một đoàn đại diện các đơn vị xuất bản Thái Lan cũng đã đến Việt Nam để tìm kiếm cơ hội giao thương về bản quyền sách.
Có thể nói, cùng với việc mở cửa giao lưu về xuất bản, nền xuất bản Việt đang ngày càng gắn kết với xuất bản thế giới và cùng với đó là yêu cầu ngày càng cao về vấn đề bản quyền sách.
Nhiều cơ hội
Tại Ngày hội bản quyền sách Việt Nam - Nhật Bản, ông Yamamoto, Chủ tịch Hiệp hội Xuất bản Nhật Bản đến tìm kiếm lượng độc giả trẻ, ưu tú của Việt Nam giúp Nhật Bản có thêm nguồn sinh lực mới trong lĩnh vực xuất bản. Không phải ngẫu nhiên người đứng đầu giới xuất bản Nhật nhắc đến vấn đề này. Việt Nam và Nhật có một mối liên kết về văn hóa thông qua sách khá đặc biệt. Từ giai đoạn trước khi Việt Nam gia nhập Công ước Berne năm 2004, sách của tác giả Nhật đã chiếm một vị trí đáng kể. Sau đó, có một giai đoạn khá dài, sách Nhật, nhất là dòng sách cho giới trẻ, sách thiếu nhi Nhật, gần như chiếm vị trí tuyệt đối trên thị trường. Vài năm trở lại đây, dòng sách Nhật mới bắt đầu suy giảm. Chính từ mối quan hệ này, tác giả Việt, nhất là các tác giả trẻ khi sáng tác sẽ dễ tiếp nhận với bạn đọc Nhật hơn do đã có sự am hiểu nhất định về văn hóa Nhật.
Đoàn xuất bản Thái Lan, với đại diện hàng loạt đơn vị xuất bản, giới làm sách, phát hành đến Việt Nam lại với một lý do rất đặc biệt như bà Pannakarn Jiamsuchon, đại diện Bộ Thương mại Thái Lan, cho biết là 2 nước từ lâu đã là đối tác chiến lược, có mối quan hệ tốt về chính trị, kinh tế… nhưng riêng mảng sách lại gần như là số không. Sách Việt qua Thái hay ngược lại đều rất hiếm hoi, có thể đếm trên đầu ngón tay bất chấp thực tế 2 nước có khá nhiều điểm tương đồng trong văn hóa. Sự hỗ trợ của chính phủ 2 nước đã mở ra cơ hội để các đơn vị xuất bản tìm kiếm nguồn sách mới, làm đa dạng hóa hơn nữa thị trường sách trong nước.
Không chỉ Nhật hay Thái mà trước đây, hàng loạt quốc gia trong khu vực như Indonesia, Malaysia hay Singapore… cũng đều có các chuyến thăm, các đề nghị hợp tác xuất bản. Thậm chí, đại diện các tổ chức xuất bản lớn như Chủ tịch Hiệp hội xuất bản Đông Nam Á hay Phó Chủ tịch của một trong các hội sách lớn nhất thế giới là Hội sách Fankfurt cũng đã đến để giới thiệu, tìm kiếm các cơ hội cho sách Việt Nam ra thế giới.
Nhưng đều bị bỏ lỡ
Bà Lucya Andam Dewi, nguyên Chủ tịch Hiệp hội xuất bản các nước Asean từng nhận xét rằng, Việt Nam là quốc gia được rất nhiều người biết đến nhưng ở lĩnh vực sách lại quá trầm lắng. Ngay cả ở thị trường xuất bản, các nước láng giềng như Thái Lan, Indonesia… sách Việt cũng rất ít, quanh quẩn chủ yếu có 2 loại là sách du lịch, văn hóa và sách chiến tranh Việt Nam. Đã thế ngay cả sách về du lịch, văn hóa đa số cũng là do người nước ngoài viết. Văn học Việt vẫn còn quá xa lạ với đại đa số bạn đọc các nước, nhất là dòng sách văn học phản ánh con người, xã hội Việt Nam hiện nay.
Bà Pimolporn Yutisri, Giám đốc điều hành Tuttlle - Mori Agency Thái Lan Co (một đơn vị chuyên làm đại lý bản quyền), có hơn 10 năm làm việc bản quyền với các đơn vị xuất bản Việt Nam, đánh giá xuất bản Việt đã “chuyên nghiệp mua” nhưng lại vẫn rất “nghiệp dư bán”. Lúc bắt đầu, các đơn vị Việt rất lúng túng khi tìm mua bản quyền, nhưng đến nay họ thậm chí đã vượt mặt các quốc gia trong khu vực và đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Thái Lan (nước có nền xuất bản lớn nhất khu vực) trong việc mua bản quyền sách. Thậm chí, chỉ trong 1 tuần có khi bà nhận được hơn 60 đề nghị bản quyền từ các NXB, đơn vị làm sách Việt Nam. Trong khi đó, khi bà tìm sách trong nước để làm đại diện giao dịch bản quyền thì nhận được sự lúng túng. Theo bà, người làm sách trong nước không biết làm sao để giới thiệu sách, không biết sách gì đang được quan tâm, sách nào bán được, sách nào không.
Tại Hội sách TPHCM, hội sách lớn nhất nước hiện nay, tình trạng này có thể thấy rõ ràng nhất, các đơn vị kinh doanh bản quyền sách nước ngoài chào bán rất nhiều đầu sách mới và họ cũng sẵn lòng làm đại diện cho các đầu sách Việt nhưng hầu như không có cuốn sách Việt nào được đưa ra hay nói đúng hơn là không có cuốn nào đủ chuẩn để giới thiệu. Tại Hội sách Hà Nội, từng xảy ra tình trạng chỉ trong vòng vài ngày, có đến 90 bản quyền được ký nhưng tất cả đều là mua về chứ không có một cuốn nào trong nước được bán ra.
Bắt đầu từ điều đơn giản nhất
Bà Claudia Kaiser, Phó chủ tịch Hội sách quốc tế Frankfurt (Đức) cho rằng có rất nhiều biện pháp để quảng bá văn học Việt Nam ra thế giới nhưng tựu trung, cuối cùng vẫn là có tác phẩm gây ấn tượng hay không. Mà để được như vậy thì phải giới thiệu nhiều, giới thiệu một cách chuyên nghiệp để các đối tác bản quyền ở các nước tiếp xúc và từ đó tìm kiếm, chọn những tác phẩm ấn tượng. Và cũng theo bà, đó là điều mà xuất bản Việt Nam hiện đang thiếu hụt nhất. Trong khi đó, việc tìm hiểu thị trường, nhu cầu của bạn đọc thực tế lại không quá khó như nhiều đơn vị xuất bản trong nước lo lắng bởi chính các đại lý bán bản quyền cho các đơn vị trong nước là những người am hiểu nhất. Các đơn vị xuất bản trong nước vốn đã có mối quan hệ tốt với họ, hoàn toàn có thể kết nối để nhờ họ tư vấn thị trường, giới thiệu tác phẩm.
Tuy nhiên, điểm khó khăn nhất cho các đơn vị hiện nay là nguồn sách để giao dịch bản quyền lại quá ít. Không phải ít về số sách, bản thảo mà ít về chất lượng sách, về chất lượng dịch thuật. Đây được xem là trở ngại chính để các đơn vị giới thiệu sách đến các đối tác giao dịch bản quyền.