Những căn nhà lưu dấu thời gian
Đây là khu vực lạ kỳ khi vào khám phá. Con người dí dỏm đôn hậu, trong từng góc núi, bờ sông. Thổ nhưỡng đất đai ánh lên mùa xưa cũ, sản vật trên sông Thai, sông Loan mồn một chốn quê xa ngái, tất thảy tạo cho lòng người đến đây như chạm vào một ký ức ngày xưa đã qua.
Nơi đây, cuộc sống người dân ngày một phấn đấu để chòi đạp khấm khá hơn trước. Nhưng những mái nhà xưa cũ đang bảo lưu bởi bàn tay con người dưới mái núi đang tạo ra một sức hút đặc biệt mà bất cứ nhà khám phá nào đến đều chắc chắn ấn tượng bởi không gian “Lác đác ven sông chợ mấy nhà” mà mấy trăm năm trước Bà Huyện Thanh Quan từng mô tả trong bài thơ Bước tới Đèo Ngang lừng danh.
Các địa phương còn hàng trăm liếp nhà được xây dựng cách đây từ 30-50 năm bằng vôi và đá núi Hoành Sơn. Tường dày cộm, ủ bóng rêu thời gian, dưới cái nắng như thiêu khắc nghiệt đi vào một căn nhà như vậy, mát rượi và vơi hết sự oi nồng hầm hập.
Tại xã Quảng Hợp, cụ ông Nguyễn Văn Thọa, ở trong căn nhà tường xây vôi kể: “Cha tôi trước đây làm căn nhà này bằng công sức mồ hôi. Nay con cháu lớn lên có điều kiện cất nhà mới khang trang nhưng tôi vẫn giữ lại căn nhà tường vôi vì ở mát, lại nhiều kỷ niệm cha con”.
Về xã Quảng Kim, vào căn nhà cụ Tạ Tấn Nhờ (71 tuổi, thôn 3), cụ Nhờ khoe: “Con cháu đi làm ăn xa, chúng lập gia đình cả, nhà của chúng xây vững chắc nhưng căn nhà trếnh này tôi vẫn giữ lại vì đẹp, tường có chỗ lủng nhưng vẫn còn kiên cố, ở mát mùa hè, mùa đông ấm”.
Nhà trếnh là tên gọi địa phương của lối nhà rường được xây 5 gian hoặc 3 gian, đây là loại nhà mà người xưa ở Quảng Kim phải cự phách lắm mới có thể xây dựng.
Còn cụ bà Từ Thị Út (84 tuổi, thôn 4) ngồi trong nhà nhìn ra cười vui đón khách, hỏi vì sao nhà nước xây căn nhà kiên cố cạnh đó không ngồi trong đó cho yên tâm, cụ nói nhà trếnh này cha ông để lại, tuổi già lại thích lối xưa nên cứ ở vậy cho vui thôi.
Nghệ nhân gạch ngói vỡ
Dẫn chúng tôi đi rong ruổi ngược về thời gian xưa dưới rặng Hoành Sơn, Chủ tịch UBND xã Quảng Kim, Chu Viết Dũng đưa đến một căn nhà nghệ nhân kỳ lạ. Đấy là cụ Từ Tíu, 81 tuổi. Trong khu vườn hơn 1ha, cụ đã cần mẫn góp những viên gạch ngói cũ làm hàng rào mất 8 năm như một trường thành. Cụ nói: “Nhà tôi được phân về khu vực lò gạch cũ của địa phương nên cha con bòn mót từng viên gạch vỡ, ngói vỡ làm hàng rào cao 1m, dài hết vườn nhà. Sau hàng chục năm, tường gạch ngói này không bị hỏng mà cây cối lên xanh, phủ rêu, trẻ con hay đến tìm chơi cũng thích mắt. Ngoài ngõ thì địa phương đổ bê tông, còn đường vào nhà tôi thì lát vụn gạch, hai bên tường ngói vỡ mấy chục năm để vậy đi êm chân”.
Quả thật, vào nhà cụ Tíu chim hót suốt ngày vì không gian xanh hiếm thấy. Cái đặc biệt là dựng hằng hà sa số các liếp gạch cũ thành tường rào bao quanh nhà một cách tỉ mỉ đã gây ấn tượng mạnh không chỉ người lạ mà dân làng trong vùng cũng thích.
Trong thời kỳ xóm làng bê tông hóa mà xóm nhà cụ Tíu dựng lên hàng rào từ hàng triệu mảnh ngói và gạch vỡ như vậy là một kỳ công. “Cụ như một nghệ nhân sắp xếp những thứ tưởng chừng bỏ đi thành hữu dụng cho cuộc sống. Tường gạch bao quanh nhà cụ hàng trăm mét, qua thời gian nó không bị xô lệch, xói lở. Điều đó chứng tỏ cụ và vợ cùng các con rất chăm chút cho công việc. Hết đồng áng, hết đi hái củi thì về cụ lại bắt tay gánh ngói vỡ, chọn những miếng dùng được xếp lên nhau, từng đoạn thấp đến lên đoạn cao. Rồi vợ cụ dùng dần sàng đãi ngói mịn, chà xát cho mềm nhằm rải làm lối đi. Mưa mỗi năm kéo các kẻ ngói sát lại, tường thành không vỡ mà keo lại, cây cối mọc lên đó càng thêm kết dính nên tường thành ngói gạch vỡ của cụ như một tác phẩm nghệ thuật sắp đặt từ bàn tay nông dân”, ông Dũng chia sẻ
Nay đã có tuổi, con cái đề huề, nuôi mấy con bò, cuộc sống không nhiều lo toan, nhưng số tường gạch này có không ít người có tiền đến hỏi mua về muốn dựng quán cà phê bởi chúng đanh lại, có rêu úa từng viên nhưng cụ Tíu đều lắc đầu không bán vì nó là công sức sắp đặt không chỉ bàn tay con người mà còn từ mưa gió thiên nhiên Hoành Sơn cùng tạo ra hàng chục năm qua.
“Nằm ở đây mới quý, khi bán rồi có được một chút tiền nhưng lòng sẽ không thư thái vì mất đi của quý rồi dù đó là mảnh ngói vỡ nhưng hàng chục năm ở cùng gia đình thì tiếc vô cùng nên không bán”, cụ Tíu nói.
Nhà báo Phan Phương, người có nhiều chuyến điền dã ở bắc Quảng Bình, cho biết: “Vùng Nam Hoành Sơn với các xã Quảng Đông, Quảng Phú, Quảng Châu, Quảng Hợp, Quảng Kim (huyện Quảng Trạch), còn lưu dấu nhà xưa cũ là một thế mạnh về bảo tồn nếp xưa, cũng là một cách lưu giữ mạnh mẽ mái nhà cha ông để lại như một văn hóa bền bỉ trong lòng người ở đây. Trong vùng có nhiều danh lam thắng cảnh, nếu kết hợp cùng nhau sẽ tạo ra sự khám phá trứ danh, thu hút du khách đến với vùng đất đầy hoài niệm này”.