Bàn tay của trời được đạo diễn Ái Như chọn dàn dựng đánh dấu sự trở lại của mình sau 2 tháng chấn thương cột sống phải tịnh dưỡng. Đồng thời, đây cũng là vở đầu tiên trong năm 2020 Hoàng Thái Thanh mang đến cho khán giả sau một thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Tâm đắc với triết lý nhân sinh quan “Gieo nhân nào, gặt quả nấy” cũng chính là tứ của kịch bản gốc do NSND Doãn Hoàng Giang sáng tác, Hoàng Thái Thanh chọn Bàn tay của trời nhằm làm góp thêm vào gia tài kịch mục của mình vốn mang đậm những bài học nhân văn gần gũi với cuộc sống.
Với Bàn tay của trời, nghệ sĩ Ái Như cho biết “Đây là một kịch bản đã được dàn dựng vào năm 2007, sau nhiều năm, chúng tôi quyết định tái dựng vở diễn nhằm gửi đi một thông điệp tốt đẹp trong lúc xã hội đang nhiều tệ nạn: "Ác giả ác báo" - làm người xấu, ắt sẽ nhận tai ương. Đó là triết lý căn bản của lẽ sống con người”.
Phần trang phục trong bản dựng mới này sẽ do chính tay nhà thiết kế Sĩ Hoàng thiết kế và chọn lọc riêng cho Hoàng Thái Thanh. Bộ sưu tập được lấy cảm hứng theo tranh khắc gỗ dân gian từ tư liệu nghiên cứu Technique du peuple Annammite của Henri Oger - tư liệu tập trung vẽ lại cuộc sống An Nam xưa nhằm tạo nên 4200 bản khắc họa đời sống con người lúc bấy giờ.
Các trang phục do nhà thiết kế Sĩ Hoàng mô phỏng và lấy cảm hứng nhiều từ kiểu dáng đến đường may xưa. “Khi khán giả xem, các nhân vật sẽ hệt như từ các bức tranh hoạ đồ bước ra dưới ánh đèn sân khấu” - Nhà thiết kế Sĩ Hoàng chia sẻ.
Đạo diễn Ái Như cũng cho biết, do đây là một câu chuyện dân gian, nên cách dàn dựng sân khấu Bàn tay của trời có sự chắt lọc và tinh giản về mặt cảnh trí, thiên về tính ước lệ nhưng không hoàn toàn lược bỏ những bối cảnh cần thiết để gợi mở với khán giả trong việc hình dung không gian của câu chuyện.
Thiết kế bối cảnh của vở kịch vay mượn và lồng ghép từ những bức tranh dân gian Đông Hồ vốn đã rất quen thuộc với người Việt Nam từ xưa đến nay.