Cận cảnh công trình cấp nước sinh hoạt bỏ hoang giữa cánh đồng. Thực hiện: NGUYỄN TRANG |
Theo ghi nhận của PV, công trình cấp nước Trì Bình như một nhà hoang nằm giữa cánh đồng thôn Trì Bình, xã Bình Nguyên. Không còn tường rào, cổng ngõ; hệ thống máy móc, đường ống đều rỉ sét, cây dại mọc um tùm… Hơn 8 năm nay, công trình này bị bỏ hoang.
Công trình cấp nước sinh hoạt Trì Bình bỏ hoang giữa cánh đồng. Ảnh: NGUYỄN TRANG |
Công trình được xây dựng từ năm 2002. Khi đó do việc đầu tư xây dựng dự án xử lý chất thải rắn ở phía Bắc của thôn Trì Bình, xã Bình Nguyên, đã làm ảnh hưởng nguồn nước ngầm sinh hoạt của người dân. Do vậy, Ban Quản lý Khu Kinh tế Dung Quất đã đầu tư xây dựng công trình cấp nước sinh hoạt này để cung cấp nước sạch cho người dân và giao cho địa phương quản lý.
Đến năm 2015, công trình bị hư hỏng, xuống cấp; địa phương gặp khó do hạn hẹp nguồn kinh phí nên không thể sửa chữa. Sau đó công trình bị bỏ hoang.
Các hộ dân sinh sống ở thôn Trì Bình từng nhờ nguồn nước từ công trình này, tuy nhiên, theo nhiều người dân một phần nguyên nhân là do nguồn nước cấp được lấy từ nước ngầm giữa cánh đồng khiến người dân lo ngại.
Bà Nguyễn Thị Lan (thôn Trì Bình, xã Bình Nguyên) cho biết: “Công trình cấp nước xây giữa đồng ruộng, người dân lo nguồn nước bị ô nhiễm từ phân bón, thuốc trừ sâu nên ngày càng ít người dùng rồi bị bỏ hoang”.
Nhà làm việc của công trình như nhà hoang. Ảnh: NGUYỄN TRANG |
Các trụ nước rỉ sét. Ảnh: NGUYỄN TRANG |
Sau khi công trình xuống cấp do không có công trình cấp nước mới thay thế nên người dân phải tự lo nguồn nước để sử dụng. Dù nguồn nước ngầm địa phương không đảm bảo nhưng để có nguồn nước, nhiều người bắt đầu đào, khoan giếng để dùng trong gia đình.
Bà Lan nói: "Dù dùng giếng nhà nhưng tôi và nhiều hộ dân cũng rất lo vì hiện nay các nhà dân trong làng đều xây gần nhau, các công trình vệ sinh và đồng ruộng xung quanh ảnh hưởng đến nguồn nước ngầm, không đảm bảo an toàn".
Lo lắng nguồn nước giếng tại nhà ô nhiễm nên các hộ dân đều đến nhà ông Lê Văn Quyên (thôn Trì Bình, xã Bình Nguyên) để lấy nước vì nhà ông ở gần đồi núi, địa hình cao hơn.
Ông Quyên cho biết: “Qua thời gian, các giếng đào, giếng khoan bị ô nhiễm do gần các công trình vệ sinh, gần đồng ruộng. Bây giờ, mọi người tìm đến các giếng nước ở gần núi như giếng nhà tôi vì ở đó nguồn nước vẫn sạch hơn".
Bên cạnh đó, người dân sử dụng nước đóng bình và máy lọc nước để nấu ăn và uống.
Thiết bị rỉ sét, hư hỏng. Ảnh: NGUYỄN TRANG |
Bể chứa nước toàn cỏ dại mọc um tùm. Ảnh: NGUYỄN TRANG |
Ông Đồng Huân Chương, Chủ tịch UBND xã Bình Nguyên, cho biết: "Công trình cấp nước sinh hoạt cho 600 hộ nhưng do hoạt động không hiệu quả nên bỏ hoang nhiều năm nay, người dân nhiều lần kiến nghị giải quyết qua các buổi tiếp xúc cử tri tại địa phương".
“Qua kiến nghị của cử tri, ngành đã tổng hợp và tham mưu tỉnh bố trí kinh phí đầu tư bằng nguồn vốn của chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Sở NN-PTNT tỉnh đã giao cho Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh và đến nay đã cơ bản hoàn thành thủ tục, sắp đến lựa chọn đơn vị thực hiện triển khai thi công”- Ông Võ Quốc Hùng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ngãi, nói.
Để khắc phục tình trạng công trình đầu tư không hiệu quả do nguồn nước không đảm bảo, giải pháp thi công đối với công trình cấp nước sinh hoạt mới này sẽ lấy nguồn nước từ sông Trà Bồng thông qua nâng cấp mở rộng trạm cấp nước tại xã Bình Trung (huyện Bình Sơn) kéo dài đường ống cấp nước cho xã Bình Nguyên. Nguồn nước tại sông Trà Bồng dồi dào, ổn định, kết hợp sử dụng công trình mới xử lý đảm bảo an toàn nguồn nước.
Công trình mới sẽ được đầu tư tại thôn Trì Bình, xã Bình Nguyên và khắc phục những hạn chế trước đó để tránh đầu tư kém hiệu quả do nguồn nước, quá trình bảo dưỡng sửa chữa. Ảnh: NGUYỄN TRANG |
Tính đến cuối năm 2022, toàn tỉnh Quảng Ngãi có 513 công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung, tỷ lệ công trình hoạt động tương đối bền vững, kém bền vững và không hoạt động chiếm khoảng 94,35% tổng số công trình (484/513 công trình), trong đó hầu hết là các công trình thuộc các xã miền núi có quy mô, công suất nhỏ, lại nằm xa khu dân cư và ở những vị trí có địa hình tương đối phức tạp.
Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi có kế hoạch cấp nước an toàn khu vực nông thôn tỉnh Quảng Ngãi, giai đoạn 2024-2028. Theo đó, mục tiêu đạt tỷ lệ 50% hệ thống cấp nước sạch nông thôn tập trung có công suất từ 100m3/ngày đêm trở lên được lập và thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn; tỷ lệ thất thoát nước sạch bình quân là 15%, dịch vụ cấp nước liên tục, đủ áp lực 24 giờ trong ngày.
Trong giai đoạn 2024-2028, toàn tỉnh sẽ có 34 công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn. Nguồn kinh phí theo thông tư của Bộ trưởng Bộ Tài Chính, lồng ghép vào 3 chương trình Mục tiêu Quốc gia và các nguồn vốn hợp pháp khác, đối với các cơ quan quản lý Nhà nước tham gia thực hiện Kế hoạch cấp nước an toàn cấp tỉnh sử dụng kinh phí từ nguồn chi thường xuyên của đơn vị hằng năm.