Đoàn đã đi thực tế ghi nhận thực trạng xâm phạm nhiều hạng mục tại di tích này dẫn đến tình trạng xuống cấp nghiêm trọng, không còn nguyên trạng như quyết định công nhận của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch ngày 25-4-1998. Trong đó, toàn bộ khu vực vùng 1 khu vực phải được bảo vệ nghiêm ngặt nhất) rộng khoảng 1.000m2 và khu vực vùng 2 hơn 40.000m2 bị xâm hại, lấn chiếm, san ủi và xây dựng các công trình nhà ở, trồng cây.
Tại cuộc làm việc với UBND quận 8, các thành viên đoàn giám sát đã đặt ra nhiều vấn đề trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử cấp quốc gia.
Theo TS Nguyễn Thị Hậu, chuyên gia khảo cổ, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, Di tích khảo cổ học cấp quốc gia Lò gốm Hưng Lợi ghi dấu xóm lò gốm nổi tiếng của Sài Gòn xưa, và là di tích duy nhất còn lại của Sài Gòn - TPHCM cho đến nay. Đây còn là chứng tích rõ ràng về quá trình đô thị hóa của Sài Gòn, trong đó có làng gốm Cây Mai và Hưng Lợi, có giá trị rất lớn về lịch sử, khoa học và kinh tế, là nơi minh chứng được quá trình chuyển biến từ làng gốm làm những lu đựng nước chuyển sang nung gốm và sản phẩm sản phẩm gia dụng, sinh hoạt của cư dân Sài Gòn hơn 100 năm trước.
Từ kết quả khảo sát thực tế Di tích khảo cổ học cấp quốc gia Lò gốm Hưng Lợi và ý kiến các thành viên trong đoàn giám sát, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TPHCM Cao Thanh Bình cho rằng, có trách nhiệm từ nhiều phía trong công tác quản lý một di tích cấp quốc gia này.
“Thật xót xa khi chứng kiến sự hoang phế, xâm hại của một di tích khảo cổ lịch sử cấp quốc gia còn sót lại duy nhất tại TPHCM. Rất đau lòng với thực trạng xâm hại này”, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội Cao Thanh Bình nghẹn lời nói.
Sau cuộc giám sát này, Ban Văn hóa - Xã hội sẽ có báo cáo đề xuất khẩn cấp đến Thường trực HĐND TPHCM có hướng yêu cầu UBND TPHCM và các ngành chức năng cấp bách phối hợp thực hiện các phương án bảo vệ, quản lý, trùng tu di tích cấp quốc gia này.