Chưa bán đã sợ lỗ
Theo thông lệ, mùa lịch chính thức bắt đầu vào khoảng đầu tháng 11. Trước đó, các đơn vị làm lịch thường tập trung sản xuất, giới thiệu, chào hàng. Khi mùa lịch bắt đầu, đánh giá sức mua của thị trường, người làm lịch sẽ có những thay đổi về giá, chiết khấu để phù hợp thực tế.
Thế nhưng năm nay, diễn biến của thị trường lịch lại có nhiều điều trái ngược: Việc quảng bá, giới thiệu rơi vào im ắng, việc tăng chiết khấu trở nên sôi động khá sớm.
Những ngày này, mức chiết khấu của lịch đã có một cuộc chạy đua mạnh mẽ, thậm chí được đánh giá là ác liệt ngoài dự kiến. Nhiều đơn vị làm lịch đã đẩy mức chiết khấu lên đến tối đa, ở khoảng từ 60% - 65% giá bán.
Đây là mức chiết khấu được xem là vô lý, bởi nếu chiết khấu như vậy, người làm lịch chắc chắn không có lợi nhuận, thậm chí có thể phải chịu lỗ. Hàng năm, mức chiết khấu chỉ xuất hiện ở giai đoạn cuối của mùa lịch, khi thị trường xuất hiện dấu hiệu “dội hàng”, đòi hỏi phải làm mọi cách để xả hàng, tránh lỗ.
Lý giải hiện tượng này, một đại gia trong lĩnh vực làm lịch cho biết, thị trường lịch 2019 được đánh giá là có quá nhiều rủi ro, bất trắc. Từ đầu năm đến nay, giá giấy liên tục tăng, từ 15% lúc đầu năm, rồi 20%, 25% hồi tháng 4, đến 30% vào tháng 6 và dự kiến từ nay đến cuối năm, giá giấy có thể tăng đến 40%.
Đó mới chỉ là loại giấy thông thường để in báo, còn các loại giấy đặc biệt để in làm lịch mức tăng còn cao hơn, thậm chí việc khan hiếm đã xảy ra.
Trong khi đó, giá lịch bloc lại gần như không tăng, loại lịch bloc siêu cực đại đặc biệt, kích thước thuộc dạng lớn nhất hiện nay (38 x 53cm), in với chất lượng và công nghệ cao, giá bán cũng chỉ vào khoảng 650.000 đồng/bloc, xấp xỉ với giá bán mùa lịch năm 2018.
Ngày trước, lịch gần như là nhu yếu phẩm mà mọi gia đình, văn phòng đều cần, nhưng nay đang mất dần vai trò thông tin thời gian, chuyển dần qua hình thức sản phẩm trang trí.
Cũng có một số tự tin vào sản phẩm của mình, chọn đánh cược vào thị trường, dù rằng những dấu hiệu trước mắt cho thấy, mùa lịch 2019 sẽ không yên ả.
Lịch Việt đã đạt đến đỉnh cao kỹ thuật
Trong lĩnh vực in ấn, in lịch nhất là lịch bloc luôn được xem là đòi hỏi những kỹ thuật tốt nhất. Theo ông Nguyễn Hữu Cứ, đại diện Công ty Văn hóa Hương Trang, một đơn vị có thâm niên nhiều năm làm lịch ở Việt Nam, hiện nay lĩnh vực in lịch ở nước ta gần như đã chạm đến đỉnh cao nhất của in ấn.
Các bloc cao cấp giờ được in theo công nghệ Metalize ép màng chiếu 7 màu, ép vân, bế nổi 3D…, chưa kể công nghệ cũng được cải tiến liên tục nhiều năm, như việc khắc phục nhược điểm xé lịch không đều với kỹ thuật kẹp răng cưa, ốc đầu tròn không mũ… Tất cả nhằm bảo đảm tính thẩm mỹ cao nhất cho một sản phẩm có thời gian sử dụng liên tục trong 1 năm.
Có thể nói, nếu như nhiều năm trước, lịch Việt hoàn toàn lép vế về khâu in ấn, thẩm mỹ so với lịch Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan… thì nay, lịch Việt đã áp đảo về chất lượng mẫu mã. Thế nhưng, nếu kỹ thuật in ấn không còn là vấn đề, thì nội dung lại luôn là bài toán đau đầu cho người làm lịch.
Một thời gian dài, lịch Việt nhất là lịch bloc quanh đi quẩn lại chỉ có phúc lộc thọ, phong cảnh, an khang thịnh vượng… Gần đây, lịch Việt mới có sự bứt phá mạnh mẽ bằng nội dung mới lạ, như dòng lịch danh nhân Việt Nam, lịch sử Việt Nam, ẩm thực kết hợp sức khỏe…
Công ty Lịch xuân Phương Nam, năm nay chỉ giới thiệu 2 mẫu mới là bộ lịch bloc tuần “Trường Sa trong trái tim tôi”, gồm các hình ảnh đa dạng về cán bộ chiến sĩ, người dân trên các đảo, góp phần mang đến cảm giác thân thương đối với cùng đất nơi xa của Tổ quốc.
Điểm được đánh giá cao nhất của bộ lịch này là sử dụng nhiều hình ảnh do chính cán bộ, chiến sĩ công tác trên các đảo chụp (bằng điện thoại), ghi dấu ấn những thời khắc đẹp mà các nghệ sĩ nhiếp ảnh trong các chuyến thăm khó mà chụp được. Thứ hai là bộ lịch “Trẻ em đồng dao” với những tranh vẽ gợi nhớ các trò chơi thiếu nhi dân gian ngày xưa.
Công ty Văn hóa Hương Trang vẫn tiếp tục với dòng lịch “Hương sắc Việt Nam” vốn là thương hiệu của đơn vị này, mỗi tờ lịch là hình ảnh một địa danh, thắng cảnh nổi tiếng của đất nước.
Năm nay, đơn vị này có một sản phẩm khá lạ là bộ lịch “Lan Hương Như Thị”, mỗi tờ lịch là một loại hoa lan đi kèm với tranh thư pháp Việt của nhà thư pháp Trần Đại Bính (bút danh Trụ Vũ).
Còn An Hảo, cái tên thuộc hàng lớn nhất nhì làng lịch thì vẫn khẳng định vị thế của mình khi có nhiều bộ lịch mới, nổi bật là 2 bộ lịch “Tuần hoàn cuộc sống” và “Lục Vân Tiên”.
Bộ lịch “Lục Vân Tiên” gồm 2.080 câu thơ lục bát trong tác phẩm Lục Vân Tiên (dựa theo bản của Vũ Đình Liên và Nguyễn Sỹ Lâm, NXB Văn hóa, 1959; NXB Văn học, tái bản 1997), chia thành 365 đoạn, tương ứng với mỗi ngày trong năm.
Mỗi đoạn trích sẽ có một bức ảnh minh họa, được họa sĩ Hữu Hiếu và các cộng sự thực hiện. Bộ lịch bloc tuần “Tuần hoàn cuộc sống” khá đặc biệt khi chia thành 52 phần (tương đương 52 tuần). Mở đầu mỗi tuần là hình ảnh một hạt giống được gieo xuống, qua mỗi ngày, từng tờ lịch tái hiện hình ảnh hạt giống phát triển, thành cây, ra hoa kết trái, héo tàn và tái sinh.
Con đường nào cho lịch?
Nhận xét chung của giới làm lịch thì thị trường lịch Việt giờ đang trong giai đoạn “lưng chừng”, chưa thoát hẳn nếp cũ, nhưng cũng có không ít thay đổi mang tính mới lạ. Vấn đề là cả cái cũ lẫn cái mới đều mới chỉ dừng ở mức “một nửa”.
Những năm trước, người làm lịch tưởng chừng tìm được một lối đi hay là làm lịch chuyên đề, như lịch cho các ngân hàng, công ty bảo hiểm… để làm quà tặng cho khách.
Thị trường lịch dạng này tuy nhiều về số lượng nhưng lại thấp về lợi nhuận, bởi quà tặng không thể là dạng quá cao cấp. Nhìn vào dòng lịch năm nay, có thể thấy, chiếm tuyệt đối vẫn là lịch kèm vai trò sản phẩm trang trí nội thất.
Các chuyên gia thiết kế lịch cho rằng, đã đến lúc lịch Việt nên giảm bớt kiểu làm lịch thật đẹp, thật hay và hy vọng người mua sẽ thích, nếu ít người thích thì coi như thất bại.
Lịch nên hướng trực tiếp đến nhu cầu của khách hàng. Ví dụ như nhà làm lịch có thể liên kết trực tiếp với nghệ sĩ nổi tiếng để làm dòng lịch gắn với hình ảnh của họ, hay với những đơn vị có yêu cầu cụ thể… Dòng lịch này có ưu điểm là không sợ lỗ, việc đầu tư cũng cụ thể hơn, tránh tình trạng làm đại trà như hiện nay.