Hoàng hôn cháy

Ngày ấy, đang giữa cuộc kháng chiến, nhạc sĩ của chúng ta, mặc dù mái tóc đã có những sợi bạc, vẫn hăm hở khoác ba lô đi thực tế sáng tác ở mặt trận Trường Sơn. Có một lần, sau cả ngày lặn lội vượt núi, băng rừng đi trong những cơn mưa xối xả, họ lần tới được một trạm giao liên treo lưng chừng núi. Cũng đã nửa đêm, mặt đất và bầu trời tối đen như mực, chỉ thỉnh thoảng có những tia chớp hằn lên phía chân trời và những ánh pháo sáng giặc treo trước mặt…

Những nữ chiến sĩ ở Trường Sơn. Ảnh: TTXVN
Những nữ chiến sĩ ở Trường Sơn. Ảnh: TTXVN

Khi bước chân vào trạm, tưởng các cô gái giao liên và nuôi quân ở đây đã ngủ, ấy vậy mà chỉ thoáng nghe có tiếng chân lạ, biết là có khách đến, các cô đều bật dậy. Nhìn những vị khách đều đã có tuổi, quần áo lại ướt sũng, đang run lên vì lạnh và đói, lòng các cô xiết bao cảm thông. Lại càng xúc động hơn khi được biết, đây là đoàn nhạc sĩ, nhà văn, nhà thơ từng có những tác phẩm mà các cô rất yêu thích. Vậy là các cô chia nhau, người đi vo gạo, người đi nhặt rau rừng, người sửa sang võng màn.

Do đói và lạnh, văn nghệ sĩ thấy thèm vô cùng một ngọn lửa hồng. Như hiểu ý họ, một cô gái nuôi quân hối hả đi làm công việc này. Nhưng ngặt một nỗi, ở đây cũng vừa trải qua những ngày mưa thối rừng, thối đất, nên củi đóm đều ướt sũng nước. Nhóm được một ngọn lửa lúc này quả thật chẳng dễ dàng, khói thì cứ bay mù lên mà cái mồi lửa thì không chịu bén vào củi. Nhưng rồi cũng đến lúc ngọn lửa bừng lên, dù cô gái nuôi quân cùng các vị khách mắt mũi đều ướt mèm và sặc sụa. Một nồi cháo bắc trên đó, cũng là lúc chênh chếch ngọn núi, vầng trăng muộn màng cuối tháng nhô cao, soi sáng núi rừng và con người, làm mỗi chi tiết đều ánh lên những vầng sáng lung linh.

Cô gái nuôi quân vừa cời than, vừa chăm chăm nhìn nhạc sĩ. Nhưng ông lại chẳng hay biết gì, cứ ngồi húp cháo soàn soạt. Cho đến lúc xem chừng bụng đã ấm, ông buông bát và rút điếu thuốc ra mồi lửa, cô gái mới rụt rè đề nghị:

- Thủ trưởng là nhạc sĩ, thủ trưởng hát cho chúng em nghe một bài được không?

Nhạc sĩ của chúng ta thở dài:

- Khước từ lời yêu cầu của cô thì thật có lỗi. Mà nhận lời thì càng có lỗi hơn. Là bởi giọng hát của tôi là giọng… thuốc lào.

Mọi người cùng khúc khích cười. Một nhà văn phải nói đỡ cho nhạc sĩ:

- Thật ra anh ấy hát cũng được. Nhưng nghề “chính hiệu con nai vàng” lại là sáng tác âm nhạc kia. Thế cô đã nghe những bài hát này của anh ấy chưa nhỉ…

Nhà văn bèn kể một loạt sáng tác của nhạc sĩ. Cứ nghe tên mỗi bài hát, mắt cô gái lại tròn xoe lên:

- Ôi, thủ trưởng sáng tác được nhiều bài hay quá. Bọn em mê lắm. Suốt ngày cứ hát bài của thủ trưởng như chim hót ấy thôi. Nhưng…

Cô gái bỗng lắng lại. Rồi một lát sau, như có một ngọn lửa bừng lên trong mắt cô:

- Sao thủ trưởng không có một bài hát nào về nghề nuôi quân của chúng em? Khi nào thủ trưởng sáng tác một bài nhé. Cho chúng em hát với nhau thôi cũng được…

Thật sự với một nhạc sĩ nổi tiếng như ông, những đề nghị, những “com măng” sáng tác như thế không bao giờ thiếu. Bất cứ đi tới đâu, gặp một đơn vị nào, cũng đều có những lời mời mọc, gửi gắm như vậy. Nhưng sao đêm nay, giữa núi rừng Trường Sơn, từ trái tim một người con gái nuôi quân giản dị, hồn nhiên, thì lời yêu cầu ấy lại vang lên một cách hết sức trang trọng và thiêng liêng.

… Nhạc sĩ nhìn thẳng vào mắt cô gái, nói như một lời hứa nghiêm chỉnh:

- Tôi sẽ cố gắng. Trước hết là để tặng riêng cô.

*

Lời hứa ấy, cứ canh cánh bên lòng nhạc sĩ rất nhiều thời gian về sau, cho đến một đêm khi đã trở về hậu phương, nhớ Trường Sơn và những bếp lửa dọc những cánh rừng, nhớ cái đêm mưa sũng ướt và ngọn lửa ấm áp từ bàn tay cô gái nuôi quân, nhạc sĩ mới trải lòng mình lên giấy để thực hiện…

Khi bài hát hoàn thành, nhạc sĩ trân trọng chép ngay một bản để gởi cho cô gái nuôi quân trên trạm giao liên treo lưng chừng núi ấy. Nhưng lúc ấy, ông bỗng sực nhớ ra và hết sức ân hận. Sáng hôm sau, bởi vội ra đi ông đã quên hỏi tên cô gái và địa chỉ hòm thư của các cô. Mà không biết tên và không có địa chỉ thì làm sao gởi theo đường quân bưu? Vậy là nhạc sĩ chỉ còn biết dặn lòng: Một mai đây, nhất định ông sẽ trở lại mặt trận, nhất định ông sẽ lặn lội tới trạm giao liên ấy để tận tay trao bài hát cho các cô gái…

Thế rồi một ngày nọ ông trở lại Trường Sơn. Ngay khi đến trạm giao liên xinh xắn như chiếc tổ chim treo lưng chừng núi ấy, ông vội tìm cô gái nuôi quân ngày ấy. Nhưng nghiệt ngã làm sao, khi tới nơi hỏi về cô, chỉ thấy các bạn cô rưng rưng nước mắt chỉ tay lên đỉnh núi, nơi cô đã vĩnh viễn nằm xuống… Nhạc sĩ lặng đi, bản nhạc run lên trong tay ông. Cả đôi mắt kính trắng của ông cũng ướt đẫm hơn cả đêm lội mưa năm xưa. Rồi ông nặng nề từng bước, từng bước lần lên đỉnh núi, nơi có nấm mồ cô gái và ngồi lặng lẽ bên nấm mồ rất lâu. Dù không nói một lời, nhưng trái tim ông đang se sẽ cất lên giai điệu của bài ca. Ông đang thầm hát cho cô gái nghe bài hát ông đã viết về cô, theo lời yêu cầu của cô, mà cũng chính là yêu cầu của chính trái tim ông. Bài hát cứ bay bay lên, bay lên, bập bùng như ánh lửa làm bừng sáng lên cả cánh rừng lúc hoàng hôn…

Và rồi trước lúc chia tay cô gái, ông đã lặng lẽ vát một miếng đất trên nấm mồ, chôn tờ giấy chép bài hát xuống. Ông mong rằng nếu có ở bên kia, cô gái có thể…

*

Kể lại cho tôi nghe câu chuyện này không phải là nhạc sĩ Huy Du, người đã chôn bản nhạc năm ấy, mà là nhạc sĩ Nguyễn Thành, tác giả bài hát nổi tiếng: Qua miền Tây Bắc. Ông vốn là Trưởng đoàn Văn công quân đội thuộc Tổng cục Hậu cần, cùng với các nghệ sĩ Huy Du, Huy Thục và những nhà văn, nhà thơ quân đội như Xuân Sách (Lê Hoài Đăng)… vượt Trường Sơn năm nào.

Tôi hỏi nhạc sĩ Nguyễn Thành, anh còn nhớ chăng cái trạm giao liên xinh xắn như cái tổ chim nơi sườn núi ấy và tên các cô gái giao liên, các cô gái nuôi quân đêm ấy đã ngồi bên bếp lửa đun cháo cùng các anh hay không? Nhạc sĩ Nguyễn Thành nói, anh em cũng không thật nhớ cụ thể, chỉ biết đấy là một đơn vị thuộc Binh trạm 14 anh hùng của Bộ Tư lệnh 559. Còn tên các cô gái nuôi quân, anh chỉ nhớ mang máng là Thắm, Hồng, Ngọc, Xinh và Thơm. “Nhưng dù là tên gì, cậu cũng hãy nhớ một cái tên chung của người con gái nuôi quân nguyên mẫu cho anh Huy Du viết tặng bài ca, tên em ấy chắc chắn là Chiến sĩ hậu cần Trường Sơn. Một cái tên đầy tự hào và thương nhớ, cậu ạ…”.

Tin cùng chuyên mục