Hoàn thiện thể chế tháo gỡ điểm nghẽn trong đầu tư công

Thảo luận tại tổ sáng 26-10, đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (TPHCM) nhấn mạnh đến giải pháp giải ngân vốn đầu tư công, đó là đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, xây dựng một luật để sửa nhiều luật, tháo gỡ ách tắc trong đầu tư công. Trong đó, tháo gỡ các dự án đang ách tắc hiện nay. 

Sáng 26-10, Quốc hội thảo luận tại tổ về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 và nhiều nội dung quan trọng khác.

Trong phiên thảo luận tổ, các đại biểu Quốc hội (ĐB) đưa ra nhiều ý kiến và kiến nghị quan trọng, từ cải cách thủ tục hành chính, tăng cường đầu tư công và tư nhân, đến xây dựng các chỉ số phát triển con người và hạnh phúc quốc gia.

5988ad408144391a6055.jpg
ĐB Hà Phước Thắng, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TPHCM điều hành phiên thảo luận tại tổ. Ảnh: QUANG PHÚC

Những đề xuất này không chỉ phản ánh những thách thức hiện tại mà còn mở ra hướng đi cho sự phát triển bền vững và toàn diện của nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn mới.

Đặc biệt, việc đẩy mạnh đầu tư vào nguồn nhân lực, cải thiện cơ chế chính sách và tối ưu hóa quản lý tài chính sẽ là những yếu tố then chốt để kinh tế Việt Nam không chỉ ổn định mà còn vươn lên mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

Thách thức về đầu tư công và sử dụng nợ công

ĐB Nguyễn Thiện Nhân (TPHCM) nhấn mạnh, sự chậm trễ trong giải ngân vốn đầu tư công ảnh hưởng trực tiếp đến tăng trưởng kinh tế và khả năng sử dụng hiệu quả nguồn lực quốc gia.

0be707e72be393bdcaf2.jpg
ĐB Nguyễn Thiện Nhân góp ý. Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB Trần Kim Yến (TPHCM) cũng chỉ ra rằng vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công xuất phát từ các thủ tục phức tạp và quy trình rườm rà. Điều này không chỉ làm chậm tiến độ thực hiện các dự án mà còn ảnh hưởng đến hiệu quả của nguồn vốn đầu tư.

Để khắc phục tình trạng này, ĐB Nguyễn Thiện Nhân kiến nghị xây dựng một luật sửa đổi nhiều luật, nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong thủ tục đầu tư công và các dự án đang gặp khó khăn. Đây là bước đi quan trọng để khơi thông nguồn vốn, đảm bảo tiến độ và hiệu quả của các dự án đầu tư công.

d0ffee18cc1e74402d0f.jpg
ĐB Trần Kim Yến phát biểu. Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM) nhấn mạnh đến giải pháp đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, làm một luật để sửa nhiều luật, tháo gỡ ách tắc trong đầu tư công. Trong đó, tháo gỡ các dự án đang ách tắc hiện nay. Về khu vực doanh nhân, nhiều dự án bị vướng do thể chế. ĐB ủng hộ việc Quốc hội thông qua các luật tại kỳ họp lần này để tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế.

Góp thêm giải pháp, ĐB Trần Kim Yến đề nghị cần nghiên cứu lại quy trình, thủ tục để tháo gỡ các điểm nghẽn, thúc đẩy nhanh tiến độ giải ngân và cải thiện hiệu quả đầu tư công. Việc này có ý nghĩa quan trọng trong việc hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp trong khu vực tư nhân, đối mặt với khó khăn tài chính và duy trì hoạt động.

Về nợ công, ĐB Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, mặc dù nợ công của Việt Nam vẫn nằm trong giới hạn cho phép, việc quản lý và sử dụng nguồn vốn này cần được đánh giá kỹ lưỡng để tránh lãng phí.

ebc888227a26c2789b37-1.jpg
ĐB Trần Anh Tuấn phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB Trần Anh Tuấn (TPHCM) trao đổi thêm, nợ công hiện tại vẫn trong giới hạn cho phép, mang lại dư địa lớn để sử dụng đòn bẩy tài chính nhằm thúc đẩy đầu tư vào phát triển kinh tế - xã hội và hạ tầng.

Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam còn gặp khó khăn trong việc hấp thụ vốn đầu tư công và thu hút đầu tư tư nhân một cách hiệu quả. Đặc biệt, ông lưu ý rằng tỷ lệ doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng đáng kể, ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế.

83738085ac8114df4d90.jpg
Đoàn ĐBQH TPHCM thảo luận tại tổ sáng 26-10. Ảnh: QUANG PHÚC

Để khắc phục, ĐB Trần Anh Tuấn kiến nghị đẩy mạnh năng lực hấp thụ vốn từ đầu tư công và tư nhân thông qua sửa đổi các luật liên quan như Luật Đầu tư, nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc phê duyệt và thực hiện các dự án đầu tư.

Bên cạnh đó, ông cũng đề xuất khuyến khích phát triển các ngành kinh tế mới như công nghiệp bán dẫn, kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn. Việc đánh giá và tái cơ cấu ngành kinh tế theo định hướng bền vững sẽ là yếu tố cần thiết để đảm bảo phát triển ổn định trong tương lai.

Thúc đẩy tiêu dùng nội địa, cải thiện môi trường đầu tư

ĐB Trần Hoàng Ngân nhận định trong bối cảnh thế giới đầy biến động, Việt Nam vẫn duy trì ổn định kinh tế và có nhiều điểm sáng, như việc kiểm soát lạm phát ở mức thấp, khoảng 3% trong 10 năm qua.

Về động lực tăng trưởng kinh tế, ĐB Trần Hoàng Ngân cho rằng, làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, thúc đẩy tăng trưởng các động lực mới. ĐB đề ra giải pháp tập trung kết nối FDI với doanh nghiệp trong nước và xây dựng hệ thống thể chế phát triển các công nghiệp phụ trợ... mới tăng được giá trị. Đồng thời quan tâm đến “xuất khẩu tại chỗ”, đó là bán hàng cho khách du lịch quốc tế.

Bên cạnh đó, ông cho rằng cần sớm sửa đổi Nghị định 24 để kiểm soát tốt hơn thị trường vàng, đồng thời thành lập các sàn giao dịch vàng liên thông quốc tế nhằm định hướng đầu tư vàng hợp lý, tránh ảnh hưởng đến ổn định kinh tế vĩ mô.

05bcf46b836c3b32627d.jpg
ĐB Trần Hoàng Ngân góp ý. Ảnh: QUANG PHÚC

Về động lực đầu tư phát triển, ĐB Trần Hoàng Ngân đánh giá, đây là yếu tố ảnh hưởng đến 40% tăng trưởng kinh tế Việt Nam. ĐB phân tích cơ cấu vốn đầu tư nước ngoài, trong đó nhấn mạnh đến vốn ở khu vực doanh nhân là rất quan trọng. Cơ cấu vốn khu vực này lớn là bền vững đối với nền kinh tế trong nước.

Phân tích vốn đầu tư nước ngoài (FID) tăng 10,7% là một điểm sáng trong bối cảnh kinh tế thế giới nhiều biến động, ĐB cho rằng dòng vốn đang chảy vào Việt Nam, cho nên chọn lọc định hướng dòng vốn này vào những ngành công nghệ cao, chip bán dẫn... ĐB Trần Hoàng Ngân cũng đề nghị tăng cường kiểm tra, giám sát trong việc sử dụng các nguồn vốn có hiệu quả hơn trong thời gian tới.

bb9c8130bf3607685e27.jpg
ĐB Nguyễn Thị Hồng Hạnh phát biểu. Ảnh: QUANG PHÚC

Để thúc đẩy tiêu dùng nội địa, ĐB Trần Hoàng Ngân đề xuất giảm thuế thu nhập cá nhân và tăng trợ cấp xã hội để tăng sức mua của người dân, khuyến khích sử dụng hàng Việt Nam. Đồng thời, ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ nhằm gia tăng giá trị cho sản phẩm xuất khẩu.

Về năng suất lao động, ĐB Nguyễn Thiện Nhân cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cải thiện năng suất lao động - một yếu tố rất quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng bền vững. Ông cho rằng Việt Nam xếp hạng cao về GDP nhờ lực lượng lao động đông đảo, chứ chưa phải do năng suất lao động vượt trội.

7fa3c2925595edcbb484.jpg
ĐB Nguyễn Minh Hoàng góp ý. Ảnh: QUANG PHÚC

Để giải quyết vấn đề này, ĐB Nguyễn Thiện Nhân cho rằng cần có các báo cáo đánh giá chuyên sâu về năng suất lao động, từ đó thiết lập các chỉ tiêu quốc gia về năng suất và đưa ra giải pháp cụ thể để nâng cao chỉ số này trong những năm tới.

Đồng thời, ĐB Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, con người là trung tâm của quá trình phát triển. Ông đề xuất đầu tư mạnh mẽ vào phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là trong bối cảnh chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ.

Bên cạnh đó, ông kiến nghị Chính phủ công bố mức sống tối thiểu và tiền lương tối thiểu để các địa phương dễ dàng thực hiện chính sách hỗ trợ cho người lao động thu nhập thấp, đồng thời thúc đẩy xây dựng bộ chỉ số hạnh phúc quốc gia và báo cáo đánh giá chỉ số phát triển con người của Việt Nam.

ĐB Phạm Khánh Phong Lan (TPHCM) bày tỏ sự băn khoăn về việc tuyển dụng và giữ chân nguồn nhân lực chất lượng cao trong bộ máy nhà nước. Trong bối cảnh biên chế ngày càng siết chặt, khối lượng công việc ngày càng tăng, nhưng chế độ lương bổng chưa đủ hấp dẫn để thu hút và giữ chân nhân tài.

Để cải thiện vấn đề trên, bà đề xuất tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong các cơ quan nhà nước nhằm tối ưu hóa nguồn lực và tăng hiệu quả công việc, đồng thời xây dựng cơ chế lương bổng phù hợp, tạo động lực cho cán bộ trẻ cống hiến lâu dài.

Tin cùng chuyên mục