Phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông
Tuyến quốc lộ 13 qua địa bàn TP Thủ Đức là một trong những tuyến giao thông huyết mạch kết nối TPHCM với tỉnh Bình Dương và Tây Nguyên, thường xuyên kẹt xe vào giờ cao điểm. Chị Đoàn Thị Thanh Hương (ngụ quận 12) cho biết: “Tuyến đường này lượng xe khách, xe máy lưu thông rất lớn nhưng mặt đường khá hẹp nên thường xuyên kẹt xe, người dân rất bức xúc”. Những khó khăn mà chị Hương cũng như những người tham gia giao thông gặp phải sắp được giải quyết khi TPHCM đang chuẩn bị đầu tư nâng cấp, mở rộng tuyến quốc lộ 13 theo hình thức hợp đồng xây dựng - vận hành - chuyển giao (BOT) áp dụng cơ chế từ Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM (Nghị quyết 98). Dự kiến tuyến đường này sẽ được mở rộng lên 53-60m, quy mô 6-8 làn xe với tổng vốn đầu tư gần 14.000 tỷ đồng. Hiện dự án đang được nghiên cứu tiền khả thi, dự kiến trình HĐND TPHCM phê duyệt chủ trương đầu tư trong quý 4-2024 và khởi công đầu năm 2025.
Giám đốc Sở GTVT TPHCM Trần Quang Lâm cho biết, cùng với quốc lộ 13, 4 tuyến khác cũng được nâng cấp, mở rộng áp dụng hợp đồng BOT theo cơ chế Nghị quyết 98, gồm quốc lộ 1, quốc lộ 22, đường trục Bắc - Nam, cầu đường Bình Tiên. Khi các dự án này hoàn thành, cùng với các tuyến cao tốc, đường vành đai, TPHCM sẽ cơ bản hoàn thiện mạng lưới giao thông “xương sống” hiện đại, góp phần hoàn thiện hạ tầng, giúp lưu thông thông suốt, giải quyết kẹt xe, tăng khả năng kết nối giữa TPHCM với các tỉnh lân cận.
Tại cuộc họp trực tuyến với các bộ, ngành và địa phương liên quan về tình hình triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 TPHCM vào ngày 1-10, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ GTVT phối hợp với các địa phương thống nhất, đề xuất các cơ chế, chính sách, đặc thù áp dụng cho dự án. Phó Thủ tướng yêu cầu TPHCM phối hợp với các địa phương khẩn trương hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án theo phương thức đối tác công - tư, trình hồ sơ cho Hội đồng Thẩm định nhà nước trong tháng 11-2024.
Cần cơ chế đủ mạnh cho các dự án lớn
Nghị quyết số 31 của Bộ Chính trị đặt mục tiêu, tầm nhìn TPHCM là hạt nhân của vùng Đông Nam bộ, cực tăng trưởng của cả nước, nơi thu hút các định chế tài chính và tập đoàn kinh tế quốc tế. Một trong những nhiệm vụ, giải pháp đề ra là thực hiện quy hoạch phát triển không gian ngầm, không gian xanh khu vực trung tâm thành phố, các khu đô thị mới, xung quanh các nhà ga metro theo mô hình phát triển đô thị gắn với giao thông công cộng (TOD).
TPHCM đang nỗ lực triển khai, hình thành các dự án, đề án phát triển giao thông. Trong đó, đề án phát triển đường sắt đô thị (metro) với mục tiêu đến năm 2035 hoàn thành 183km metro gồm 6 tuyến và 148 nhà ga, tổng mức đầu tư sơ bộ đến giai đoạn này hơn 824.000 tỷ đồng. Để hoàn thành mục tiêu này, TPHCM cần có những cơ chế đủ mạnh để đẩy nhanh tiến độ các dự án. Theo TS-KTS Ngô Viết Nam Sơn (thành viên Hội đồng Tư vấn thực hiện Nghị quyết 98), cần cho phép TPHCM được đấu giá quyền sử dụng đất để phát triển TOD và sử dụng toàn bộ số tiền thu được để đầu tư trực tiếp cho dự án phát triển metro. TPHCM cũng cần được phát hành trái phiếu để huy động nguồn lực xã hội tham gia phát triển metro.
Thực tế, việc Quốc hội ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù áp dụng riêng cho từng dự án lớn đã phát huy được hiệu quả rõ nét. Điển hình với dự án đường Vành đai 3 TPHCM, Quốc hội cho phép Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố thực hiện thẩm quyền của người quyết định đầu tư các dự án thành phần. Nhờ đó, các dự án thành phần đều được triển khai đảm bảo tiến độ, nhất là công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, đến nay tổng diện tích đất thu hồi đã đạt 95%. Dự án này được Quốc hội thông qua cơ chế chỉ định thầu với các gói thầu tư vấn; các gói thầu phục vụ công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của các dự án thành phần. Các địa phương đánh giá cơ chế này rút ngắn thời gian thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư các dự án thành phần khoảng 4 tháng, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Việc giao UBND TPHCM làm cơ quan đầu mối thực hiện dự án đảm bảo tính tổng thể, đồng bộ. Việc phân cấp, ủy quyền cho các địa phương quyết định đầu tư các dự án thành phần và trình tự thủ tục tương tự dự án nhóm A tăng tính chủ động, trách nhiệm, rút ngắn các thủ tục và đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị dự án, góp phần đảm bảo các mốc triển khai và hoàn thành dự án.
Từ những hiệu quả của các cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện dự án đường Vành đai 3, UBND TPHCM và UBND các tỉnh (Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Long An) thống nhất kiến nghị Quốc hội có các cơ chế, chính sách đặc thù để thực hiện dự án đường Vành đai 4, trong đó có những cơ chế tương tự như dự án đường Vành đai 3. TPHCM cũng dự kiến trình Quốc hội đề án xây dựng Trung tâm Tài chính quốc tế tại TPHCM với 10 cơ chế chính sách tập trung vào các nhóm trụ cột năng lực cạnh tranh cần ưu tiên. Đó là, nhóm cơ chế chính sách về phát triển ngành tài chính; nhóm cơ chế chính sách về cải thiện môi trường kinh doanh; nhóm cơ chế chính sách về nguồn nhân lực.
Thành phố sẽ phát hành trái phiếu đường sắt đô thị
Đối với đề án phát triển đường sắt đô thị, Kết luận 49 của Bộ Chính trị yêu cầu đến năm 2035, TPHCM và Hà Nội cơ bản hoàn thiện hệ thống đường sắt đô thị. Hiện TPHCM đang có tuyến metro số 1 chiều dài khoảng 20km, chúng ta phấn đấu đến năm 2035 sẽ có thêm 183km, dự kiến số vốn khoảng 36 tỷ USD. Từ đây đến năm 2030, thành phố xây khoảng 31km, giai đoạn sau năm 2030, khi công tác chuẩn bị xong sẽ xây dựng nhanh hơn. Dự kiến thành phố sẽ phát hành trái phiếu đường sắt đô thị và khai thác quỹ đất xung quanh các tuyến metro để huy động nguồn lực xây dựng dự án. TPHCM cũng phấn đấu khởi công các đoạn còn lại của dự án đường Vành đai 2 vào năm 2025 để khép kín tuyến này. Dự án đường Vành đai 3 đang đúng tiến độ theo Nghị quyết của Quốc hội, dự kiến đầu năm 2026 sẽ thông xe kỹ thuật và hoàn thành toàn tuyến trong quý 2-2026. Dự án đường Vành đai 4, TPHCM được giao là cơ quan chủ trì chuẩn bị và trình dự án. Hiện các địa phương thống nhất trình theo hướng gồm 2 hợp phần là giải phóng mặt bằng và xây dựng. Với hợp phần giải phóng mặt bằng, đang đề nghị Trung ương hỗ trợ các tỉnh (Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương) 50%, còn lại 50% ngân sách của các tỉnh; riêng TPHCM tự cân đối; tỉnh Long An do điều kiện thu ngân sách thấp hơn nên đề nghị Trung ương hỗ trợ 75%. Còn hợp phần xây lắp, dự kiến sẽ áp dụng phương thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng (BOT), tức là ngân sách nhà nước tham gia tối đa không quá 70%, nhà đầu tư sẽ tham gia ít nhất 30%. Chúng tôi đang cố gắng để trình Quốc hội tại kỳ họp cuối năm nay, phấn đấu khởi công vào năm 2025 và hoàn thành vào năm 2027.
(Trích phát biểu của Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi tại Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam TPHCM lần thứ XII, nhiệm kỳ 2024-2029, ngày 3-10)
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn làm việc với TPHCM
Hôm nay 5-10, đoàn công tác Đảng đoàn Quốc hội do đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng đoàn Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội làm trưởng đoàn, dự kiến có buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM.
Buổi làm việc nhằm đánh giá kết quả một năm triển khai Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM và Nghị quyết số 57/2022/QH15 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TPHCM. Cùng với đó, đánh giá về tình hình thực hiện các nội dung TPHCM đăng ký thông qua tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV; các nội dung qua thực tiễn áp dụng tại TPHCM cần nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung pháp luật.
THU HƯỜNG