Nghị quyết Trung ương 5 (Khóa XII) về “Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” được triển khai thực hiện trong bối cảnh nhận thức về nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ngày càng đầy đủ hơn; kinh tế thị trường định hướng XHCN từng bước hình thành, có nhiều đặc điểm của nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập. Đối với TPHCM - đầu tàu kinh tế của cả nước, những năm qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong việc định hình, phát triển tư duy về kinh tế thị trường định hướng XHCN, tạo tiền đề để tiếp tục phát triển…
Khai thác tối đa nguồn lực đầu tư phát triển
Trong những năm đầu thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (Khóa X) về tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, TPHCM đã có những bước đi mạnh mẽ và hiệu quả trong việc tách quản lý doanh nghiệp khỏi chức năng quản lý nhà nước của các sở ngành, quận huyện. Trong đó, điển hình là hoạt động của Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TPHCM (HFIC) theo mô hình thí điểm chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước.
Dây chuyền sản xuất hiện đại tại Công ty Dệt Thái Tuấn. Ảnh: VIỆT DŨNG
Theo ông Trương Văn Non, Chủ tịch Hội đồng thành viên HFIC, sau hơn 5 năm đi vào hoạt động theo mô hình mới này, HFIC đã thực hiện đầy đủ, đúng và kịp thời các quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu vốn tại các doanh nghiệp, cũng như phối hợp với các cơ quan quản lý trong hoạt động kiểm tra, giám sát, đánh giá chất lượng của doanh nghiệp. HFIC còn phối hợp tốt với các doanh nghiệp được chuyển giao khắc phục những thiếu sót, yếu kém trong công tác quản trị; xây dựng và hoàn thiện các quy chế quản lý đảm bảo tính công khai, minh bạch, phát huy dân chủ của người lao động, trách nhiệm quản lý của hội đồng thành viên và vai trò chủ động của ban điều hành trong sản xuất, kinh doanh, nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp… HFIC trở thành kênh huy động vốn từ các tổ chức tài chính quốc tế (như Ngân hàng Thế giới, Cơ quan Phát triển Pháp, Ngân hàng Châu Á, Ngân hàng Tái thiết Đức, Cơ quan Hợp tác phát triển Ý) và các tổ chức tín dụng trong nước. Trong 5 năm hoạt động, HFIC đã huy động được hơn 4.000 tỷ đồng từ các tổ chức tài chính, ngân hàng trên và phối hợp với Sở Tài chính huy động thành công hơn 10.000 tỷ đồng trái phiếu chính quyền địa phương.
Nguồn lực quan trọng trên đã được đầu tư mạnh cho xây dựng các công trình giao thông trọng điểm của TP, tạo bộ mặt đô thị mới hiện đại và kích thích sự phát triển năng động của thị trường vốn với sự tham gia của các thành phần kinh tế, đầu tư vào các ngành và lĩnh vực có nhiều ưu thế của TPHCM.
Nhằm huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển, TPHCM cũng có những phương cách vận hành theo quy luật thị trường, lấy cơ chế giá thị trường để phát triển các yếu tố thị trường. Đây là cách thức mà TPHCM sẽ mở rộng triển khai trên tất cả các loại thị trường theo tinh thần của Nghị quyết Trung ương 5. Trong đó, như khẳng định của đồng chí Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM: Cần tính đúng, tính đủ và công khai, minh bạch các yếu tố hình thành giá đối với hàng hóa, dịch vụ công thiết yếu; có chính sách hỗ trợ phù hợp với đối tượng chính sách, người có công và đồng bào các dân tộc thiểu số; không lồng ghép các chính sách xã hội trong giá; rà soát, chuyển đổi chính sách phí, lệ phí đối với một số dịch vụ công sang áp dụng chế độ giá dịch vụ; mở rộng cơ chế đấu thầu, đấu giá, thẩm định giá…
Ở các loại thị trường hàng hóa và dịch vụ, thị trường tài chính, thị trường bất động sản, thị trường khoa học và công nghệ, thị trường lao động…, cũng theo Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, TP sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển, coi những thị trường này là yếu tố quan trọng làm tăng lưu chuyển hàng hóa, thúc đẩy quá trình tích tụ, luân chuyển vốn của nền kinh tế và làm đòn bẩy cho các ngành và lĩnh vực khác phát triển. Trong đó, mô hình sàn giao dịch hàng hóa, tuy có những mặt còn hạn chế khi thực hiện thời gian qua, vẫn được đẩy mạnh trong thời gian tới với cách làm và vận hành ở thị trường này hiệu quả hơn. TPHCM hiện đã hội đủ các điều kiện kinh tế - xã hội để thành lập Sở Giao dịch hàng hóa và sẽ sớm ra mắt, đi vào hoạt động. Đây là phương thức định hình thị trường và kênh khai thác nguồn lực đầu tư hiệu quả cho nền kinh tế, đồng thời góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của TPHCM theo hướng gia tăng tỷ trọng khu vực dịch vụ, củng cố vai trò trung tâm phân phối hàng hóa của TP trong mối quan hệ tổng thể phát triển kinh tế - xã hội với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, với cả nước và hội nhập kinh tế quốc tế.
Hoàn thiện cơ sở pháp lý để vận hành nền kinh tế thị trường
Đó là mục tiêu và giải pháp mà trong triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM đặc biệt chú trọng. Theo nhận định của Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, trong những năm qua, hệ thống pháp luật tạo cơ sở cho nền kinh tế thị trường định hướng XHCN vận hành không ngừng được sửa đổi, bổ sung theo yêu cầu phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng; tuy nhiên, so theo yêu cầu của tiến trình đẩy nhanh quá trình hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN cho phù hợp với thực tế thì chưa đáp ứng được.
Trong đó, để hoàn thiện và tạo cơ chế cho mô hình của HFIC hoạt động, TP kiến nghị Trung ương sớm ban hành văn bản có hiệu lực pháp lý cao để khẳng định tính hợp pháp của việc chuyển giao các doanh nghiệp thuộc UBND TPHCM cho HFIC làm chủ theo mô hình công ty mẹ - con. Đồng thời, cho phép áp dụng cơ chế tài chính đặc thù cho HFIC, gồm: Tăng quy mô huy động vốn; được hoạt động đa ngành, không giới hạn lĩnh vực kinh doanh, đầu tư; được giữ lại toàn bộ lợi nhuận sau thuế; bổ sung vốn điều lệ cho HFIC bằng nguồn thu từ cổ phần hóa doanh nghiệp để tiếp tục phát triển mô hình HFIC, hình thành đột phá trong cơ chế tài chính đô thị…
Một nội dung khác - mà TPHCM đã nhiều lần kiến nghị với các bộ ngành trung ương cần sớm triển khai thực hiện - cũng được Nghị quyết Trung ương 5 đề cập đến, đó là phân cấp quản lý nhà nước giữa Chính phủ và UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo tinh thần Nghị quyết số 21 ngày 21-3-2016 của Chính phủ. 5 lĩnh vực mà Nghị quyết 21 yêu cầu tập trung phân cấp quản lý trong giai đoạn 2016-2020 gồm: Quản lý ngân sách; thực hiện quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước và phần vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp; quản lý đầu tư; quản lý công vụ, cán bộ, công chức, viên chức; quản lý đất đai. Cơ chế phân cấp quản lý trên khi được thực hiện sẽ giúp TPHCM tạo lập nguồn thu ngân sách bền vững từ các khoản thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, tỷ lệ cố định cho phát triển hạ tầng địa phương trên thuế tiêu dùng, các hoạt động phát triển đô thị.
Đóng góp của TPHCM với cả nước về kinh tế chiếm 23% GDP, 28% thu ngân sách, năng suất lao động gần gấp 3 lần. So với cả nước, tính trên diện tích đất 1km2, GDP của TPHCM gấp 36 lần, đóng góp ngân sách gấp 44 lần. Các số liệu trên cho thấy vị trí của TPHCM rất quan trọng đối với cả nước, nếu có cơ chế mang tính đặc thù, chắc chắn TPHCM sẽ phát triển đột phá, vững chắc hơn nữa…
Đồng chí NGUYỄN THIỆN NHÂN
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM
Đồng chí NGUYỄN THIỆN NHÂN
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM
Trong quá trình triển khai chủ trương phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN, TPHCM và các bộ ngành trung ương thường xuyên rà soát, kiến nghị các chính sách, pháp luật liên quan. Tuy nhiên, các luật được ban hành thời gian qua chưa có gì đột phá; các khuôn khổ phân cấp trung ương - địa phương chưa tạo điều kiện nhiều cho những cải cách. Một số luật, nghị định, nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ ban hành không thể hiện tính đặc thù cần có về cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách cho TPHCM. Những bất cập, hạn chế trên đã làm giảm khả năng huy động, khai thác, kêu gọi xã hội hóa trong đầu tư phát triển, nhất là về giao thông, hạ tầng đô thị. Nếu không sớm được khắc phục, tình trạng trên sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến quá trình hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, không tạo điều kiện và cơ hội để TPHCM bứt phá trong phát triển và giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của đất nước.