Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp tại TPHCM phản ánh, hiện nay họ gặp không ít thách thức trong việc triển khai an toàn sản phẩm và các vấn đề tuân thủ, dẫn đến còn hạn chế nhất định trong việc cải thiện năng lực thâm nhập thị trường của sản phẩm.
Doanh nghiệp Việt Nam đang từng bước hoàn thiện quy trình sản xuất chuyên nghiệp
Nhiều doanh nghiệp cho biết, đang đối diện với khó khăn vì vừa phải thực hiện an toàn sản phẩm và các vấn đề tuân thủ vừa phải đảm bảo mức giá cạnh tranh của sản phẩm nhằm giữ thị phần cũng như chinh phục người tiêu dùng. Bên cạnh đó, an toàn sản phẩm và các vấn đề tuân thủ dù đã được đề cập và áp dụng từ lâu trên thế giới, nhưng tại Việt Nam vẫn còn khá mới mẻ; nhiều ngành hàng còn hạn chế trong việc tiếp cận thông tin.
Bà Hồ Mai Lan, chủ doanh nghiệp hoạt động trong ngành may mặc tại TPHCM, cho biết quá trình vận động ban lãnh đạo và nhân viên thực hiện chính sách liên quan đến an toàn sản phẩm và các vấn đề tuân thủ là không dễ dàng. Trong khi đó, muốn thực hiện tốt an toàn sản phẩm và các vấn đề tuân thủ phải có sự đồng thuận của toàn công ty và triển khai đồng bộ; nếu không thì kết quả không đạt được như kỳ vọng mà còn hao hụt chi phí.
Việc thực hiện an toàn sản phẩm và các vấn đề tuân thủ đòi hỏi sự nỗ lực và chiến lược lâu dài của doanh nghiệp. Cụ thể, sản phẩm phân phối và bán ra thị trường cần đáp ứng yêu cầu về pháp lý, tiêu chuẩn của ngành hàng, thị hiếu người tiêu dùng... Doanh nghiệp phải cân đối ngân sách tài chính, đầu tư chi phí hợp lý cho lĩnh vực an toàn sản phẩm và các vấn đề tuân thủ, nhằm đảm bảo uy tín thương hiệu cũng như giữ chân khách hàng.
Đánh giá về thực hiện an toàn sản phẩm và các vấn đề tuân thủ của doanh nghiệp, ông Nate Herman đến từ Hiệp hội May mặc và giày dép Mỹ (AAFA), cho rằng có những quy định đã áp dụng trong năm qua, nhưng đến nay, khá nhiều doanh nghiệp vẫn chưa cập nhật đầy đủ thông tin, dẫn đến gặp khó khăn khi tuân thủ. Đặc biệt, những quy định về các loại hóa chất hạn chế sử dụng để không ảnh hưởng sức khỏe con người và môi trường.
Hiện nay, hoạt động sản xuất kinh doanh trong bối cảnh hội nhập kinh tế và chuỗi cung ứng toàn cầu đầy biến động, càng đòi hỏi doanh nghiệp phải chú trọng đúng mức đối với việc thực hiện an toàn sản phẩm và các vấn đề tuân thủ. Trong đó, sản phẩm giới thiệu ra thị trường và đến tay người tiêu dùng phải đảm bảo công năng vượt trội, được sản xuất từ đơn vị có đạo đức kinh doanh, nguồn nguyên vật liệu đạt tiêu chuẩn...
Công năng sản phẩm phải đáp ứng được các quy định an toàn dựa trên sự đánh giá ở yếu tố sử dụng tiện lợi, không có hóa chất gây hại đến người tiêu dùng. Còn trách nhiệm xã hội được xem xét dựa trên cơ sở môi trường sản xuất kinh doanh, đảm bảo tốt cho người lao động làm việc, bảo vệ tài nguyên môi trường...
Theo Tổ chức Worldwide Responsible Accredited Production (WRAP), hoạt động đánh giá tuân thủ xã hội ngày càng quan trọng với vai trò công cụ bảo vệ rất thực tế trước rủi ro đối với chuỗi cung ứng. Bên cạnh đó, trong các chuỗi giá trị toàn cầu ngày nay cần thực hiện tốt an toàn sản phẩm và các vấn đề tuân thủ để bảo vệ uy tín thương hiệu doanh nghiệp cũng như hàng hóa. Riêng với doanh nghiệp Việt Nam, cần quan tâm và xác định an toàn sản phẩm và các vấn đề tuân thủ có vai trò quan trọng và là yếu tố định hướng cho hoạt động thâm nhập thị trường, phát triển thương hiệu sản phẩm.
Để nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường, ông Josue Solano, Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành BBC International LLC, cho rằng doanh nghiệp cần liên tục cập nhật những thay đổi về an toàn sản phẩm và các vấn đề tuân thủ ở thị trường tham gia bán hàng. Song song đó, định vị vị trí của doanh nghiệp, ngành hàng đang ở đâu trong chuỗi cung ứng; từ đó, có chính sách phát triển và quản lý nhà cung ứng cũng như sản phẩm đầu ra; đảm bảo an toàn sản phẩm và các vấn đề tuân thủ hiệu quả.