Ông Nguyễn Thái Vĩnh Nguyên, Trưởng Phòng GD-ĐT TP Thủ Đức, nhận xét, bản đồ GIS phù hợp với những địa phương quy hoạch đủ trường lớp ở các bậc học, song trên thực tế nhiều nơi chưa làm được. Cùng quan điểm, ông Trịnh Vĩnh Thanh, Trưởng Phòng GD-ĐT quận Gò Vấp, cho rằng, phân bổ chỗ học dựa vào nơi cư trú không làm giảm áp lực về chỗ học ở những địa bàn "nóng" do vẫn xảy ra tình trạng phụ huynh “chạy” cư trú. Theo quy định hiện nay, chỉ cần chủ hộ bảo lãnh là học sinh được cấp giấy xác nhận cư trú khá dễ dàng, khiến áp lực đè nặng các trường điểm. Theo Phó trưởng Phòng GD-ĐT quận 8 Nguyễn Quốc Hưng, có tình trạng phụ huynh muốn con học trường điểm nên cố ý nhập sai địa chỉ cư trú ở gần trường khi đăng ký trên hệ thống. Sau khi có kết quả tuyển sinh, phụ huynh đến trường nộp hồ sơ nhập học mới bị phát hiện địa chỉ cư trú không đúng thực tế. Ngoài ra, theo phản ánh từ các quận, huyện, thông tin bản đồ GIS còn sai sót so với thực tế, đặc biệt ở các khu vực dân cư mới, nên cần tiếp tục cập nhật, hoàn chỉnh dữ liệu trong thời gian tới.
Đại diện Sở GD-ĐT TPHCM khẳng định, bản đồ GIS là một trong các công cụ hỗ trợ quá trình tuyển sinh, tuy nhiên cần kết hợp thêm công tác phổ cập, rà soát địa bàn để phân bổ chỗ học phù hợp tình hình thực tế. Cùng với đó, Phòng GD-ĐT TP Thủ Đức và 21 quận, huyện cần thường xuyên lắng nghe ý kiến phản hồi từ người dân để có hướng dẫn hoặc điều chỉnh kịp thời, giúp công tác tuyển sinh sát hơn với nhu cầu và nguyện vọng trong thực tế.