Giải quyết tốt hơn quan hệ giữa Nhà nước, thị trường
Hiến pháp năm 2013 đã thể chế hóa Cương lĩnh năm 2011, ghi nhận và phát triển cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực Nhà nước ở nước ta. Việc hiến định nguyên tắc kiểm soát quyền lực và cụ thể hóa sự phân công, phối hợp giữa các cơ quan trong thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp có ý nghĩa quan trọng đối với quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền ở nước ta, phù hợp với xu hướng quốc tế.
Thời gian qua, bên cạnh những thành tựu đáng ghi nhận trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (XHCN) của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, thì vẫn còn có những hạn chế, tồn tại cần tiếp tục quan tâm giải quyết. Theo đó, sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp còn chưa đáp ứng yêu cầu của cương lĩnh.
Thí dụ, đâu là ranh giới giữa quyền lập pháp và quyền lập quy? Trên thực tế, do thiếu luật nên trong một số vấn đề phải ủy quyền lập pháp cho Chính phủ, các bộ, các ngành ban hành các văn bản pháp quy để điều chỉnh. Cùng với đó vẫn còn tình trạng bất cập trong phân công, phối hợp và kiểm soát thực hiện quyền hành pháp. Hệ thống pháp luật vẫn chưa đồng bộ, thống nhất, vẫn còn tình trạng có nhiều văn bản chồng chéo, mâu thuẫn.
Thực trạng hệ thống pháp luật và trong sự vận hành Nhà nước chưa làm sáng tỏ “tính độc lập tương đối” của mỗi quyền, sự chế ước lẫn nhau giữa các nhánh quyền lực, bảo đảm quyền lực không bị tha hóa, bị lạm dụng. Mặt khác, việc tổ chức thực hiện pháp luật có lúc, có nơi còn chưa xử lý nghiêm các hành vi xâm phạm quyền con người, quyền công dân từ phía cơ quan công quyền. Đặc biệt là việc xét xử oan, sai tuy không nhiều, nhưng có những vụ, việc nghiêm trọng, gây ảnh hưởng lớn đến quyền con người, niềm tin của người dân đối với nền hành chính, nền tư pháp.
Về cơ chế kiểm soát quyền lực, tình trạng tha hóa, lợi dụng quyền lực vẫn còn tồn tại; nhiều cán bộ biến quyền lực thành của mình để ban phát, xin cho.
Từ những bất cập nêu trên, thiết nghĩ Dự thảo cần làm rõ phương hướng khắc phục để hoàn thiện Nhà nước pháp quyền theo yêu cầu của Cương lĩnh năm 2011. Thông qua đó sẽ “tập trung hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, giải quyết tốt hơn quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội” theo chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 đã được xác định trong Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Xây dựng tiêu chuẩn đô thị thông minh
Để tạo dựng và hoàn thiện nền kinh tế thị trường của nước ta đòi hỏi phải tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế, pháp luật đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, hội nhập, ổn định, cụ thể, minh bạch. Cùng với đó là tăng cường hiệu lực, hiệu quả các thiết chế thi hành pháp luật, bảo đảm chấp hành pháp luật nghiêm minh.
Điều này đòi hỏi Nhà nước pháp quyền phải thực hiện tốt chức năng xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, cơ chế, chính sách, phân bổ nguồn lực phát triển theo cơ chế thị trường định hướng XHCN; đồng thời, cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, minh bạch. Nhiệm vụ quan trọng nữa là thực hiện chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xây dựng xã hội số, chính phủ số.
Dự thảo văn kiện cũng xác định nhiệm vụ “tiếp tục xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tạo đột phá trong cải cách hành chính”. Liên quan đến nội dung này, tại Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI vừa qua đã có ý kiến đề xuất Trung ương chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn cho một đô thị thông minh.
TPHCM là địa phương khởi động sớm đề án xây dựng TPHCM thành đô thị thông minh. Trên thực tế của thế giới, thành phố thông minh sẽ góp phần hoàn thiện Nhà nước pháp quyền. Thành phố thông minh sẽ đồng hành với một nền hành chính hoàn hảo. Đặc biệt, đích đến của TPHCM là tạo dựng một hệ sinh thái trí tuệ nhân tạo (AI) cho thành phố thông minh.
Đến nay, trên cả nước đã có 38 thành phố đăng ký xây dựng thành phố thông minh. Với tầm quan trọng gắn bó mật thiết giữa thành phố thông minh và việc hoàn thiện Nhà nước pháp quyền, Dự thảo cần có nội dung nhấn mạnh đủ liều lượng về xây dựng thành phố thông minh. Đây không chỉ là nguyện vọng của TPHCM mà còn là của cả nước.
Làm rõ hơn yêu cầu phân cấp Phân cấp quản lý nhà nước giữa chính quyền Trung ương và địa phương trong bối cảnh xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam là vấn đề đặc biệt quan trọng. Thông qua phân cấp quản lý, vai trò của chính quyền Trung ương và địa phương trong giải quyết các vấn đề chung của cả nước và nhiệm vụ của từng địa phương được xác định rõ ràng. Trong thực tiễn hoạt động, bên cạnh những kết quả tích cực, cơ chế phân cấp quản lý nhà nước giữa Trung ương và địa phương vẫn còn nhiều bất cập, dẫn đến chính quyền địa phương chưa thể hiện đúng tinh thần Cương lĩnh, Hiến pháp và các văn kiện mà Đại hội XII của Đảng đã đề ra. Tại Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI có một số ý kiến góp ý việc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, theo Dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Các ý kiến đánh giá, phân cấp, phân quyền chưa thật sự rõ ràng nên có lúc không thể tạo ra cơ chế mạnh mẽ hơn cho sự phát triển của các địa phương. Việc cụ thể hóa các chủ trương của Đảng bằng quy định cụ thể của pháp luật còn chậm. Đồng thời, địa phương có tư tưởng trông chờ, thụ động, ỷ lại vào cấp trên còn khá phổ biến. Vì vậy, một số ý kiến góp ý cho Dự thảo đề nghị, từ bài học kinh nghiệm của TPHCM, cần làm rõ hơn yêu cầu phân cấp, tăng cường phân cấp quản lý cho TPHCM. KIỀU PHONG |