Hoàn thiện khung khổ pháp lý, tạo động lực mới cho phát triển

Theo Chủ tịch Quốc hội, phải chống tiêu cực ngay trong công tác xây dựng pháp luật, không để xảy ra việc lồng ghép “lợi ích nhóm”, “lợi ích cục bộ” của cơ quan quản lý nhà nước trong văn bản luật; quan tâm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân và doanh nghiệp...

Ngày 3-11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với các cơ quan hữu quan tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Kết luận số 19-KL/TW ngày 14-10-2021 của Bộ Chính trị và Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.  Các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Vương Đình Huệ, Chủ tịch Quốc hội; Võ Văn Thưởng, Thường trực Ban Bí thư; Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; Phan Đình Trạc, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, đồng chủ trì hội nghị.

Luật hóa những vấn đề đã “chín”

Tại hội nghị, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, đã quán triệt, chỉ đạo việc triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị về định hướng chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

Ảnh: TTXVN

Đồng chí Võ Văn Thưởng cho biết, sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 48, Bộ Chính trị nhận định: Công tác xây dựng pháp luật đã có nhiều cải tiến, đổi mới, xác định được quy trình xây dựng và ban hành các văn bản pháp luật theo hướng dân chủ, công khai, minh bạch hơn; thể chế hóa kịp thời, đúng đắn chủ trương, đường lối của Đảng. Công tác tổ chức thi hành pháp luật có tiến bộ và đạt được những kết quả tích cực; vai trò của pháp luật và ý thức thượng tôn pháp luật trong tổ chức và hoạt động của Nhà nước, trong đời sống xã hội ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, so với thực tiễn phát triển của đất nước, hệ thống pháp luật vẫn còn hạn chế. Công tác tổ chức thi hành pháp luật vẫn là khâu yếu, chưa gắn kết chặt chẽ với công tác xây dựng pháp luật. Tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết chưa được khắc phục triệt để…

Đồng chí Võ Văn Thưởng nhấn mạnh các vấn đề lớn cần chú trọng trong thời gian tới. Đó là, hệ thống pháp luật phải đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, bảo đảm cho bộ máy nhà nước vận hành trôi chảy, vừa tiếp nhận, phát triển những giá trị đã được khẳng định của văn minh nhân loại, vừa phù hợp với những giá trị tốt đẹp của văn hóa Việt Nam, phù hợp với yêu cầu của chế độ ta, tạo động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội, phát triển đất nước nhanh và bền vững. Quá trình xây dựng pháp luật phải bám sát và đáp ứng kịp thời yêu cầu của thực tiễn, nhưng chỉ những vấn đề cấp bách, đã chín, đã rõ, được thực tiễn chứng minh, có sự thống nhất cao thì mới xây dựng, ban hành luật; những vấn đề tuy cấp bách, cần thiết, nhưng là vấn đề mới, chưa đạt đồng thuận cao thì có thể quy định thực hiện thí điểm. Trước mắt, chưa triển khai xây dựng những dự án luật có nội dung phức tạp, còn nhiều ý kiến khác nhau, cần có thêm thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng.

Đảm bảo tính liêm chính, không chạy theo số lượng

Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh yêu cầu không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác lập pháp. Vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội vào việc từ rất sớm, phối hợp chặt chẽ ngay từ đầu cùng với các cơ quan của Chính phủ được giao chủ trì soạn thảo các dự án luật, nghị quyết; lãnh đạo Quốc hội đã chủ động làm việc với Thường trực cơ quan thẩm tra để nghe báo cáo, cho ý kiến về những định hướng lớn, những nội dung, yêu cầu phải đạt được trong các dự án luật, Chủ tịch Quốc hội nhận định, nhờ cách làm việc sâu sát này, các dự án luật, nghị quyết trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 2 đều được chuẩn bị kỹ lưỡng, bảo đảm tiến độ và qua thảo luận nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá cao chất lượng. Tinh thần này cần tiếp tục được phát huy trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, gắn với việc triển khai thực hiện các định hướng và nhiệm vụ lập pháp được xác định trong Đề án.

Theo Chủ tịch Quốc hội, phải chống tiêu cực ngay trong công tác xây dựng pháp luật, không để xảy ra việc lồng ghép “lợi ích nhóm”, “lợi ích cục bộ” của cơ quan quản lý nhà nước trong văn bản luật; quan tâm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân và doanh nghiệp, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. “Quốc hội cũng sẽ phải đảm bảo tính liêm chính trong công tác xây dựng pháp luật”, người đứng đầu Quốc hội cam kết.

Các đồng chí: Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM; Văn Thị Bạch Tuyết, 
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TPHCM; Hà Phước Thắng, Phó Trưởng đoàn chuyên trách
Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM tham dự tại điểm cầu TPHCM 

Đồng chí Vương Đình Huệ khẳng định, Quốc hội xây dựng thể chế phục vụ phát triển, kiên quyết không chấp nhận xem xét dự án, dự thảo không bảo đảm chất lượng và tiến độ; xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức, người đứng đầu trong việc không hoàn thành nhiệm vụ để báo cáo Quốc hội, cấp có thẩm quyền và coi đó là một trong những tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, là căn cứ để xem xét, đánh giá mức tín nhiệm khi tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.

Theo Chủ tịch Quốc hội, năm 2022 có thể coi là năm bản lề triển khai thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị. Theo tiến độ xác định trong Đề án đã được Bộ Chính trị thông qua, có 95/137 nhiệm vụ lập pháp cần phải hoàn thành việc rà soát, nghiên cứu trong thời gian từ nay đến hết năm 2022, trong đó có 40 nhiệm vụ phải hoàn thành trước ngày 30-6-2022 và 55 nhiệm vụ phải hoàn thành trước ngày 31-12-2022. Đây là thách thức không nhỏ, vì trong thời gian ngắn phải hoàn thành số lượng nhiệm vụ rà soát, nghiên cứu rất lớn, chiếm 69% tổng số nhiệm vụ lập pháp được xác định của cả nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Để hoàn thành khối lượng công việc rất đồ sộ này, bảo đảm chất lượng, hiệu quả, đúng tiến độ, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu các cơ quan, nhất là người đứng đầu, cần trực tiếp chỉ đạo và khẩn trương triển khai ngay các nhiệm vụ lập pháp được giao.

Phát huy tốt nhất các lợi thế đặc thù của mỗi vùng, địa phương

Phát biểu từ điểm cầu TPHCM, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM Văn Thị Bạch Tuyết cho biết, từ thực tiễn của TPHCM, Đoàn ĐBQH TPHCM sẽ tích cực tham gia đóng góp ý kiến, tập trung vào luật hóa mô hình chính quyền đô thị trên cơ sở kết quả thí điểm tại TPHCM và các địa phương. Cùng với đó là tiếp tục đổi mới phương thức tổ chức lấy ý kiến đối với các đối tượng chịu sự tác động của văn bản pháp luật; nắm bắt thực trạng, các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thi hành các luật, pháp lệnh; nâng cao chất lượng giám sát, tập trung vào các lĩnh vực đang có nhiều vướng mắc, các vấn đề bức xúc mà thực tiễn của đất nước và TPHCM đang đòi hỏi.

Nhằm cụ thể hóa một số nội dung của chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM Văn Thị Bạch Tuyết kiến nghị, cần xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế nhằm phát huy tốt nhất các lợi thế đặc thù của mỗi vùng, địa phương. Đồng thời, tăng cường tính liên kết nội vùng và liên vùng để tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu, tạo không gian phát triển mới. Đặc biệt, cần lựa chọn một số địa điểm, đô thị, vùng có lợi thế đặc biệt để xây dựng trung tâm kinh tế, tài chính với thể chế, cơ chế, chính sách đặc thù có tính đột phá, có khả năng cạnh tranh quốc tế cao; phát triển hệ thống đô thị trung tâm phù hợp với chức năng của từng vùng. Cần xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách đặc thù thúc đẩy phát triển công nghệ số, kinh tế số, xã hội số. Đồng thời, cần xây dựng và thể chế hóa các chiến lược phát triển đất nước toàn diện, bền vững trong điều kiện bình thường mới, thích ứng an toàn với đại dịch Covid-19 và các đại dịch khác trong tương lai.

Tin cùng chuyên mục