Theo Bộ TN-MT, cơ quan chủ trì xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi), bộ đã rà soát hơn 100 luật, bộ luật có liên quan đến lĩnh vực đất đai để đề xuất sửa đổi ngay trong luật này hoặc đề xuất sửa đổi các luật có liên quan nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 18-NQ/TW. Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gồm 237 điều, trong đó giữ nguyên 48 điều; sửa đổi, bổ sung 153 điều; bổ sung mới 36 điều và bãi bỏ 8 điều.
Dự thảo luật đã thể chế hóa chủ trương: bỏ khung giá đất; có cơ chế, phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường; có cơ chế điều tiết hợp lý, hiệu quả nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; có chính sách điều tiết chênh lệch địa tô. Dự thảo luật bổ sung một chương về phát triển quỹ đất; điều tiết giá trị tăng thêm từ đất đai do thực hiện quy hoạch, dự án các công trình hạ tầng kỹ thuật, chỉnh trang đô thị, khu dân cư nông thôn; đẩy mạnh việc đấu giá quyền sử dụng đất. Chương XIII về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất đã thể chế chủ trương “đẩy mạnh thương mại hóa quyền sử dụng đất” thông qua bổ sung quy định về cho phép chuyển nhượng, thế chấp quyền thuê trong hợp đồng thuê đất trả tiền hàng năm.
Kết luận phiên họp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhận định, từ năm 1987 tới nay, Luật Đất đai đã qua 7 lần điều chỉnh, sửa đổi. Ngay sau khi Trung ương có nghị quyết về sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai năm 2013, Bộ TN-MT đã thành lập ban soạn thảo gồm 57 người là các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, đại diện các bộ, ngành Trung ương. Mục tiêu đặt ra là hoàn thiện dự thảo để trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 10-2022.
Phó Thủ tướng yêu cầu, phải hoàn thiện dự thảo với chất lượng cao nhất, bảo đảm tiến độ; trong quá trình xây dựng dự thảo luật, phải bám sát Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16-6-2022 của Trung ương về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”.
Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh một số nội dung trong quản lý đất đai, bao gồm phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn nữa nhưng phải đi đôi với kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả; khơi thông nguồn lực gắn với chống tiêu cực, tham nhũng, sai phạm trong lĩnh vực đất đai.