Ngày 3-11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
Tham dự tại điểm cầu Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TPHCM có các đồng chí: Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM; Văn Thị Bạch Tuyết, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TPHCM; Hà Phước Thắng, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TPHCM.
Lấy ý kiến các đối tượng chịu sự tác động của văn bản pháp luật
Trong đó, từ thực tiễn của TPHCM, Đoàn ĐBQH TPHCM sẽ tích cực tham gia đóng góp ý kiến, tập trung vào luật hóa mô hình chính quyền đô thị trên cơ sở kết quả thí điểm TPHCM và các địa phương.
Đoàn ĐBQH TPHCM tiếp tục đổi mới phương thức tổ chức lấy ý kiến đối với các đối tượng chịu sự tác động của văn bản pháp luật. Cụ thể là tổ chức khảo sát để nắm tình hình thực tiễn thi hành pháp luật liên quan đến nội dung các Luật cho ý kiến lần đầu tại các kỳ họp Quốc hội. Qua đó, nắm bắt thực trạng, các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thi hành các luật, pháp lệnh hiện hành trên địa bàn, kiến nghị các nội dung cần sửa đổi, bổ sung và thể chế hóa vào trong các dự án luật.
Đoàn ĐBQH TPHCM cũng thường xuyên làm việc với UBND TPHCM để nắm bắt, giám sát các vấn đề thực tiễn đặt ra trong quá trình quản lý và phát triển TPHCM, kịp thời có các kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ, các Bộ ngành hữu quan tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách pháp luật. Việc này sẽ vừa đóng góp tích cực vào quá trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, vừa góp phần tạo điều kiện cho TPHCM phát triển nhanh và bền vững.
Đồng chí Văn Thị Bạch Tuyết nhấn mạnh, Đoàn ĐBQH TPHCM cũng sẽ tổ chức các hội thảo đóng góp xây dựng luật để tập hợp và huy động rộng rãi các nhà khoa học, các chuyên gia, các nhà quản lý, những người có kinh nghiệm hoạt động thực tiễn… tham gia các cuộc hội thảo góp ý cho các dự án luật. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan, đoàn thể, tổ chức hữu quan tổ chức lấy ý kiến đóng góp trực tiếp tại cơ sở để ghi nhận đầy đủ, rộng rãi ý kiến đóng góp của các đối tượng liên quan đến phạm vi điều chỉnh của dự án luật. Từ đó, tập hợp, nghiên cứu và chắt lọc những ý kiến xác đáng, tâm huyết, trí tuệ, phản ánh được thực tiễn sinh động gắn với đặc thù của TPHCM để đóng góp có hiệu quả, thiết thực trong việc thảo luận, thông qua các dự án Luật tại các kỳ họp Quốc hội.
“Đoàn ĐBQH TPHCM cũng tiếp tục đổi mới phương thức giám sát và nâng cao chất lượng hoạt động giám sát, trong đó tăng cường các nội dung giám sát chuyên đề việc thi hành các Luật, Nghị quyết của Quốc hội, Pháp lệnh, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trên địa bàn TPHCM. Tập trung vào các lĩnh vực trong danh mục đề án và các lĩnh vực đang có nhiều vướng mắc, các vấn đề bức xúc mà thực tiễn của đất nước và TPHCM đang đòi hỏi, từ đó đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các luật, nghị quyết hiện hành, góp phần hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật”, đồng chí Văn Thị Bạch Tuyết khẳng định. |
Cần khắc phục tình trạng nợ đọng văn bản hướng dẫn thi hành Luật
Nhằm cụ thể hóa một số nội dung của Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Đoàn ĐBQH TPHCM kiến nghị, cần xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế nhằm phát huy tốt nhất các lợi thế đặc thù của mỗi vùng, địa phương và tăng cường tính liên kết nội vùng và liên vùng để tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu, tạo không gian phát triển mới. Cần khai thác tốt hơn các thế mạnh của các vùng về kết cấu hạ tầng, điều kiện tự nhiên, vị trí địa chính trị, nguồn nhân lực trong bối cảnh và yêu cầu phát triển mới; phát triển tổng thể, mang tính hữu cơ, liên kết chặt chẽ giữa các địa phương trong vùng thành một thể thống nhất.
Đặc biệt, cần xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm trí tuệ nhân tạo tại các vùng trọng điểm; lựa chọn một số địa điểm, đô thị, vùng có lợi thế đặc biệt để xây dựng trung tâm kinh tế, tài chính với thể chế, cơ chế, chính sách đặc thù có tính đột phá, có khả năng cạnh tranh quốc tế cao; phát triển hệ thống đô thị trung tâm phù hợp với chức năng của từng vùng.
Đồng chí Văn Thị Bạch Tuyết kiến nghị, cần xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển hệ thống đô thị thông minh, hài hòa, phù hợp với tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương. Hoàn thiện hệ thống thể chế, cơ chế, chính sách, công cụ quản lý, xây dựng mô hình chính quyền đô thị gắn với quản trị đô thị hiệu quả, nâng cao năng lực cạnh tranh, từng bước nâng cao chất lượng phát triển đô thị cả về kinh tế, xã hội, kết cấu hạ tầng, kiến trúc, nhà ở, chất lượng sống của người dân.
Theo đồng chí Văn Thị Bạch Tuyết, cần xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách đặc thù thúc đẩy khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo; thúc đẩy phát triển công nghệ số, kinh tế số, xã hội số. Hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh của đất nước trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trên phạm vi toàn cầu.
Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII nêu rõ nhiệm vụ: Tập trung kiểm soát đại dịch Covid-19, tiêm chủng đại trà vaccine Covid-19 cho cộng đồng; phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, cần xây dựng và thể chế hóa các chiến lược phát triển đất nước toàn diện, bền vững trong điều kiện "bình thường mới", thích ứng an toàn với đại dịch Covid-19 và các đại dịch khác trong tương lai.
Tránh tình trạng góp ý mang tính hình thức, đồng chí Văn Thị Bạch Tuyết cho rằng, đối với các dự án luật Quốc hội cho ý kiến lần đầu, cần tạo điều kiện để ĐBQH, Đoàn ĐBQH tiếp cận sớm với dự thảo và các tài liệu tham khảo liên quan đến dự án luật. Từ đó mới có thể huy động các cơ quan, tổ chức, nhà khoa học ở địa phương tham gia đóng góp ý kiến một cách sâu rộng, thiết thực, xây dựng nguồn tư liệu tham khảo có giá trị để ĐBQH nghiên cứu, nâng cao hiệu quả, chất lượng ý kiến đóng góp tại kỳ họp Quốc hội.
“Cần quy định cụ thể hơn cơ chế tiếp thu, phản hồi các ý kiến đóng góp xây dựng pháp luật từ cử tri, các chuyên gia, các nhà khoa học… tại địa phương. Cần có cơ chế khắc phục tình trạng nợ đọng văn bản hướng dẫn thi hành Luật, Pháp lệnh”, đồng chí Văn Thị Bạch Tuyết kiến nghị.
Khẩn trương chuẩn bị hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi)
Xác định rõ so với nhiệm kỳ trước, nhiệm vụ lập pháp trong nhiệm kỳ này có khối lượng công việc nhiều hơn, với yêu cầu cao về chất lượng, đòi hỏi sự chủ động, trách nhiệm cao của các cơ quan tham gia vào công tác xây dựng pháp luật, khẳng định, công tác xây dựng và hoàn thiện pháp luật luôn được Thành ủy Hà Nội xác định là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị, đặt dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng.
Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, Thành phố Hà Nội đã ban hành 333 văn bản quy phạm pháp luật (gồm 91 Nghị quyết của HĐND Thành phố, 242 Quyết định của UBND Thành phố), kịp thời cụ thể hóa, bảo đảm thi hành các văn bản quy phạm pháp luật của trung ương, chủ động ban hành các biện pháp nhằm phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh ở địa phương.
Các văn bản của Thành phố được xây dựng, ban hành đúng trình tự, thủ tục theo quy định, phù hợp với thực tiễn, đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất và đồng bộ của hệ thống pháp luật. Quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật luôn đảm bảo sự lãnh đạo sát sao của Thành ủy, đảm bảo đúng chủ trương, đường lối, định hướng, quan điểm của Đảng.
Đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn thông tin, hiện nay, Thành ủy Hà Nội đang chỉ đạo các cơ quan của Thành phố chủ động thực hiện 3 nhiệm vụ. Đồng thời với tổng kết thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 06-01-2012 của Bộ Chính trị (khóa XI) về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô giai đoạn 2011-2020, đồng thời nghiên cứu, đề xuất Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết mới về phương hướng nhiệm vụ phát triển Thủ đô giai đoạn 2021-2030, định hướng đến 2045; Hà Nội đang triển khai lập Quy hoạch Thành phố, Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; tổng kết thi hành Luật Thủ đô, xây dựng hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi).
Đây là những nhiệm vụ đặc biệt quan trọng nhằm kịp thời triển khai thực hiện chủ trương, định hướng của Trung ương Đảng về xây dựng, phát triển Thủ đô trong giai đoạn mới. Những nhiệm vụ này đã được Bộ Chính trị có kế hoạch xem xét, cho ý kiến vào cuối tháng 12-2021.