Hoàn thiện Đề án thí điểm mô hình giáo dục đại học số

Ngày 7-12, tại Đại học Kinh tế quốc dân, Bộ GD-ĐT tổ chức hội thảo chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo chủ đề “giáo dục đại học với công nghệ”.

Quang cảnh hội thảo
Quang cảnh hội thảo

Theo báo cáo của Cục Công nghệ thông tin (Bộ GD-ĐT), thời gian qua, kết quả ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số của Bộ GD-ĐT nói riêng và ngành GD-ĐT nói chung đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Cụ thể, hoàn thành xây dựng 100% các cơ sở dữ liệu của ngành và kết nối thành công với các cơ sở dữ liệu quốc gia. Đối với giáo dục đại học (GDĐH), từ năm 2022, Bộ GD-ĐT đã xây dựng và đưa vào khai thác sử dụng hệ thống cơ sở dữ liệu về GDĐH (HEMIS), trong đó tổng hợp thông tin dữ liệu từ tất cả các đại học, trường đại học, học viện trên cả nước gồm các nhóm dữ liệu về đội ngũ, người học, chương trình đào tạo, ngành đào tạo, cơ sở vật chất, tài chính tài sản…

Đến nay đã số hóa được dữ liệu khoảng 470 cơ sở GDĐH, trên 25.000 chương trình đào tạo, trên 100.000 hồ sơ cán bộ, gần 3 triệu hồ sơ người học; đã kết nối, đồng bộ dữ liệu về sinh viên ra trường với cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm (hàng năm chia sẻ dữ liệu việc làm của khoảng 97.000 sinh viên tốt nghiệp); đã kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về cơ sở vật chất (hiện đã báo cáo dữ liệu khoảng 18.000 hồ sơ viên chức các cơ sở GDĐH thuộc Bộ GD-ĐT lên cơ sở dữ liệu quốc gia về cơ sở vật chất.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn phát biểu tại hội thảo.jpg
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn phát biểu tại hội thảo

Ngay từ năm 2022, Bộ GD-ĐT đã hoàn thành triển khai, cung cấp và tích hợp dịch vụ công mức độ 4 về "Đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT" và “Đăng ký xét tuyển trình độ đại học, cao đẳng” trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; tích hợp nền tảng thanh toán trực tuyến cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Năm 2024, hệ thống dịch vụ công đã tiếp nhận hồ sơ của hơn 1 triệu thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, trong đó số học sinh đăng ký trực tuyến đạt hơn 94,66%; gần 4 triệu nguyện vọng xét tuyển được thí sinh đăng ký trực tuyến.

Để tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong GDĐH và bảo đảm nguồn nhân lực thúc đẩy chuyển đổi số trong các lĩnh vực, hiện nay Bộ GD-ĐT đã hoàn thiện Đề án thí điểm mô hình GDĐH số và Đề án đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ công nghệ cao trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (dự kiến phê duyệt trong năm 2024).

Bên cạnh đó, bộ đã xây dựng dự thảo và sẽ sớm ban hành khung năm lực số cho người học từ mầm non đến đại học (bao gồm năng lực ứng dụng trí tuệ nhân tạo - AI) nhằm nâng cao năng lực số cho người học, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số quốc gia. Dự kiến các đề án và khung năng lực số nói trên sẽ được triển khai ngay từ năm 2025 ngay sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh, không ngành nào chịu ảnh hưởng, tác động mạnh về chuyển đổi số, AI như ngành giáo dục, nhưng cũng không ngành nào hưởng lợi từ chuyển đổi số như ngành giáo dục. Bên cạnh tác động, hưởng lợi, ngành giáo dục còn có sứ mạng rất lớn là đảm bảo nguồn “nhân lực số” cho đất nước. Trong bối cảnh mới, bối cảnh phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, AI, Việt Nam đứng trước thời cơ lớn khi trong giai đoạn sắp tới có nhiều cơ hội đầu tư vào chuyển đổi số.

Bên cạnh chuyển đổi số trong ngành, ngành giáo dục có vai trò quan trọng là đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng cao nói chung và nguồn nhân lực số nói riêng, qua đó thúc đẩy toàn bộ hệ sinh thái đổi mới sáng tạo.

Tại hội thảo, đại diện các cơ sở giáo dục đã trao đổi xung quanh 4 nội dung chính là quản lý, quản trị cơ sở GDĐH dựa trên dữ liệu và công nghệ số; triển khai mô hình GDĐH số; đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghệ số; phát triển năng lực số cho người học.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh, phải quyết liệt hơn nữa trong cả chỉ đạo, ban hành chính sách và triển khai chuyển đổi số, ứng dụng AI với GD-ĐT trong thời gian tới, bảo đảm chuyển đổi số, không gian số, ứng dụng công nghệ số, ứng dụng AI sẽ thực sự tác động, tạo ra thay đổi về năng suất dạy, năng suất học…

Tin cùng chuyên mục