Đề án trên được xây dựng nhằm góp phần tiếp tục làm rõ những nội dung liên quan đến quyền tư pháp, hoạt động tư pháp, cơ quan tư pháp. Đề án cũng xác định cơ sở lý luận và thực tiễn về cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát trong việc thực hiện quyền tư pháp, hoạt động tư pháp; đánh giá tính phù hợp, hiệu quả, cũng như những hạn chế, bất cập của cơ chế hiện hành; nghiên cứu, khảo sát cơ chế phân công, phối hợp, kiểm soát thực hiện quyền tư pháp và hoạt động tư pháp ở một số nước trên thế giới, tiếp thu kinh nghiệm phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam. Phạm vi nghiên cứu của đề án dự kiến từ khi Hiến pháp năm 2013 có hiệu lực thi hành đến nay.
Các ý kiến tại phiên họp cơ bản thống nhất với kế hoạch triển khai xây dựng đề án, một số ý kiến đề nghị mở rộng thêm phạm vi nghiên cứu của đề án (không nên giới hạn từ sau khi Hiến pháp năm 2013 có hiệu lực thi hành đến nay) để có điều kiện làm rõ cơ sở lý luận, quan điểm của Đảng, nhất là sự phát triển nhận thức về cơ chế phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan thực hiện quyền tư pháp và giữa các cơ quan, tổ chức trong hoạt động tư pháp.
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, phạm vi nghiên cứu của đề án vẫn nên thực hiện từ Hiến pháp năm 2013 đến nay, song sẽ mở rộng trong quá trình nghiên cứu, viện dẫn pháp luật. Trong quá trình nghiên cứu nếu có vấn đề liên quan đến chủ trương, chính sách, pháp luật giai đoạn trước, nhất là các quy định tiến bộ trong Hiến pháp năm 1946 có thể tham khảo, vận dụng trong điều kiện hiện nay, thì sẽ được thể hiện trong từng phần, mục cụ thể tại đề án.