Để làm rõ hơn về công tác tiêm chủng vaccine Covid-19 hiện nay, PV Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với GS-TS Đặng Đức Anh (ảnh), Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương.
* PHÓNG VIÊN: Ông đánh giá kết quả tiêm chủng vaccine Covid-19 trong toàn quốc hiện nay như thế nào?
* GS-TS ĐẶNG ĐỨC ANH: Dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế và các đơn vị chức năng, công tác tiêm chủng vaccine Covid-19 đang được triển khai rộng khắp trong cả nước. Hiện nay, kết quả tiêm vaccine mũi 3, 4 cho người từ 18 tuổi trở lên và tiêm mũi 3 cho người từ 12-17 tuổi, cũng như tiêm mũi 1, 2 cho trẻ từ 5 tới dưới 12 tuổi đã tốt hơn so với những tháng trước.
Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm đối với các mũi tiêm nhắc lại vẫn cần cố gắng hơn, nhất là đối với trẻ em thì cần phải hoàn thành trong tháng 8 và quý 3 năm nay, trước khi các cháu trở lại trường. Để đạt được mục tiêu đặt ra, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành y tế, giáo dục, các bộ, ban ngành và địa phương.
* Hiện nay, kết quả tiêm vaccine cho trẻ từ 5 tới dưới 12 tuổi vẫn rất thấp, ông có thể cho biết nguyên nhân và các biện pháp hỗ trợ của ngành y tế trong thời gian tới?
* Có nhiều nguyên nhân khiến tỷ lệ tiêm vaccine cho trẻ từ 5 tới dưới 12 tuổi tương đối thấp: do đang trong giai đoạn các cháu nghỉ hè, tiếp đó là tâm lý lo ngại của các bậc phụ huynh về ảnh hưởng của vaccine đối với sức khỏe các cháu.
Trước thực tế này, ngành y tế đã đề xuất phối hợp với ngành giáo dục lên danh sách những trẻ chưa được tiêm vaccine nhằm vận động gia đình đưa các cháu tới các điểm tiêm chủng vaccine. Đồng thời tăng cường truyền thông để người dân hiểu rõ về hiệu quả và tính an toàn của vaccine Covid-19, giúp các gia đình yên tâm hơn khi đưa trẻ đi tiêm vaccine.
* Qua việc triển khai tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ từ 5 tới dưới 12 tuổi thời gian qua, ông có thể cho biết rõ hơn về tỷ lệ phản ứng phụ sau tiêm ở lứa tuổi này?
* Hiện nay, trẻ nhỏ trong độ tuổi này được tiêm vaccine mới đạt khoảng 50%. Do đó, hàng triệu trẻ có nguy cơ đến trường không an toàn trong thời gian tới. Tuy nhiên, qua những trẻ được tiêm vaccine thời gian qua, có thể thấy tỷ lệ bị phản ứng sau tiêm rất thấp, do đó có thể khẳng định vaccine sử dụng tiêm cho trẻ trong độ tuổi này an toàn và cần tiếp tục đẩy mạnh tiêm chủng cho trẻ để khi năm học mới bắt đầu, các cháu đi học sẽ an toàn hơn trước dịch Covid-19.
Tháng 8 cũng là tháng cao điểm triển khai tiêm vaccine Covid-19, nhất là cho trẻ em trong độ tuổi tiêm chủng, nên rất cần sự phối hợp, hỗ trợ tích cực hơn nữa từ phía các gia đình, nhà trường và chính quyền địa phương.
* Với tiến độ tiêm chủng hiện nay, liệu có xảy ra tình trạng dư thừa vaccine Covid-19, thưa ông?
* Bộ Y tế đã có công văn gửi các tỉnh, thành phố trong cả nước đề nghị đăng ký nhu cầu vaccine cho tiêm chủng từ tháng 6 tới tháng 12.
Thống kê từ đề nghị của các địa phương gửi lên cho thấy, từ nay tới hết năm, chúng ta không lo ngại vấn đề dư thừa vaccine Covid-19. Hiện nay, lượng vaccine có sẵn sẽ không đủ để cung ứng, thậm chí, chúng ta còn cần bổ sung thêm các nguồn vaccine từ cơ chế COVAX, chính phủ các nước và các tổ chức quốc tế hỗ trợ.
Trong đó, đối với nhóm trẻ từ 5 tới dưới 12 tuổi, dự kiến cần thêm khoảng 500.000 liều và ngành y tế cố gắng đảm bảo cung ứng đủ lượng vaccine này từ nay tới cuối năm.
Theo báo cáo của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, số vaccine Covid-19 còn tồn trong cả nước hiện khoảng 17,9 triệu liều, trong đó chủ yếu là vaccine Pfizer hạn dùng tháng 9 và 2,9 triệu liều Vero Cell hạn dùng tháng 10-2023. |