Báo cáo tại hội nghị, ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban QLGT cho biết, ban đi vào hoạt động từ tháng 5-2019, trên cơ sở hợp nhất từ 6 đơn vị quản lý giao thông của TP. Kết quả thực hiện trong 8 tháng qua, đối với điều hành dự án đường bộ, đã hoàn tất thủ tục trình duyệt 11 dự án, tiếp tục triển khai thi công và hoàn thành 9 dự án. Đối với các dự án đường thủy, hoàn tất thủ tục khởi công 5 dự án, triển khai thi công và hoàn thành 1 dự án.
Ban điều hành dự án nạo vét luồng Soài Rạp giai đoạn 2 tiếp tục triển khai tổ chức thực hiện duy tu, nạo vét theo cơ chế thí điểm từ năm 2018-2020; đẩy nhanh tiến độ thi công tất cả các gói thầu của Dự án cải thiện môi trường nước TP giai đoạn 2 theo đúng tiến độ… Đối với công tác nghiệm thu, thanh toán, dự tính đến ngày 15-1, tỷ lệ giải ngân đạt 99,2% với 3.359 tỷ đồng; đã quyết toán 12 dự án.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết, việc ra đời của Ban QLGT là một quyết định lịch sử. Tại TPHCM, các công trình tốn tiền nhiều nhất là giao thông, cho nên hợp lại thành một ban từ 6 đầu mối là vấn đề đổi mới quản lý quyết liệt. Tuy Ban QLGT hoạt động 8 tháng nhưng đã làm việc của một năm, đạt tỷ lệ giải ngân đến hết ngày 6-1 là 96,9% là hết sức đáng hoan nghênh. Mỗi thành viên của ban, bình quân trong năm 2019 chịu trách nhiệm chi 10 tỷ đồng cho TP, năm nay mỗi người phải tiêu được 16 tỷ đồng. TP có các ách tắc, là giao thông, nước, rác nhưng lớn nhất là giao thông. Đây chính là vấn đề người dân dễ cảm nhận nhất, 5 năm dân số tăng thêm 1 triệu người, 5 năm tăng thêm 1 triệu xe máy, phải phát triển giao thông công cộng, mở thêm đường, làm thêm cầu, do đó trách nhiệm của ban là rất lớn. Sở Giao thông Vận tải lo về chiến lược, chính sách, giám sát; quận huyện làm đền bù, giải tỏa; còn đơn vị thực thi chính là ban. Công tác đền bù khó khăn, chậm chạp, do đó ngay từ đầu năm TP phải tháo gỡ vấn đề này. Về quy trình, UBND TP đã báo cáo Thủ tướng 6 tháng nay nhưng chưa trả lời, TP sẽ làm công văn nhắc tiếp.
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đề nghị, mỗi năm ký một chương trình phối hợp giữa Ban QLGT với từng quận huyện, điểm danh bao nhiêu công trình giao thông, lúc nào được giao mặt bằng nào, hai bên cùng phối hợp thực hiện, khi đó hai bên đều có chương trình hành động. Tiếp đó, ban phải làm ISO cập nhật chặt chẽ, đảm bảo giám sát tiến độ, dùng phương tiện hiện đại để tăng năng suất lao động. Bên cạnh đó, là đơn vị tự chủ, ban phục vụ công tác thi công và trực tiếp thi công do đó phải xây dựng chặt chẽ hệ thống đánh giá kết quả hàng tháng, để khuyến khích làm tăng năng suất, TP muốn làm tốt giao thông thì Ban QLGT phải làm đạt và sớm kế hoạch, giải tỏa ách tắc giao thông, tâm lý người dân phấn khởi. Tiếp theo, phải sử dụng công nghệ mới; đánh giá cán bộ, kỹ sư, thực hiện hệ thống trả lương theo hiệu quả năng suất.
Ngoài ra, Bí thư Thành ủy TPHCM cũng yêu cầu Ban QLGT hỗ trợ thông suốt cảng Cát Lái, Tân Sơn Nhất, tham gia chuẩn bị dự án kết nối với Tây Ninh, giám sát kết nối giao thông với Khu đô thị sáng tạo, phục vụ cho dự án nạo vét luồng Soài Rạp và vận tải hành khách quy mô lớn.