Xóa các điểm ngập, sạt lở cố hữu
Trên địa bàn quận 6, khu vực đường Lò Gốm đến đường Minh Phụng trước đây thường xuyên xảy ra ngập, gây bức xúc cho người dân. Mùa mưa năm nay tình hình có thể được cải thiện, bởi dự án tiêu thoát nước, cải tạo hệ thống thoát nước lưu vực kênh Tân Hóa và một phần kênh Hàng Bàng (do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP làm chủ đầu tư) đã thi công hoàn thành, đưa vào sử dụng giai đoạn 1. Cũng tại đây, giai đoạn 2 của dự án đang triển khai thực hiện (đoạn từ đường Phạm Đình Hổ đến đường Ngô Nhân Tịnh), dự án cải tạo rạch Bàu Trâu đang triển khai bồi thường giải phóng mặt bằng…
Tại huyện Củ Chi, dự án nâng cấp công trình thủy lợi An Phú - Phú Mỹ Hưng và đê bao sông Sài Gòn từ cầu Bến Súc đến rạch Thai Thai (xã Phú Mỹ Hưng) đã hoàn thành, đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả trong việc ngăn lũ, triều cường. Tương tự, dự án 5 cống ngăn triều kết nối đồng bộ khép kín với đê bao bờ tả trên địa bàn quận Thủ Đức, gồm cống Gò Dưa, cống rạch Thủ Đức, cống rạch ông Dầu, cống rạch Đá và cống rạch cầu Đúc Nhỏ đang phát huy hiệu quả ngăn triều, sau khi hoàn thành.
Đối với 22 vị trí sạt lở đặc biệt nguy hiểm thuộc quận Thủ Đức, huyện Nhà Bè và huyện Cần Giờ, hiện nay đã hoàn thành 2 dự án, đang thi công 15 dự án. Còn tại 15 vị trí sạt lở nguy hiểm thì đã hoàn thành 1 dự án, 9 dự án khác cũng đang triển khai thực hiện.
Theo thống kê của Sở NN-PTNT TPHCM, từ năm 2014 đến nay, thành phố thực hiện 549 hạng mục công trình thủy lợi, phòng chống thiên tai với tổng chiều dài hơn 238km, tổng kinh phí khoảng 3.698 tỷ đồng, tập trung tại các quận huyện thường xuyên bị ảnh hưởng của triều cường, mưa bão, sạt lở, ngập úng. Đến nay, các địa phương đã hoàn thành đưa vào sử dụng 389 công trình, chiếm khoảng 70%.
Đẩy nhanh tiến độ thi công
Theo ông Nguyễn Văn Trực, Thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TPHCM, cần có nhiều giải pháp để thúc đẩy các công trình nhanh chóng hoàn thành, phát huy hiệu quả phục vụ đời sống nhân dân. Việc triển khai dự án ì ạch đôi khi làm cho công trình không còn phù hợp thực tế. Ví dụ, công trình gia cố bờ bao rạch cầu Sập (từ cầu Sập đến cống Ngang, thuộc xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi) đã có chủ trương của UBND TPHCM từ năm 2014 nhưng đến năm 2019 mới triển khai thi công, lúc này công trình không còn tính cấp bách phòng chống triều cường. Các công trình sử dụng nguồn vốn Quỹ Phòng chống thiên tai TP (là nguồn vốn sử dụng cho các công trình tu sửa cấp bách) cũng vậy, tính đến nay vẫn còn 62 công trình chưa hoàn thành. Đặc biệt, tại huyện Nhà Bè có 23 công trình sử dụng nguồn vốn Quỹ Phòng chống thiên tai đã có chủ trương của UBND TPHCM từ năm 2017, nhưng đến nay vẫn chưa triển khai thi công.
Việc thi công chưa đạt tiến độ đề ra của các dự án chống sạt lở, công trình thủy lợi, phòng chống thiên tai... có nguyên nhân khá lớn là do gặp khó khăn về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Để khắc phục tình trạng này, Sở TN-MT TP, UBND các quận huyện, các chủ đầu tư cần nỗ lực bàn giao mặt bằng phục vụ thi công đúng tiến độ, nhằm phát huy hiệu quả ngăn triều, phòng chống ngập úng, sạt lở, bảo vệ an toàn khu dân cư trong mùa mưa lũ.
Một thực tế đang xảy ra khiến các cơ quan quản lý lo lắng đó là tình trạng san lấp, xây dựng lấn chiếm hành lang an toàn bảo vệ bờ sông, kênh, rạch trái phép chưa được kiểm soát chặt chẽ, đã làm gia tăng tải trọng sát mép bờ sông, làm thu hẹp dòng chảy dẫn đến gia tăng tốc độ dòng chảy, biến đổi dòng chảy cục bộ, xuất hiện hàm ếch dẫn đến sạt lở đất. Nhằm khắc phục tình trạng này, UBND các quận huyện phải tổ chức tuần tra, phát hiện kịp thời và xử lý triệt để.
Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TPHCM kiến nghị UBND huyện Cần Giờ khẩn trương tổ chức giám định nguyên nhân sự cố sụp lún của 3 dự án: Xây dựng kè kiên cố bảo vệ khu dân cư ấp An Nghĩa (đoạn từ cầu An Nghĩa đến rạch Nhánh); Xây dựng kè kiên cố bảo vệ khu dân cư An Nghĩa (đoạn rạch Nhánh đến sông Lòng Tàu); Xây dựng kè kiên cố bảo vệ khu dân cư ấp An Hòa, xã An Thới Đông (đoạn từ kè Bà Tống đến ngã ba sông Soài Rạp). |