Theo đó, nhà máy có công suất 210 MWp, vốn đầu tư hơn 6.000 tỷ đồng, được xây dựng trên diện tích 275 ha tại huyện Tịnh Biên. Trong đó, giai đoạn I, công suất 104Mwp, đóng điện vào tháng 6-2019, giúp Tập đoàn Sao Mai ổn định dòng tiền ngay trong thời điểm kinh tế thế giới đối mặt khó khăn, bởi dịch Covid-19.
Giai đoạn II của dự án được đấu nối vào đầu tháng 12-2020, sau 80 ngày xuyên suốt xây dựng và doanh thu từ bán điện cho EVN được xác lập vào giữa tháng 12-2020. Như vậy, từ năm 2021 trở đi, Nhà máy điện mặt trời tại An Giang sẽ đóng góp gần 400 triệu kWh mỗi năm cho lưới điện quốc gia.
Theo Tập đoàn Sao Mai, dù thời gian qua gặp những khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 hoành hành; cùng sự thiếu hụt và tăng giá thiết bị… Tuy nhiên, với tinh thần khẩn trương của nhà đầu tư, sự quan tâm hỗ trợ kịp thời của lãnh đạo tỉnh An Giang và các ban ngành chức năng, cùng sự đồng hành của người dân, nên những vướng mắc đã được giải quyết.
Trước đó, vào tháng 6-2019, Tập đoàn Sao Mai đã tái khởi động thành công Nhà máy điện mặt trời ở Đức Huệ (Long An), công suất 50Mwp, trở thành nông trại pin năng lượng sạch… Theo kế hoạch trong 10 năm tới, các Nhà máy điện mặt trời của Sao Mai với tổng công suất phát điện ước đạt 2,5 tỷ KWh/năm. Ngoài ra, Tập đoàn Sao Mai còn mong muốn xây dựng những cánh đồng pin bát ngát trở thành khu du lịch sinh thái, dã ngoại phục vụ khách tham quan…
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang đánh giá cao những nỗ lực của Tập đoàn Sao Mai trong thời gian qua. Có thể nói, với sự xuất hiện của Nhà máy điện mặt trời qui mô ở huyện biên giới Tịnh Biên đã làm thay đổi bộ mặt vùng nông thôn này, góp phần tăng thu đáng kể cho ngân sách địa phương, đồng thời giải quyết việc làm cho nhiều người lao động… An Giang xem năng lượng tái tạo là lĩnh vực tiềm năng và sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển trong thời gian tới...