Tham dự buổi làm việc có Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn; Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu; lãnh đạo các sở, ngành và đơn vị tư vấn Công ty CP Tư vấn xây dựng công trình hàng hải (CMB).
Đại diện CMB cho biết, quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước Cảng biển Sóc Trăng (thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050), trong đó trọng tâm là Cảng biển Trần Đề sẽ có tổng diện tích 4.960ha. Trong đó, diện tích quy hoạch bến cảng ngoài khơi là 960ha, diện tích khu dịch vụ, hậu cần cảng logistics, cảng trung chuyển hàng hoá phía bờ là 4.000ha.
Cảng biển Trần Đề có cầu vượt biển dài 18km, 15 cầu cảng, đê chắn sóng dài 8,3km. Cảng có thể tiếp nhận tàu tổng hợp, tàu container 100.000 DWT hoặc lớn hơn và tàu hàng rời 160.000 DWT, công suất thiết kế từ 80 – 100 triệu tấn/năm (giai đoạn đến 2030 có công suất 30 – 35 triệu tấn/năm).
Tổng kinh phí để phát triển Cảng biển Trần Đề đến năm 2030 ước tính khoảng 55,7 nghìn tỷ đồng, giai đoạn sau năm 2030 khoảng 146,3 nghìn tỷ đồng (không bao gồm kinh phí đầu tư đối với các kho xăng dầu, hạ tầng KCN sau cảng, luồng chuyên dùng).
Mới đây, tại quyết định số 287/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng đã xác định: “Khu bến Trần Đề (cảng biển Sóc Trăng) định hướng quy hoạch tiềm năng thành cảng biển đặc biệt, đảm nhận vai trò cảng cửa ngõ vùng ĐBSCL”.
Dự kiến, giữa tháng 7-2022, quy hoạch chi tiết Cảng biển Trần Đề sẽ được trình Bộ GTVT thẩm định.