Bà NGUYỄN THỊ KIM PHỤNG: Kết quả tuyển sinh tương đối ổn định so với 2 năm trước. Số trúng tuyển sau lọc ảo là 405.193, đạt 115% chỉ tiêu. Kết thúc đợt xét tuyển lần 1, có khoảng 49% đơn vị tuyển sinh có số trúng tuyển từ đủ chỉ tiêu trở lên; 61% số đơn vị tuyển sinh đạt từ 70% trở lên so với chỉ tiêu. Bên cạnh đó, có 26% tuyển được dưới 50% chỉ tiêu và 7% không có thí sinh trúng tuyển, không tham gia lọc ảo. Năm nay, bên cạnh việc các trường đại học (ĐH) sử dụng nhiều phương thức tuyển sinh, thì với chỉ tiêu khi kết thúc xét tuyển đợt 1, có thể nói công tác tuyển sinh 2019 đã gần như hoàn tất.
Năm nay, các nhóm xét tuyển cũng được mở rộng hơn, có 90 trường phía Nam và 53 trường phía Bắc tham gia, có sự hợp tác “chuyên nghiệp” hơn và hoạt động hiệu quả. Điều này làm giảm tải công việc cho hệ thống tuyển sinh chung và các trường trong nhóm ít nhiều cũng có nhìn nhau để không vượt chỉ tiêu, làm ảnh hưởng đến nguồn tuyển của các trường khác trong nhóm.
Bà đánh giá mặt bằng điểm trúng tuyển đại học năm nay ra sao?
Kết quả tuyển sinh 2019 tương đối ổn định như 2 năm trước, tuy nhiên, sự phân tầng cũng rõ nét hơn. Nhìn chung, mặt bằng điểm trúng tuyển của hầu hết các trường năm nay đều tăng nhẹ so với năm trước. Bên cạnh một số trường nhóm dưới còn lấy thấp hơn 15 điểm, những trường có chất lượng tốt và lợi thế khác đã lấy tới 26 - 27 điểm. Các con số này được công khai là những thông tin rất hữu ích cho người học chọn trường, cho người sử dụng lao động chọn sinh viên tốt nghiệp, người lao động chọn nơi làm việc.
Năm nay, quyền định điểm sàn đầu vào được Bộ GD-ĐT trao cho các trường. Bộ GD-ĐT chỉ quyết định điểm sàn của trường sư phạm và trường y. Đáng mừng là điểm trúng tuyển của khối sư phạm đã tăng cùng với mức tăng điểm sàn, trong đó các trường đào tạo sư phạm truyền thống có mức điểm trúng tuyển cao hơn điểm sàn. Trường ĐH Sư phạm Hà Nội bên cạnh việc có thí sinh huy chương vàng toán quốc tế đăng ký xét tuyển, còn có 7 ngành lấy điểm trúng tuyển từ 20 điểm. ĐH Sư phạm TPHCM có 7 ngành lấy 19,5 - 21 điểm. Đây là mức điểm thấp nhất trúng tuyển và thực tế, hầu hết các em trúng tuyển cao hơn mức này.
Mặt bằng điểm trúng tuyển của các trường y cũng tăng nhẹ và đồng đều hơn so với các năm trước. Mức điểm trúng tuyển của các trường đào tạo y khoa được rút ngắn khoảng cách, còn 21 - 26,75 điểm. Như vậy, với quy chế tuyển sinh như năm nay, chúng ta có thể khá yên tâm về chất lượng của đội ngũ quan trọng trong xã hội là các thầy thuốc và thầy cô giáo.
Một điều đáng mừng khác là không chỉ có khối y dược và khối kinh tế mà năm nay, một số trường kỹ thuật có điểm sàn ở nhóm cao nhất như Trường ĐH Bách khoa Hà Nội có 7 ngành lấy 24 - 27,42 điểm. Điều đó cho thấy các trường kỹ thuật đầu ngành đã cung cấp chương trình chất lượng, phù hợp với bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và nhu cầu của thị trường lao động.
Độ chênh về điểm chuẩn giữa các nhóm trường thể hiện chính sách chất lượng của từng trường và sự phân khúc chất lượng của mỗi nhóm trường trong toàn hệ thống. Điều đó cũng phản ánh uy tín của các trường và cần thiết, hữu ích cho xã hội trong điều kiện tự chủ ĐH, tạo ra sự cạnh tranh để nâng cao chất lượng tuyển sinh, chất lượng đào tạo giữa các trường trong toàn hệ thống.
Nhìn chung, điểm trúng tuyển thấp phản ánh chất lượng đầu vào thấp. Tuy nhiên, cũng phải phân tích nguyên nhân và phân loại các trường có điểm trúng tuyển thấp để có cách xử lý phù hợp. Với khối lâm nghiệp, nông nghiệp, thủy lợi… thì ngay cả những trường đầu ngành vẫn buộc phải xác định điểm trúng tuyển thấp hơn mặt bằng chung, vì những ngành này không hấp dẫn xã hội. Nhóm ngành này, bên cạnh việc nâng cao chất lượng còn cần phải có đầu tư, ưu đãi với người học, với người lao động trong ngành và tích cực tuyên truyền để thu hút thí sinh. Còn lại, đa số các trường khác mà xác định điểm trúng tuyển thấp là trường chất lượng thấp, chưa có uy tín để thu hút học sinh giỏi. Trong những năm qua, đa số những trường xác định điểm trúng tuyển thấp lại là những trường có ít sinh viên nhập học.
Bộ GD-ĐT sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát quá trình tổ chức đào tạo của các trường này để buộc họ phải nỗ lực nâng cao chất lượng trong dạy và học, đạt chuẩn đầu ra theo khung trình độ quốc gia và đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động. Bộ vừa thanh tra một số trường và sắp tới đẩy mạnh hơn hoạt động này vào những trường xác định điểm trúng tuyển thấp và các trường có dấu hiệu thực hiện vượt chỉ tiêu tuyển sinh.
Tổng số thí sinh xác nhận nhập học trước xét tuyển chung tăng so với 2018 (năm 2019 là 35.147; năm 2018 khoảng 17.469). Các năm trước, khoảng 75% chỉ tiêu các trường lấy từ điểm thi THPT quốc gia thì năm nay con số này chỉ là 70%. Thực tế đó nói lên điều gì?
Ngày càng có nhiều phương thức xét tuyển ĐH mà các trường vận dụng, không chỉ là xét tuyển bằng điểm thi THPT quốc gia. Việc các trường mở rộng diện ưu tiên xét tuyển, tuyển học bạ, thi đánh giá năng lực... và công bố trúng tuyển trước khi xét đợt 1 mở rộng giúp các trường tự chủ hơn, trải nghiệm những hình thức xét tuyển khác trên phạm vi hẹp để nghiên cứu, đánh giá chất lượng nguồn tuyển. Đây là cơ sở để sau này trường có thể tuyển sinh quanh năm, giảm áp lực cho thi cử...
Thực tế cho thấy, hầu hết các trường xét tuyển trước đều là những trường uy tín thì mới có sức hút thí sinh xác nhận nhập học trước. Khi tuyển học bạ, trường thường kết hợp với các điều kiện khác như: được giải của tỉnh, thành, quốc gia, quốc tế, chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế... nên phương thức này có thể tin cậy, mở rộng trong thời gian tới.