Sau khi Báo SGGP chuyển bài viết nêu ý kiến phản ánh của nhà báo Ngô Văn Hiền – Phó Tổng biên tập Tạp chí Dạy và Học ngày nay, về việc ngày 18-1-2008, bà Trần Vân Cầu 86 tuổi, cán bộ cách mạng lão thành, thường trú tại số nhà 182 Nguyễn Thị Minh Khai, phường 6, quận 3, đến Phòng Công chứng số 1 TPHCM để công chứng hợp đồng cho thuê nhà.
Mặc dù bà Cầu đã đưa cho cán bộ công chứng giấy chứng nhận độc thân (chồng bà Cầu là ông Lê Viết Lượng, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã qua đời năm 1985). Thế nhưng cán bộ công chứng ở đây vẫn cứ bắt bà Cầu phải xuất trình giấy đăng ký kết hôn và giấy chứng tử của ông Lê Viết Lượng (chồng bà Cầu).
Ngày 21-1-2008, ông Tuấn – một cán bộ lãnh đạo Phòng Công chứng số 1 đã trực tiếp điện thoại cho tác giả và mời bà Cầu đến trình bày cụ thể. Với thái độ chân tình cầu thị, ông Tuấn đã ôn tồn giải thích những quy định về công chứng cho bà Cầu được rõ. Ông Tuấn cũng thừa nhận do cán bộ tiếp nhận hồ sơ công chứng giải thích thiếu mạch lạc chưa gãy gọn nên gây ra bức xúc không đáng có đối với bà Cầu.
Tuy nhiên, theo ông Tuấn, giấy chứng nhận độc thân của bà Cầu do phường xác nhận cũng có nhiều điểm chưa cụ thể làm cho cán bộ tiếp nhận hồ sơ lúng túng trong xử lý. Việc này cũng nên được rút kinh nghiệm. Qua giải thích của ông Tuấn, hai bên đều vui vẻ ghi nhận, sau đó việc công chứng được tiến hành một cách thuận lợi đúng quy định. Trao đổi qua điện thoại với tác giả, ông Tuấn chân thành cảm ơn Báo SGGP, cảm ơn tác giả đã góp ý thẳng thắn, giúp Phòng Công chứng số 1 kịp thời chấn chỉnh phong cách làm việc để phục vụ nhân dân được tốt hơn. Thiết nghĩ, việc làm rất có trách nhiệm của lãnh đạo Phòng Công chứng số 1 như trên thật đáng hoan nghênh.
Ngô Văn Hiền