Hơn 50 chuyên gia trong nước và quốc tế đã tham gia sự kiện, gồm: đại diện cơ quan quản lý thuộc Bộ Y tế, đại diện Sở Y tế các địa phương và bệnh viện công, cùng các chuyên gia đến từ Trường Đại học Oxford (Anh), ACHS International & Consulting (thuộc Hội đồng Australia về tiêu chuẩn chăm sóc sức khỏe ACHS), Strasys (Anh), Tập đoàn FPT,…
Theo TS-BS Dương Huy Lương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, thống kê từ nhiều năm trước cho thấy, người Việt Nam mỗi năm sẽ chi khoảng 2 tỷ USD để sang nước ngoài khám chữa bệnh, con số này có thể tăng lên thành 3-4 tỷ USD trong thời gian tới.
ThS-BS Dilshaad Ali Bin Abas Ali, Tổng Giám đốc Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ, nhận định để đáp ứng được nhu cầu của người bệnh, nhất là trong bối cảnh dân số gia tăng và ngày càng già hóa, ngành y tế nên chuyển đổi từ mô hình hoạt động tập trung vào bệnh viện sang mô hình “lấy người bệnh làm trung tâm”. Với mô hình mới này, ngành y tế không chỉ tập trung vào trải nghiệm của người bệnh tại bệnh viện mà còn phải xây dựng một hệ thống có thể cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ngay tại nhà thông qua các ứng dụng số. Nếu được thực hiện thành công, mô hình này sẽ giúp giảm chi phí y tế cho người bệnh. Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ đang xây dựng hệ sinh thái chăm sóc sức khỏe đa thương hiệu, kết hợp sức mạnh của công nghệ dữ liệu để mang đến trải nghiệm xuyên suốt, liền mạch cho người bệnh dù là tại nhà hay tại bệnh viện.
Một yếu tố quan trọng khác của chuyển đổi y tế được các đại biểu quan tâm thảo luận là khả năng tiếp cận dịch vụ y tế với mô hình chăm sóc sức khỏe công bằng đến người dân. Bên cạnh sự tăng nhanh của tầng lớp trung lưu với khả năng chi trả cao hơn cho chăm sóc sức khỏe, vẫn còn phần lớn người dân Việt Nam đang tìm kiếm dịch vụ y tế tư nhân có chất lượng tốt hơn với chi phí hợp lý. Vì thế, sự chuyển đổi của ngành y tế cần đáp ứng được nhu cầu của người có thu nhập cao để đưa 2 tỷ USD chi phí sang nước ngoài khám chữa bệnh quay về Việt Nam, và cả nhu cầu của người có thu nhập trung bình và dưới mức trung bình.
Tại sự kiện, các chuyên gia quốc tế cũng mang đến những báo cáo phân tích và giải pháp về chuyển đổi y tế từ các nước Anh và Australia. Trong đó chia sẻ về hệ thống chăm sóc sức khỏe tích hợp và bài học thực tiễn trong đổi mới từ hệ thống chăm sóc truyền thống sang cách tiếp cận dịch vụ chăm sóc hiệu quả và bền vững trên quy mô lớn. Với xu thế phát triển của thời đại số hóa, các quy trình chăm sóc sức khỏe được tối ưu bằng luồng dữ liệu giữa các thiết bị y tế và mô hình máy tính là điều tất yếu.
Dịp này, ông James Anibal, nhà nghiên cứu về công nghệ chăm sóc sức khỏe và thiết bị đeo, Đại học Oxford (Anh) đã có những chia sẻ về mô hình chăm sóc sức khỏe với sự hỗ trợ của kỹ thuật số. Mô hình này đã chứng minh được tiềm năng và lợi thế trong việc tối ưu chi phí, thời gian và khả năng tiếp cận của người bệnh. Trong tương lai, những ứng dụng trí tuệ nhân tạo có thể giúp cho đội ngũ y bác sĩ trên toàn cầu giảm thiểu sai sót trong quá trình khám, chữa bệnh, từ đó cải thiện được chất lượng chăm sóc sức khỏe.