Đến thăm các chiến sĩ Điện Biên trong những ngày đầu tháng 5 này, chúng tôi thấy các cựu chiến binh (CCB) đang náo nức chuẩn bị kỷ niệm 65 năm Chiến thắng Điện Biên với tất cả niềm hân hoan, tự hào...
Từ lâu, nhiều cán bộ chiến sĩ đã thân mật gọi Trung tướng Lê Nam Phong là "Bố Phong" nên khi gặp ông, chúng tôi thấy tình cảm ấm áp thân thương của ông như chính cha mình vậy. Ở tuổi 93 nhưng Bố Phong vẫn còn hào sảng, minh mẫn và rất dễ xúc động mỗi khi nhắc tới đồng đội đã hy sinh trên các chiến trường.
Ông tâm sự: "Sống trong không khí hòa bình hôm nay, tôi càng thương những người mẹ mất con, những người vợ mất chồng, người anh mất em... đến nay vẫn có gia đình mải miết đi tìm hài cốt người thân...". Rồi ông lại ngậm ngùi khi phải lần lượt chia tay các chiến sĩ Điện Biên tuổi cao sức yếu: "Mấy năm trước, tại TPHCM có khoảng 500 chiến sĩ Điện Biên, nhưng đến nay rơi rụng dần chỉ còn hơn 100 chiến sĩ. Có năm cả trăm người lần lượt ra đi về cõi vĩnh hằng. Không biết đến dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên có còn ai nữa không...".
Chúng tôi liền động viên: "Còn chứ ạ, những nhân chứng sống lịch sử sẽ sống mãi trong lòng người dân để truyền lửa cho lớp trẻ hôm nay...". Bố Phong bộc bạch: "Thế hệ chiến sĩ Điện Biên đi trước chỉ để lại cho lớp trẻ hôm nay một tinh thần yêu nước, một ý chí dũng cảm quật cường và lý tưởng "Không có gì quý hơn độc lập, tự do" mà Bác Hồ đã dạy. Mong sao lớp trẻ tiếp tục phát huy tinh thần đó vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay...".
Lời nhắn gửi giản dị và chân thành của vị tướng dày dạn kinh nghiệm chiến trường cứ vang mãi trong tâm trí chúng tôi. Nghĩ về ông lại nhớ đến Đại đội trưởng "đơn vị đầu trọc" 65 năm về trước. Có lần Đại tướng Võ Nguyên Giáp đi kiểm tra trận địa, thấy các chiến sĩ trẻ trong đơn vị do Lê Nam Phong chỉ huy đều đầu trọc, Đại tướng không khỏi ngạc nhiên. Thấy vậy đại đội trưởng Lê Nam Phong liền giải thích: "Thưa Đại tướng, đại đội chúng cháu cắt đầu trọc là để thề quyết đánh thắng thực dân Pháp xâm lược đó ạ! Khi nào thắng giặc chúng cháu lại để tóc lại ạ!". Nghe vậy, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cười tươi và bảo: "Tốt lắm, vậy thì nên đặt tên là "đại đội đầu trọc" mới phải...". Từ hôm ấy, cái tên "đại đội đầu trọc" do đại đội trưởng Lê Nam Phong chỉ huy đã lan xa khắp các trận địa, tạo nên một nguồn sức mạnh thôi thúc các chiến sĩ Điện Biên chiến đấu quên mình.
Sau chiến thắng Điện Biên, đại đội trưởng Lê Nam Phong và đồng đội rút về thủ đô. Khi giặc Mỹ rắp tâm xâm lược nước ta một lần nữa, ông lại cùng đồng đội vượt Trường Sơn vào Nam đánh Mỹ và tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, phá tan cánh cửa thép Xuân Lộc giải phóng Sài Gòn. Khi quân Pol Pot tàn sát dân ta ở biên giới Tây Nam, ông lại chỉ huy các chiến sĩ chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam. Chưa hết, khi nghe tin kẻ thù tràn sang biên giới các tỉnh phía Bắc tàn phá quê hương, ông lại tiến quân ngược ra Bắc để chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc. Với tinh thần "Nơi nào còn giặc là ta vẫn còn hành quân xa...", những chiến sĩ Điện Biên dày dạn chiến trường trận mạc đi đến đâu là thắng giặc đến đó. Họ tôn vinh là "đội quân bách chiến, bách thắng" trong lịch sử giữ nước của dân tộc ta.
Là đồng đội gắn bó thân thiết với Trung tướng Lê Nam Phong là Đại tá Trần Thịnh Tần, năm nay ông cũng đã 88 tuổi nhưng vẫn còn nhanh nhẹn, sáng suốt. Ông được xem là trẻ khỏe nhất trong các chiến sĩ Điện Biên hôm nay, vì vậy mọi việc trong ban liên lạc ông đều trực tiếp đảm đương. Hỏi ông về cảm xúc những ngày chiến thắng Điện Biên, ông phấn chấn hẳn lên: "65 năm về trước, tôi được phân công chỉ huy hàng ngàn dân công hỏa tuyến vác gạo, tải lương, vận chuyển quần áo, thuốc men vào chiến trường chăm lo cho bộ đội để có sức khỏe đánh giặc...". Không thể kể hết nỗi gian khổ vượt núi băng đèo mà các dân công hỏa tuyến đã trải qua, chỉ biết rằng khi nhìn ngọn cờ đỏ sao vàng của Tổ quốc tung bay trên nóc hầm De Castries trong ngày chiến thắng, niềm vui vỡ òa trong những chiến sĩ Điện Biên có mặt tại chiến trường ngày 7-5 lịch sử...".
Là phụ nữ "chân yếu tay mềm" nhưng Trung tá Ngô Thị Thái Nghiêm, một cô gái trẻ gốc Hà Nội đã sớm tham gia cuộc kháng chiến 9 năm trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược. Ngày ấy, cô là nữ y tá quân y chăm sóc cho bộ đội. Cứ mỗi lần sau trận đánh, thương binh đưa về các trạm xá khá đông và được các y bác sĩ chăm sóc tận tình. Cô nhớ lại: "Hồi đó còn trẻ nên chúng tôi chả biết sợ chết là gì, ai nấy đều lao vào lửa đạn với tâm hồn phơi phới niềm lạc quan cách mạng... Trong ngày chiến thắng, khi mà mọi người hò reo vang dậy núi rừng, thì những y bác sĩ lại phải lao vào cứu thương vì sau trận chiến đấu thương binh bị thương vong khá nhiều, có những chiến sĩ còn rất trẻ vì vết thương quá nặng đã hy sinh đúng giờ phút chiến thắng...". Nhận thức rõ cái giá phải trả cho ngày chiến thắng, nên sau hòa bình, cô quân y từ chiến trường Điện Biên trở về đã đi học lên bác sĩ và suốt đời gắn bó với sự nghiệp cứu người. Sau này bà trở thành nữ bác sĩ rất giỏi và được phong danh hiệu Thầy thuốc Ưu tú...
Mừng chiến thắng Điện Biên năm nay, các CCB Điện Biên vừa vận động được 3 tỷ đồng để gửi lên Tây Bắc làm học bổng cho trẻ em nghèo có điều kiện đến trường. Những chiến sĩ Điện Biên tuy tuổi cao sức yếu nhưng ai cũng cùng một quyết tâm sống có ích cho Tổ quốc, cho đồng bào đến hơi thở cuối cùng.