Lần đầu tiên trong lịch sử, Quốc hội đã chủ động đề xuất và bổ sung vào Nghị quyết của kỳ họp những biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, nhằm tạo cơ sở pháp lý, tăng tính chủ động cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các địa phương...
Những quyết sách chưa có tiền lệ
Vào tháng 5-1946, khi vận mệnh dân tộc “ngàn cân treo sợi tóc”, “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” là nguyên tắc Bác dặn dò Quyền Chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng trước khi Bác đi Pháp để cứu vãn nền hòa bình. Điều bất biến trong tư tưởng Hồ Chí Minh chính là độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội. Trừ điều bất biến này, tất cả là vạn biến được thể hiện, thực hiện trong mọi thời điểm và trên mọi lĩnh vực đấu tranh cách mạng. Cho dù còn rất nhiều quyết sách đặc biệt trong những hoàn cảnh đặc biệt khác trong lịch sử hiện đại của đất nước, nhưng quyết sách đặc biệt này thật sự đã trở thành kinh điển của cách mạng Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ Quyết sách đặc biệt nổi tiếng trong lịch sử cách mạng Việt Nam chính là câu nói của Bác Hồ, sau này đã trở thành nguyên tắc chủ đạo, tư tưởng, cẩm nang nhận thức và phương châm hành động của cách mạng Việt Nam: “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” - lấy điều không đổi ứng phó với vạn điều thay đổi (để thực hiện điều không đổi). Đây cũng là phương châm Đảng, Nhà nước ta đang áp dụng trong bối cảnh đặc biệt hiện nay. |
Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa 15 diễn ra khi đại dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp, bùng phát mạnh tại một số tỉnh phía Nam và có nguy cơ lan rộng. Trước tình hình đó, lần đầu tiên trong lịch sử, Quốc hội đã chủ động đề xuất và bổ sung vào Nghị quyết của kỳ họp những biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 nhằm tạo cơ sở pháp lý, tăng tính chủ động cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các địa phương, kịp thời đáp ứng công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống dịch, kể cả khi tình huống dịch bệnh có thể diễn biến phức tạp hơn. Quốc hội đã giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định và chịu trách nhiệm về tổ chức thực hiện các biện pháp chưa được luật quy định hoặc khác với quy định trong các luật, pháp lệnh hiện hành để đáp ứng yêu cầu cấp bách của công tác phòng, chống dịch Covid-19. Nếu cần thiết phải ban hành quy định về phòng, chống dịch khác với quy định của luật, trong thời gian Quốc hội không họp, Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định theo trình tự, thủ tục rút gọn trước khi thực hiện.
Nhờ quyết sách đó của Quốc hội, nhiều chính sách đã được ban hành, nguồn lực dành cho phòng, chống đại dịch, bảo vệ sức khỏe nhân dân, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong lúc khó khăn đã được tăng cường, đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, kịp thời, công khai, minh bạch, đáp ứng yêu cầu mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra. Các gói hỗ trợ của Nhà nước để người dân và doanh nghiệp khắc phục khó khăn và phục hồi sản xuất, kinh doanh với tổng nguồn vốn hơn 10 tỷ USD, lớn hơn các gói kích thích kinh tế đối phó với tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính và suy thoái toàn cầu đối với nước ta giai đoạn 2008-2009.
Quy mô, liều lượng và địa chỉ rót vốn
Bước vào năm Covid-19 thứ 3, ngày 4-1-2022 lần đầu tiên Quốc hội họp phiên bất thường để xem xét và quyết định một số cơ chế, chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ kịp thời Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội 2 năm 2022-2023 và một số nội dung quan trọng khác, để tháo gỡ những điểm nghẽn về thể chế trong đầu tư, kinh doanh và chính sách thuế; đặc biệt là điểm nghẽn về kết cấu hạ tầng giao thông cả nước là 729km còn lại của tuyến đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông - dự án đặc biệt quan trọng của đất nước với tổng mức đầu tư khoảng 147.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2011-2025. Đây được coi là giải pháp đột phá, chưa có tiền lệ, nhằm tiếp tục đưa nền kinh tế trở lại quỹ đạo phát triển sau 2 năm giảm sâu do đại dịch.
Người dân cả nước rất kỳ vọng khơi thông điểm nghẽn kết cấu hạ tầng bằng tuyến đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông đoạn 2021-2025 Trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 2 của Quốc hội khóa 15 về định hướng của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội 2 năm 2022- 2023, Thủ tướng Chính phủ cho biết sẽ tiếp tục nâng cao năng lực y tế, phòng chống dịch, nhất là y tế dự phòng và y tế cơ sở, xây dựng quỹ cho công tác phòng chống dịch và an sinh xã hội để tập trung chăm sóc sức khỏe và chăm lo đời sống cho người dân. Các gói hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh sẽ được thiết kế, giúp doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi sản xuất, tạo việc làm, thu hút trở lại lao động nông thôn. Chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ sẽ được tính toán để vừa đảm bảo mục tiêu hỗ trợ phục hồi kinh tế, vừa ổn định vĩ mô, kiểm soát được lạm phát. Và tại kỳ họp bất thường, những nội dung quan trọng và cấp bách này đã được Quốc hội khóa 15 thông qua.
Cho dù còn rất nhiều quyết sách đặc biệt trong những hoàn cảnh đặc biệt khác trong lịch sử hiện đại của đất nước, nhưng quyết sách đặc biệt này thật sự đã trở thành kinh điển của cách mạng Việt Nam. |
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính báo cáo với Quốc hội, các chính sách giãn, hoãn, miễn, giảm thuế, phí của năm 2021 sẽ được tiếp tục, gói kích cầu bằng hỗ trợ lãi suất sẽ được xem xét ở quy mô 20.000 tỷ đồng mỗi năm, đưa tổng cộng 1 triệu tỷ đồng vào nền kinh tế. Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ đươc giao thực hiện các gói cho vay giải quyết việc làm, nhà ở xã hội… Gói kích thích đầu tư hạ tầng tiếp tục được coi là giải pháp mạnh với quy mô lớn. Tuy nhiên, đầu tư vào đâu và giải ngân như thế nào để có hiệu quả cao nhất, hiệu ứng lan tỏa tích cực nhất tới nền kinh tế là điều cần chú ý. Cuối cùng và bao trùm lên tất cả là giải pháp “phi tài chính” nhưng cực kỳ quan trọng. Đó là cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính, chất lượng dịch vụ công và thái độ phục vụ người dân của đội ngũ cán bộ, công chức thực thi nhiệm vụ sao cho tạo ra được không khí hồ hởi, phấn khởi trong người dân, cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình phục hồi kinh tế.
Với quy mô của nền kinh tế khoảng 343 tỷ USD năm 2020, chỉ 1% GDP bội chi ngân sách đã là con số rất lớn. Mà nói đến bội chi ngân sách là nói đến tăng nợ công. Do đó, quy mô, liều lượng của gói kích cầu đầu tư và tiêu dùng cần được tính toán hợp lý, đủ lớn, đủ liều lượng để vừa đạt hiệu lực, hiệu quả cao nhất đối với nền kinh tế, lại vừa không để lại những hệ lụy, gánh nặng cho các thế hệ mai sau.
TS. TRẦN VĂN, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội