Nhưng giữa không gian bao la của đất trời, chỉ cần nhìn thấy đàn én chao nghiêng trên bầu trời xanh, cái se se lạnh của từng hạt mưa xuân thổi nhẹ trong gió. Khi đó, ta mới bất giác nhớ ra rằng, xuân đang về khắp muôn nơi.
Xuân về, khẽ vô tình mang lại cho chúng ta bao "dư vị" về những cái tết xưa. Không chỉ cảm nhận sắc hoa qua thị giác; cái ngọt qua vị giác; hương thơm qua khứu giác; tiếng trống lân rộn rã bằng thính giác; làn gió se lạnh nhờ xúc giác... Mà nó còn được cảm nhận bằng sự hoài niệm và tiếc nuối.
Nhớ về những ngày tết của thập niên 90 là nhớ lại thật nhiều phong tục đẹp đẽ. Hay nói một cách chính xác, tết trong mỗi đứa trẻ chỉ đơn giản là khi được mặc đẹp, khi được ăn ngon và khi được ba mẹ chở đi thăm họ hàng.
Để rồi, niềm vui con trẻ ấy được nhân lên gấp bội khi được nhận những phong bao lì xì đỏ thắm từ tay người lớn. Cầm phong bao lì xì trên tay sau những lời chúc ngô nghê, đứa trẻ con nào cũng mân mê và xúng xính chạy đi khoe với bạn bè hoặc anh chị em trong nhà.
Thời ấy, nhận được tiền mừng tuổi chỉ là tờ 1.000 đồng, 2.000 đồng, cứ vui là phải biết. Cái mùi là lạ của tiền mới cứ phảng phất trong tay. Còn nhà có điều kiện hơn thì tờ 5.000 đồng mới keng được gấp đôi, bỏ trong bao đỏ, chữ tàu, kích cỡ chỉ nhỏ bằng lòng bàn tay. Rồi vài năm sau là những đồng xu màu vàng có mệnh giá tương ứng, lắc kêu leng keng, nghe mà thích tai.
Dù bất cứ loại tiền mừng tuổi nào, mệnh giá bao nhiêu, thì mùi hương đặc trưng hòa quyện đó chỉ có thể cảm nhận được trong ba ngày tết. Với tụi trẻ con khi ấy, nó là "khối tài sản" mà lần đầu tiên mình được sở hữu. Thỏa sức tính toán để mua sắm khi ra giêng. Còn sang hơn, là đãi chúng bạn hay anh em họ trong nhà đi ăn kem, đi ăn hủ tiếu đầu ngõ (mỗi tô chỉ có 2.000 đồng). Những món ăn thường ngày nhưng sao lại ngon lạ lùng trong ngày tết này.
Có chăng, món ăn vẫn hương vị đó nhưng lại đong đầy tấm lòng thơm thảo, muốn chia sẻ với mọi người. Bởi, ngay khi còn nhỏ, người lớn luôn dạy cho con cháu là phải biết sẻ chia với mọi người. Thứ cho đi chính là thứ còn mãi!
Ấy vậy mà sau tết chưa lâu, vẫn là câu nói quen thuộc của mẹ: "Thôi, con cứ đưa mẹ cất đi. Sau này cần mua gì mẹ trả lại!". Lòng dại thơ của con đã trao hết cho mẹ, mà chẳng mảy may nghĩ ngợi điều gì. Dần dà, lời hứa khi ấy cũng đã bị thời gian làm phai nhạt và cũng có lúc chợt nhớ ra. Tìm cách vòi vĩnh, mẹ cũng chỉ nói qua loa. Thế là nó đã trở thành quá khứ!
Đời người có bao lần ta khờ dại, nhưng cái dại khờ ấy sao lại quá đỗi đáng yêu và hồn nhiên. Y như chính tâm hồn của mỗi đứa trẻ, trong hơn pha lê dưới ánh nắng ban mai. Và cả sự vô ưu, vô lo thuộc về bản tính.
Còn với những cô, cậu bé cẩn thận và kỹ tính, thì "tài sản" duy nhất sở hữu chính là bộ sưu tập những phong bao lì xì qua các năm. Từng hình ảnh tượng trưng cho từng con giáp mỗi năm, cứ thế sinh động và dày thêm lúc nào cũng không hay.
Đến tận ngày nay, tết vẫn có phong tục lì xì, vẫn có tiền mừng tuổi, vẫn có niềm vui tràn đầy, nhưng không còn vẹn nguyên ý nghĩa như khi xưa vốn có, mà đã có đôi phần bị lợi dụng cho những mục đích riêng. Những thói say mê vật chất tầm thường, vô tình khiến cho ký ức về một nét đẹp truyền thống đã dần bị phai nhạt và biến dạng.
Và gián tiếp, làm cho tâm hồn và cách ứng xử của trẻ con khi nhận được tiền mừng tuổi không còn chân chất và dung dị như xưa. Có khi vô tình còn đẩy người lớn vào những tình huống khó xử, dở khóc, dở cười.
Mong người lớn chúng ta đừng cướp mất đi nụ cười thơ ngây và cũng đừng lấy đi niềm vui thuần khiết nhất của con trẻ. Vì đó chính là "mùi của tết", mùi của sự tinh khôi nhất và hạnh phúc nhất trong suy nghĩ khi còn thơ bé.
Chỉ tiếc rằng, nét đẹp ấy - nay còn đâu!?
LÊ ĐỨC BẢO
TP. Nha Trang - Khánh Hòa