Nhưng bàn tính đổi mới, sáng tạo như thế nào thì không phải một ngày, một bữa là xong chuyện được, dù muốn hay không thì công nghệ cũng phát triển không ngừng, chỉ còn cách liên tục cập nhật.
Trong thế hệ những người trẻ 9X, chuyện nghe radio cũng năm thì mười họa, may ra nghe một bữa. Bạn bè tôi năm ấy ở khu vực ngoại thành, cái radio gắn bó nhiều hơn, vì mức sống còn thấp nên mua cái radio nhanh hơn cái ti vi, có khi phải chắt góp mấy mùa lúa, tía má mới bấm bụng mà sắm cái tivi.
Lứa chúng tôi ngày ấy mê nghe nhạc trên đài, tía má trông tin thời sự, tư vấn chuyện nhà nông, bếp núc… Có lần, chương trình kỳ sau được chị phát thanh giới thiệu chủ đề hướng dẫn nhà nông trừ rầy nâu. Đúng ngày phát thanh, tía thì ngủ quên, má đi ăn giỗ bên nhà dì Chín, vậy là hụt mất một bữa nghe đài mà cả nhà trông suốt một tuần.
Tới giờ ăn cơm chiều, tía còn tiếc đứt ruột, thời điểm ấy bỏ lỡ chương trình chỉ còn cách chờ nhà đài phát lại, chẳng có website hay ứng dụng trên điện thoại mà tìm nghe lại. Còn đứa bạn tôi, vì quá khoái một chủ đề ca nhạc mà phải ra tiệm mua “con cò” (cách gọi tem thư của người Nam bộ), gửi thư tâm tình mong nhà đài phát lại… Rồi ngày nào cũng ngóng tin chú thư báo trên xã, trông thư hồi âm từ nhà đài.
Và có lẽ, khoảng thời gian nghe đài thường xuyên nhất là những ngày tôi học đại học, bởi đi học bằng xe buýt, trên xe mở gì thì nghe đó. Thường trực nhất là những kênh giao thông, “xe đông, di chuyển chậm” gần như là câu nói quen thuộc của mấy chị phát thanh mỗi giờ cao điểm. Sau một loạt thông tin đường nào kẹt xe, chỗ nào đang có sự cố giao thông…, nhà đài phát bài hát theo yêu cầu từ một bác tài đường xa nào đó.
Khoảnh khắc ấy, chợt có một chút gì đó thật “tình” lướt qua đường phố này. Và dòng người vẫn hối hả, tiếng xe cộ vẫn inh ỏi, như một điều quá quen thuộc đến nỗi thành đặc trưng, bởi giờ cao điểm nào mà không kẹt xe; và ở đô thị năng động này, chuyện vội vàng cũng thường thôi, làm sao mà chậm trôi, trầm mặc như phố cổ được.
Bài hát không trọn vì tiếp tục phần tin giao thông, hoặc một chương trình hay nhưng đúng ngày mình còn bận bịu báo cáo, họp hành… Chỉ cần một cái điện thoại tầm trung sẽ lấy lại hết những điều bỏ lỡ. Tải ứng dụng trên điện thoại hay lên web nhà đài là nghe trọn vẹn chương trình đã phát sóng.
Và sau hơn hai năm ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, xu hướng nghe nhìn của lớp trẻ hiện đại dần dịch chuyển sang podcast (tệp âm thanh). Xu hướng nghe này được nhiều bạn trẻ ủng hộ, thậm chí sẵn sàng chi một mức phí xứng đáng cho những chương trình đúng sở thích của họ. Chuyện nghe của thời 4.0 đã khác hẳn cái radio nhà quê năm ấy. Bao nhiêu tiện lợi, bao nhiêu chương trình hay, đúng sở thích của từng lứa tuổi, mọi thứ gói gọn trong cái điện thoại. Không phải đổ mồ hôi hột để chỉnh cái ăng-ten, hay nín thở mà nhích từng chút một cái nút rà tần số.
Thị hiếu đi lên cùng nhịp sống ngày càng phát triển, radio truyền thống có phần “thất thế” trước những nền tảng số cũng là chuyện hiển nhiên. Nhưng đâu đó, trong lớp ký ức đã qua, chiếc radio cũ vẫn đẹp màu hoài niệm.