“Áp đảo” tại Học viện CSND và Học viện ANND
Tin từ Học viện CSND cho biết, học viện có 4 thủ khoa ở 4 tổ hợp đến từ Hà Tĩnh, Điện Biên, Tuyên Quang, Sơn La. Trong số 4 thủ khoa này, dư luận chú ý nhất là trường hợp TS đến từ TP Sơn La (tỉnh Sơn La), thủ khoa khối C03 được 29,35 điểm.
Đây là một trong số TS đạt điểm cao nhất toàn quốc trong kỳ thi năm nay, em đạt điểm 10 tuyệt đối môn Lịch sử và Tiếng Anh; điểm các môn thi khác cũng rất cao: Toán 9,6 điểm; Văn 9 điểm và Địa lý 8,25 điểm. Tuy nhiên, trước đó trên mạng xã hội cũng xuất hiện thông tin kết quả điểm thi thấp của TS này trong một kỳ thi thử của nhà trường.
Cụ thể, TS có điểm số môn Toán là 6,4; môn Ngữ văn 6,5; môn Tiếng Anh 5,8; môn Lịch sử 5,5; môn Địa lý 4,25; Giáo dục công dân 5,5.
Vừa qua, khi công an khởi tố vụ an gian lận thi cử tại Sơn La, đây cũng là trường hợp được dư luận “soi” rất kỹ vì cho rằng khó có sự tiến bộ thần kỳ như vậy trong thời gian ngắn để đạt điểm quá cao khi thi thật.
Qua thống kê, Học viện ANND cũng cho biết, số lượng TS trúng tuyển năm nay phần lớn tập trung ở các tỉnh miền núi phía Bắc như Lạng Sơn, Hòa Bình, Sơn La, Cao Bằng, Bắc Kạn.
Trong khi đó, các địa phương có truyền thống hiếu học và có tỷ lệ TS trúng tuyển cao hàng năm lại có tỷ lệ thấp hơn rất nhiều. Đặc biệt, trong số 6 TS có tổng điểm xét tuyển cao nhất các khối thi (đã bao gồm điểm ưu tiên) thì có tới 3 TS của Hòa Bình, chiếm tỷ lệ 50% và 2 TS của Lạng Sơn, chiếm 33,3%.
Đây cũng là các địa phương đang vướng “lùm xùm” liên quan đến nghi vấn điểm thi THPT quốc gia 2018. Trong số 231 TS trúng tuyển Học viện ANND năm nay, có 23 TS của Lạng Sơn, 14 TS của Hòa Bình và 10 TS của Sơn La, tổng cộng là 47 TS.
Cụ thể, 3/6 thủ khoa đạt tổng điểm xét tuyển cao nhất nhóm ngành nghiệp vụ an ninh của Học viện ANND năm 2018 đều là TS của Hòa Bình, chiếm tỷ lệ 50%. 2/6 thủ khoa là TS của Lạng Sơn.
Chỉ có một trường hợp nữ khối A01 là của Thái Nguyên, còn các địa phương vẫn thường dẫn đầu về số lượng thủ khoa như Hà Nội, Nam Định, Nghệ An năm nay đều không có.
Đáng chú ý, Hà Giang - địa phương đầu tiên phát hiện gian lận điểm thi và đã trả lại điểm thực cho TS - không có em nào trúng tuyển vào Học viện ANND (năm trước, số TS tỉnh này đậu vào trường là 8)…
Xét thấy kết quả thống kê dữ liệu này có những khác thường so với diễn biến thực tế của kỳ thi THPT quốc gia 2018 cũng như các trường đại học khác, Học viện ANND mong muốn lãnh đạo cấp trên có thể xem xét, tiến hành nghiên cứu và rà soát lại.
Hiện tại, tương tự Học viện CSND, Học viện ANND rất mong có kết quả rà soát cuối cùng của Sơn La, Hòa Bình tương tự như đã kết luận ở Hà Giang để có kết quả xét tuyển chính xác nhất.
Nhưng do hiện giờ công an vẫn đang điều tra nên trường phải chấp nhận điểm tạm thời của TS và chờ kết luận điều tra để xử lý các sai phạm theo đúng quy chế.
Về đề xuất học viện nên sát hạch đầu vào để đảm bảo chất lượng, đại diện Học viện ANND cho biết thời điểm này chưa đặt ra vấn đề tổ chức sát hạch, bởi khi sát hạch xong thì không có cơ sở để xử lý, nên học viện sẽ xét tuyển như bình thường.
Nhiều suy tư, trăn trở
Trước đó, cùng với các vụ gian lận thi cử đã khởi tố ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình thì dư luận cũng rất hoài nghi điểm thi cao bất thường của 35 chiến sĩ cảnh sát cơ động (nhóm TS tự do) thi tại Lạng Sơn.
Tuy nhiên, sau đó Tổ công tác của Bộ GD-ĐT kết luận không có gian lận thi cử ở Lạng Sơn. Hiện nay, trừ Hà Giang đã trả lại điểm thực cho TS, các tỉnh Sơn La, Hòa Bình, công an vẫn đang tiếp tục điều tra, chưa xác định được điểm thi trắc nghiệm của TS bị can thiệp ra sao.
Điều mà dư luận đang rất trăn trở hiện nay là trong danh sách 231 TS trúng tuyển Học viện ANND năm nay, chỉ có 102 TS sinh năm 2000, tốt nghiệp THPT vào năm nay (chiếm 44,16%). Số còn lại hầu hết là các TS tự do (tốt nghiệp những năm trước đó).
Đây là các chiến sĩ nghĩa vụ. Nhiều cựu sinh viên Học viện ANND rất trăn trở, cho rằng từ nhiều năm nay tỷ lệ “chọi” vào học viện luôn rất cao, điểm chuẩn luôn đứng tốp đầu.
Đa phần là học sinh phổ thông có học lực xuất sắc mới trúng tuyển Học viện ANND, tỷ lệ chiến sĩ nghĩa vụ hàng năm trúng truyển đều ở mức khiêm tốn, không quá 5%.
“Ví như khoá D27 có gần 500 sinh viên trúng tuyển (tổng cả an ninh và cảnh sát) thì số lính nghĩa vụ trúng tuyển tầm 13, 14 người, tức khoảng 3%. Đó là những người đã vượt qua lò lửa thực sự, bởi cả tiểu đoàn mấy trăm người chỉ vài chục người đủ sức ôn thi đại học và chỉ 1 - 2 người đỗ, thậm chí không ai đỗ”, một cựu sinh viên Học viện ANND chia sẻ.
Vì vậy, việc TS trúng tuyển Học viện ANND năm nay phần lớn ở vùng miền núi dân tộc (KV1) (được ưu tiên 0,75 điểm) và lính nghĩa vụ (được cộng ưu tiên 2 điểm)... khiến dư luận không khỏi hoài nghi về chất lượng đầu vào, nhất là nhiều TS trong số đó đến từ những nơi đang dính đến vụ việc gian lận thi cử, hoặc nghi vấn gian lận thi cử.
Ông Trần Anh Tuấn, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, cho biết Bộ GD-ĐT chưa nhận được công văn đề nghị rà soát đầu vào từ phía Học viện ANND hay Học viện CSND. Vụ Giáo dục đại học cũng đã liên hệ tới trường, nhưng đại diện nhà trường cho biết chưa có văn bản đề nghị rà soát đối với các TS trúng tuyển. |