Ưu tiên đầu tư hạ tầng giao thông miền núi
Theo UBND huyện Hoài Ân, toàn huyện có 2 dân tộc thiểu số sinh sống là Ba Na và H’Re thuộc các xã miền núi, như: Đắk Mang, Bok Tới, Ân Sơn. Đặc biệt, địa bàn miền núi này rất có tiềm năng phát triển nông nghiệp, như trồng cây ăn quả, chăn nuôi sản vật, đặc sản.
Hiện, trên địa bàn 3 xã miền núi có tổng đàn heo hơn 1.600 con (chủ yếu là heo đen); đàn trâu, bò 4.163 con; đàn gia cầm trên 5.000 con. Địa phương đang đẩy mạnh hỗ trợ người dân nơi đây phát triển triển trên 61ha các loại cây trồng có thế mạnh, tạo đặc sản vùng, như: bưởi da xanh, dừa xiêm, bơ sáp và các loại cây ăn trái khác…
Diện mạo mới nông thôn miền núi Hoài Ân. Ảnh: DŨNG NHÂN |
Đến nay, 3 xã miền núi, gồm: Đắk Mang, Bok Tới, Ân Sơn có tỷ lệ xã đạt chuẩn văn hóa đạt 100%, tỷ lệ thôn có nhà sinh hoạt cộng đồng đạt 100%. Đáng vui hơn, tỷ lệ hộ nghèo ở đồng bào thiểu số giảm rõ rệt, hiện chỉ còn 35.93%. Trong đó, hộ cận nghèo dân tộc thiểu số (DTTS) là 23.13%, hộ thoát nghèo DTTS có 33 hộ, hộ nghèo DTTS phát sinh mới là 0 hộ và hộ DTTS tái nghèo là 0 hộ…
Ông Nguyễn Hữu Khúc, Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân cho biết, để khai phá các thế mạnh, tiếp tục nâng cao đời sống người dân miền núi huyện Hoài Ân đang rất cần nguồn lực để đầu tư, phát triển hạ tầng. Những năm qua, địa phương dù còn khó khăn nhưng đã tranh thủ nhiều nguồn lực để đầu tư hạ tầng giao thông các xã miền núi trên, từng bước nối gần không gian giữa thị trấn, đồng bằng với bà con miền núi xa xôi hiểm trở.
Riêng trong năm 2022, huyện đã chú trọng đầu tư nâng cấp các tuyến đường đi các xã miền núi như nâng cấp, mở rộng tuyến đường từ cầu Bù Nú đi T4, T5 dài 6,2km, với tổng mức đầu tư trên 29,7 tỷ đồng; nâng cấp tuyến đường Ân Hữu – Đắk Mang (đoạn Xuân Sơn và đoạn cầu Nước Lương đi thôn T6 xã Đắk Mang dài 4,4km, với tổng mức đầu tư trên 17,46 tỷ đồng.
Ngoài ra, thực hiện Chương trình 135, huyện đã tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn, với tổng nguồn vốn theo kế hoạch được phân bổ là 398,628 tỷ đồng, các công trình triển khai thực hiện đảm bảo kế hoạch và tiến độ đề ra, đến nay đã thực hiện giải ngân đạt 100% kế hoạch.
Vừa qua, UBND huyện Hoài Ân đã động thổ dự án nâng cấp, mở rộng tuyến đường từ cầu Mục Kiến, xã Ân Đức đi trung tâm xã Đăk Mang (gọi tắt là dự án) với tổng vốn 69,5 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách tỉnh hỗ trợ giai đoạn 2021-2025 và vốn ngân sách huyện.
Lễ động thổ dự án nâng cấp, mở rộng tuyến đường từ cầu Mục Kiến, xã Ân Đức đi trung tâm xã Đăk Mang |
Dự án khi đi vào hoạt động (dự kiến tháng 6-2023) sẽ tạo thành tuyến giao thông chính kết nối xã vùng cao Đăk Mang với trung tâm huyện Hoài Ân và đi qua các xã Ân Hữu, Ân Đức. Đặc biệt, dự án sẽ đáp ứng nhu cầu đi lại, giao thương hàng hóa của người dân các xã Đăk Mang Ân Hữu Ân Đức, đến trung tâm huyện được an toàn, thuận lợi, đặc biệt là trong mùa mưa lũ.
Quan tâm phát triển giáo dục
Theo UBND huyện Hoài Ân, liên tục trong những năm trở lại đây, qua mỗi năm, địa phương đã chỉ đạo ngành giáo dục phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức rà soát, đánh giá hiện trạng cơ sở vật chất, trường lớp học; từ đó xây dựng kế hoạch cụ thể để nâng cấp đầu tư đảm bảo cho công tác giảng dạy học sinh.
Tính riêng năm 2021-2022, huyện đã đầu tư trên 120,7 tỷ đồng để xây mới, nâng cấp trường lớp học và mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác giảng dạy. Trong đó, nguồn vốn ngân sách huyện 80 tỷ đồng, còn lại ngân sách tỉnh và các nguồn vốn hợp pháp khác.
Đặc biệt, huyện Hoài Ân hiện chú trọng một số công trình trọng điểm tại các xã vùng cao, các xã về đích nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và các công trình khắc phục thiên tai. Trong đó, huyện đang tập trung đầu tư, xây dựng các trường tiểu học, trung học ở các xã: Ân Nghĩa, Đăk Mang, thị trấn Tăng Bạt Hổ và các khu nhà ở, bếp ăn cho học sinh phổ thông dân tộc nội trú với tổng kinh phí 54,5 tỷ đồng. Trong năm học 2021-2022 huyện đã đầu tư gần 5 tỷ đồng để mua sắm trang thiết bị dạy học theo Chương trình giáo dục phổ thông mới.
Trong quá trình đầu tư, huyện chú trọng đối với các điểm trường chính của bậc Tiểu học và bậc Mầm non. Hiện nay, hầu hết các điểm trường chính trên địa bàn được kiên cố và khang trang. Đây là cơ sở quan trọng để giảm lượng học sinh tại các điểm trường lẻ, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục cho học sinh.
Theo bà Đỗ Thị Diệu Hạnh, Bí Thư Huyện Ủy huyện Hoài Ân, đến nay, hệ thống trường học được phủ kín đến bản, làng, đáp ứng nhu cầu học tập của con em và nhân dân trong huyện. Hiện toàn huyện có 31 trường đạt chuẩn quốc gia; tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đến trường đạt cao, 100% học sinh 5 tuổi, học sinh tiểu học được đến trường; đội ngũ thầy cô giáo vững vàng.
Về xác định nhiệm vụ trong thời gian đến; huyện Hoài Ân sẽ tiếp tục huy động các nguồn lực đầu tư cơ sở trường lớp học; mua sắm cơ sở vật chất để đáp ứng Chương trình giáo dục phổ thông mới năm 2018, nhất là khối lớp 3 và lớp 7.