Ngày 26-5, UBND huyện Hoài Ân đã có thông tin liên quan đến Ngày hội nông sản sắp diễn ra tại huyện này (ngày 27 và 28-5). Đây là dịp để người dân, hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp (DN) tại huyện giới thiệu, trình làng hàng trăm đặc sản nông nghiệp tiêu biểu nhằm quảng bá, tìm kiếm đầu ra và tìm doanh nghiệp hợp tác bao tiêu nông sản...
Ngày hội cũng là dịp để các chuyên gia, cán bộ, lãnh đạo các cấp, ngành học hỏi và giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm. Ngoài ra, thông qua ngày hội giúp địa phương tìm kiếm, định hình các thế mạnh, nguồn nguyên liệu để đi đến ký kết hợp tác, thỏa thuận hợp tác về liên kết chuỗi, bao tiêu, tìm hướng đi cho các loại nông sản.
Dự kiến, trong ngày hội sẽ có 17 gian hàng của nhiều địa phương, đơn vị, trung tâm nghiên cứu, viện nghiên cứu đang triển khai thành công trên đại bàn huyện, trưng bày, giới thiệu sản phẩm. Trong đó có trên 100 sản phẩm với 76 chủng loại từ: chăn nuôi, cây ăn quả, nông sản, dược liệu, món ăn đặc sản địa phương…
Dịp này, sẽ có 7 hợp đồng được ký kết về thỏa thuận hợp tác, hợp đồng hợp tác nhằm bao tiêu, tiêu thủ nông sản giữa các đơn vị tại huyện với các DN, đơn vị bên ngoài, trong đó có các DN tại TPHCM.
Ông Nguyễn Xuân Phong, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân cho biết: Hoài Ân là huyện thuần về nông nghiệp, nên từ lâu huyện xác định nông nghiệp là ngành kinh tế mũi nhọn. Trong giai đoạn 2015 – 2020, huyện đã triển khai những bước đệm tạo nền tảng vững chắc trong phát triển nông nghiệp bền vững, hướng đến ứng dụng công nghệ, nâng cao giá trị và thương hiệu.
Từ năm 2018, huyện Hoài Ân đã xây dựng đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, được thực hiện xuyên suốt đến năm 2025, tầm nhìn 2030. Ngoài giữ vững diện tích canh tác lúa để đảm bảo an ninh lương thực, huyện tập trung triển khai quy hoạch vùng sản xuất cây ăn quả. Trong đó, quy hoạch gần 1.540ha trồng cây ăn quả, đất màu, đất lúa kém hiệu quả, đất vườn đồi cằn cỗi để lập vùng nguyên liệu phát triển cây ăn quả.
“Hoài Ân là huyện trung du miền núi, địa hình đồi núi ôm ấp những thung lũng, làng mạc. Do vậy, đất đai, thổ nhưỡng và khí hậu ở đây khá phù hợp để nhiều loại cây ăn trái sinh trưởng, phát triển, đơm hoa kết trái cho vị đặc trưng. Đặc biệt, bưởi da xanh trồng trên thổ nhưỡng Hoài cho ra hương vị rất đặc trưng và đã có thương hiệu, chỗ đứng trên thị trường…”, ông Phong nói.
Ông Nguyễn Hữu Khúc, Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân, chia sẻ, từ năm 2016 đến 2020, huyện mạnh dạn đưa vào hỗ trợ bà con các dự án, cây trồng có thế mạnh, làm tiền đề để bà con có điều kiện thâm canh, chuyển đổi cây trồng cho thu nhập cao. Quá trình triển khai nổi lên nhiều loài cây trồng, vật nuôi có thế mạnh để xây dựng thành sản phẩm chủ lực cho huyện.
Đặc biệt, những năm qua huyện có nhiều chương trình hỗ trợ người dân chuyển đổi diện tích đất đai kém hiệu quả, đất gò đồi cằn cỗi để thâm canh, trồng các loài cây ăn quả có thế mạnh như: bưởi da xanh, dừa xiêm, cam quýt, mít… Bên cạnh hỗ trợ 100% cây giống, huyện hỗ trợ kinh phí 3 năm phân bón, khoan giếng, cho vay vốn, hỗ trợ kỹ thuật, công nghệ… để người dân tự tin xây dựng các mô hình cây ăn quả quy mô lớn.
Theo ông Khúc, tới đây, Hoài Ân sẽ tiếp tục phấn đấu duy trì phát triển ngành chăn nuôi, trong đó giữ vững tổng đàn heo 250.000 con, lên 300.000 và phát triển gia tăng thêm đàn bò, gà đồi, vịt... Huyện sẽ xây dựng hướng đến trở thành vùng trồng cây ăn quả lớn nhất khu vực miền Trung, xây dựng thêm các thương hiệu sản phẩm đặc trưng, sản xuất theo chuỗi liên kết để đảm bảo giá cả, thị trường.
"Hiện, huyện có 4.300ha đất kém hiệu quả, đang đề xuất lên tỉnh đưa vào xây dựng vùng nguyên liệu nông sản, cây ăn quả, chăn nuôi… Làm sao hướng đến ngành nông nghiệp bền vững, ứng dụng khoa học, kỹ thuật và bám sát chương trình VietGAP”, ông Khúc nói thêm.
Ông Võ Duy Tín, Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Hoài Ân cho biết, diện tích bưởi da xanh của huyện khoảng 400ha, trong đó có 50 ha cho năng suất bình quân 80 tạ/ha (50ha trồng theo mô hình VietGAP); diện tích cây cam quýt có trên 50ha cho năng suất 65 tạ/ha; bơ 75ha (87tạ/ha); mít thái 40ha (80 tạ/ha); tiêu hột trên 260ha (8 tạ/ha), chè Gò Loi 20ha; dâu tằm trên 250ha… Đặc biệt, huyện có diện tích trồng dừa xiêm trên 450ha, đang phát triển rất mạnh, năng suất 17.800 quả/1ha. Toàn huyện hiện có 14 sản phẩm được chứng nhận OCOP 3 sao – 4 sao. Các ngành chức năng huyện đang hoàn chỉnh hồ sơ đăng ký thêm 10 sản phẩm OCOP.Trong đó,28 sản phẩm nông nghiệp đăng ký sàn thương mại, nền tảng điện tử, Lazada, Shopee, Sendo… Ngoài các sản phẩm tiêu biểu về nông sản, huyện Hoài Ân còn là thủ phủ heo lớn nhất miền Trung với tổng đần 250.000 con xuất bán ra khắp các thị trường miền Trung. Về chăn nuôi, huyện có 1.960 trang trại. |