Hòa vào dòng chảy chuyển đổi số

Nhiều sáng kiến, ý tưởng, sự sáng tạo của đội ngũ kỹ sư, công nhân kỹ thuật trên địa bàn TPHCM đã mạnh mẽ minh chứng cho sự đổi mới, hòa nhập nhanh vào công cuộc chuyển đổi số.

LTS: Giải thưởng Tôn Đức Thắng lần thứ 24 năm 2024 là giải thưởng cao quý do Báo SGGP và Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TPHCM đồng sáng lập, thực hiện từ năm 2000. Hơn 250 kỹ sư, công nhân tiêu biểu đã vinh dự nhận giải thưởng này. Nhiều sáng kiến của đội ngũ này không chỉ đóng góp vào thành tích chung của đơn vị, mà còn góp phần giải quyết các vấn đề đặt ra của thành phố và được lan tỏa, áp dụng nhiều nơi.

Nhiều sáng kiến, ý tưởng, sự sáng tạo của đội ngũ kỹ sư, công nhân kỹ thuật trên địa bàn TPHCM đã mạnh mẽ minh chứng cho sự đổi mới, hòa nhập nhanh vào công cuộc chuyển đổi số.

Rút ngắn thời gian phục vụ khách hàng

Một ngày đầu tháng 8-2024, bà Nguyễn Thị Thu Diễm (ngụ quận 4, TPHCM) liên hệ tổng đài chăm sóc khách hàng Công ty CP Cấp nước Nhà Bè (Cấp nước Nhà Bè) nhờ hỗ trợ đăng ký định mức nước cho 2 người cháu vừa đến ở tại nhà mình. Rất nhanh, bà Thu Diễm được nhân viên công ty hướng dẫn tải ứng dụng chăm sóc khách hàng (App) CSKH.NBW và thực hiện theo các hướng dẫn để nhập hồ sơ đăng ký định mức nước online.

Từ đầu năm 2023 đến nay, bà Thu Diễm là 1 trong 31.310 người dân đã thực hiện nộp hồ sơ online thông qua các kênh Web, App, Zalo của Cấp nước Nhà Bè. Đây là sáng kiến “Xây dựng công cụ đăng ký định mức online, ứng dụng đồng bộ hệ thống mã định danh đơn vị và tổng công ty” và là một trong rất nhiều sáng kiến của kỹ sư trẻ Nguyễn Minh Hoàng, Tổ trưởng Tổ Phát triển ứng dụng (Phòng Công nghệ thông tin Cấp nước Nhà Bè) đã thực hiện thời gian qua. Theo ông Lý Thành Tài, Giám đốc Cấp nước Nhà Bè, sáng kiến đã góp phần giảm tải, tránh ùn ứ khách hàng phải chờ làm thủ tục định mức nước trực tiếp tại quầy giao dịch. Đồng thời góp phần đạt mục tiêu thu thập 70% số định danh cá nhân/số nhân khẩu đã cấp định mức nước sinh hoạt theo kế hoạch năm 2023 công ty đặt ra.

chu-de.jpg
Kỹ sư trẻ Nguyễn Minh Hoàng (bên trái), Tổ trưởng Tổ Phát triển ứng dụng (Phòng Công nghệ thông tin Cấp nước Nhà Bè) cùng đồng nghiệp tìm hiểu, nghiên cứu các số liệu tại Trung tâm Vận hành mạng lưới cấp nước do đơn vị phát triển

Được mệnh danh là cây sáng kiến tiền tỷ tại đơn vị, trong gần 15 năm qua, ông Minh Hoàng đã có nhiều giải pháp, ý tưởng, sáng kiến đưa ứng dụng vào thực tiễn, góp phần làm lợi cho đơn vị và cộng đồng. Có thể kể đến sáng kiến “Chương trình Dashboard tra cứu thống kê báo cáo số liệu Online” đã xây dựng một hệ thống báo cáo số liệu kinh doanh hàng ngày của đơn vị một cách chuyên nghiệp, số liệu báo cáo chính xác, đầy đủ, tức thời, giúp người có liên quan có thể truy vấn số liệu bất cứ lúc nào và bất kỳ nơi đâu.

Giải pháp tự xây dựng và phát triển này cũng giúp tiết kiệm số giờ công lao động và hàng trăm triệu đồng văn phòng phẩm mỗi năm cho đơn vị. Cùng với đó, ông Minh Hoàng và đồng nghiệp đã có nhiều sáng kiến giúp tạo kênh kết nối, trao đổi trực tuyến giữa khách hàng và công ty. Từ đó, giải quyết nhiều thắc mắc của khách hàng một cách nhanh chóng; giúp công ty hòa mình vào công cuộc chuyển đổi số chung của thành phố.

Tháo điểm nghẽn

Trong thời đại số hóa hiện nay, là một kỹ sư ngành công nghệ thông tin, bà Dương Thị Ngọc Hân, Trưởng phòng Công nghệ thông tin Công ty CP Cấp nước Trung An (TAWACO) cũng không đứng ngoài dòng chảy ấy. Nếu 10 năm trước, khi nhận được một tin về sự cố đường ống nước ngầm xì bể, nhân viên làm thủ công, phải đến phòng lưu trữ hồ sơ tìm bản vẽ để xác định vị trí rồi mới đến hiện trường xử lý sự cố, thì nay, với vài cái “nhấp chuột”, nhân viên TAWACO có thể nhìn thấy mọi sự cố về đường ống nước để khắc phục nhanh chóng. Khi thấy có điều gì khúc mắc từ khách hàng, công việc, bà Ngọc Hân lại cùng đồng nghiệp đưa ra ý tưởng, sáng kiến để số hóa các dữ liệu, phục vụ khách hàng ngày một tốt hơn.

Một trong những sáng kiến bà Ngọc Hân tâm đắc là “Tra cứu thông tin: thay đồng hồ nước, sản lượng nước tiêu thụ, lịch sử thanh toán của khách hàng thông qua App My Tawaco”, đã giúp tăng khách hàng có thể thực hiện các giao dịch từ xa, giảm tải cho các quyền giao dịch. Hay sáng kiến “Ứng dụng thay đồng hồ nước” đã giúp xác định vị trí chính xác đồng hồ cần thay, rút ngắn thời gian tiếp cận giải quyết cho khách hàng và giảm thất thoát nước cho đơn vị.

Là 1 trong 2 gương nữ kỹ sư nhận Giải thưởng Tôn Đức Thắng năm nay, bà Phùng Thị Hữu Hạnh, Giám đốc Xưởng Chế biến thực phẩm (Công ty CP Thực phẩm Cholixex), không giấu được niềm vui, bởi đây là niềm vinh dự không chỉ cho bản thân mà còn của đơn vị. Từ sự sâu sát công việc, đồng hành để hiểu các chuyền sản xuất, thấy những khó khăn trong công việc của công nhân, bà đưa ra nhiều sáng kiến, cải tiến giúp dây chuyền sản xuất trơn tru, giảm nhân công, tăng năng suất lao động, đáp ứng nhu cầu khách hàng cần.

Năm 2019, trước tình hình chung của các đơn vị khó tuyển lao động, xưởng lại cần nhân lực để thực hiện các đơn hàng của khách, nhưng khâu đóng lốc lại bị ùn ứ do làm thủ công. Trăn trở, bà Hạnh đưa ra sáng kiến “Cải tiến máy đóng lốc tự động, thay thế các công đoạn đóng lốc sản phẩm thủ công bằng tay” và sáng kiến “Cải tiến công nghệ ép màng nhôm sóng cao tần thay thế cho ép màng nhôm thủ công”. Khi đi vào ứng dụng, sáng kiến đã giúp tự động hóa các khâu, tháo được nút thắt nghẽn trước đây, giúp sản xuất liền lạc. Sáng kiến này còn giúp giảm nhân công (trước đây 2 chuyền sản xuất cần 20 lao động, nay chỉ còn 2 lao động), tăng năng suất, công suất và giúp công ty đáp ứng kịp tiến độ giao hàng. Chỉ với 2 sáng kiến này, bà Hạnh đã giúp làm lợi cho công ty gần 4 tỷ đồng/năm. Đây cũng là các sáng kiến có thể áp dụng trong hệ thống các công ty sản xuất thực phẩm trên toàn thành phố.

16 năm gắn bó tại Công ty CP Cao su Bến Thành (thuộc Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn), hầu như mỗi năm kỹ sư Nguyễn Thành Long đều có sáng kiến, cải tiến để giúp đơn vị giảm các chi phí phát sinh trong sản xuất, đáp ứng nhu cầu của khách hàng, góp phần duy trì việc làm ổn định cho công nhân lao động. Trong đó có thể kể đến nghiên cứu “Cải tiến sản xuất băng tải gân M cấp than lò đốt nhà máy nhiệt điện”. Đây là dòng sản phẩm băng tải phức tạp về công nghệ sản xuất đem lại nhiều kết quả.

S2a-(1).jpg
Ông Nguyễn Thành Long (bên phải) cùng đồng nghiệp trong giờ làm việc Ảnh: CHÍ THẠCH

Tin cùng chuyên mục