1. Hội họa thuộc về nghệ thuật thị giác và cảm nhận, tùy gu mỗi người mà cách thưởng thức tác phẩm cũng khác nhau. Trong thành phố, không thiếu phòng trưng bày nghệ thuật, thậm chí là những cuộc trưng bày thuộc hàng sang xịn từ những nhà đấu giá hàng đầu thế giới tổ chức. Nhưng chuyến tàu sang bên kia sông Sài Gòn, mang đến cho người xem một trải nghiệm đủ lạ cho loại hình nghệ thuật đã quá quen thuộc.
Tàu cập bến tạm trong lộ trình thử nghiệm từ Bến Bạch Đằng (quận 1) sang làng hội họa Hàm Long (số 35-37-39 đường 103 Thạnh Mỹ Lợi, TP Thủ Đức), để du khách thưởng lãm cuộc trưng bày trong không gian nhà vườn kết hợp gallery (được hiểu là không gian/phòng trưng bày tác phẩm nghệ thuật). Tùy thích, người xem cũng có thể trở thành nhà sưu tập lựa chọn cho mình tác phẩm ưng ý, trong hàng trăm tác phẩm đang trưng bày nơi đây, từ tranh sơn mài, sơn dầu, tranh thủy mặc, màu nước đến tượng điêu khắc, tượng gốm…
Hành lang dài các tượng điêu khắc dẫn lối vào không gian trưng bày tranh sơn mài hoặc rẽ sang không gian của tranh thủy mặc, tranh màu nước. Khách xem thoải mái chụp ảnh, tìm hiểu thông tin chất liệu tác phẩm, tác giả cùng giá cả có sẵn, tham khảo.
Chị Nguyễn Thùy Phương (ngụ quận 1, TPHCM) chia sẻ: “Tôi không phải là dân sưu tập chuyên nghiệp, chỉ thường đi xem triển lãm nên cũng có chút hiểu biết về tranh. Không gian bên này rộng, nhiều cây xanh và cặp bờ sông nên không khí thoáng mát hẳn. Bước vào đã có cảm tình, thích thú thì việc thưởng thức nghệ thuật cũng dễ chạm đến cảm xúc nhiều hơn là trưng bày ở không gian theo kiểu văn phòng, máy lạnh”.
Ở Hàm Long, khách tham quan thỏa mắt với những tác phẩm đang trưng bày, tò mò trong xưởng vẽ còn ngổn ngang cọ, màu… Và từ không gian này, mở ra thêm không gian tương tác cho người xem. Giấc mơ mang nghệ thuật đến gần với khán giả không quá xa vời…
2. Đi đường bộ sang bên kia sông Sài Gòn vào làng hội họa Hàm Long không khó, nhưng lộ trình đường sông rút ngắn thời gian hơn và mở ra điểm hẹn nghệ thuật dọc đôi bờ sông Sài Gòn. Khán giả đã ghé qua, thường ví nơi này như một làng nghệ thuật bên kia sông. Ở đó, nghệ sĩ phóng tầm nhìn thoáng đãng, lững lờ theo con nước, mặc sức tung tẩy cùng đường nét, màu sắc hay phiêu cùng khung cảnh đủ tình để họa thành tranh.
Chị Lý Chánh Hồng (đại diện Kỳ Long Art tại làng hội họa Hàm Long) bộc bạch: “Những năm cuối thập niên 1990, một nhóm nghệ sĩ, chủ yếu là họa sĩ ở TPHCM, tìm nơi yên tĩnh, phong cảnh đẹp để sáng tác. Dải đất rộng ven bờ sông Sài Gòn nằm trong Giồng Ông Tố, thuộc phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2 (nay là TP Thủ Đức), với thế đất vừa kề bên sông nước thơ mộng, vừa yên tĩnh, khiến họ chẳng thể rời chân. Cố họa sĩ Nguyễn Thanh Châu thấy địa thế đất có kênh rạch nhiều, giống như dáng của hàm con rồng nên đặt tên là Hàm Long.
Các họa sĩ bắt đầu xây dựng xưởng vẽ cho riêng mình rồi phát triển dần thành làng Hàm Long. Từ mong muốn ban đầu, các họa sĩ, nghệ sĩ đến với Hàm Long luôn tâm niệm xây dựng một không gian sống thật sự của người làm nghệ thuật, mang đến cho khách tham quan những tác phẩm nghệ thuật chất lượng cùng cảnh quan mang đậm nét văn hóa truyền thống Việt Nam giữa lòng thành phố nhộn nhịp, bên cạnh sông Sài Gòn êm ả”.
Họa sĩ Siu Quý, Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật TPHCM, nhìn nhận: “Ở Hàm Long, không gian rộng đủ sức để các họa sĩ, nghệ sĩ điêu khắc trưng bày hàng loạt tác phẩm cỡ lớn. Và người ta dày công sắp xếp những tác phẩm, ý tưởng nghệ thuật cùng mảng xanh của cây cối, đem đến trải nghiệm lãng mạn cho người xem, nhất là một vị trí đẹp bên sông Sài Gòn, vừa thu hút công chúng đến với nghệ thuật, vừa có thể nghiên cứu để khai thác du lịch, quảng bá nghệ thuật Việt Nam”.
Từ cuối năm 2021, thành phố hoàn thiện dần việc chỉnh trang cảnh quan đô thị, nhất là khu vực trung tâm, “mặt tiền” sông Sài Gòn. Và một chuyến tàu sang bên kia sông thưởng tranh, ngắm cảnh, rồi cập lại Bến Bạch Đằng hay những buổi chiều chậm trôi để ngắm nhìn đôi bờ thành phố từ dòng sông di sản, đủ để người ta say đắm với thành phố hơn 300 năm tuổi, còn đây lưu dấu một trời phương Nam…
Phát huy hệ sinh thái “trên bến dưới thuyền”
“Ngay từ khi trình dự án bus đường sông với lãnh đạo thành phố, chúng tôi luôn quan tâm và chú trọng phát huy hệ sinh thái “trên bến dưới thuyền” của tài nguyên sông nước ở TPHCM. Chúng ta phát triển hạ tầng cảng - bến, nhà ga tàu thủy đa vị trí, để có thể khai thác vẻ đẹp từ hai bên bờ sông, tạo điểm đến để khán giả thưởng thức nghệ thuật hoặc tìm hiểu nét văn hóa bản địa của TPHCM…”, ông Nguyễn Kim Toản, Giám đốc Saigon Waterbus, chia sẻ.