Thông qua những mô hình sản xuất, kinh doanh này, sản phẩm “made in Vietnam” không chỉ cải thiện được chất lượng, đạt tiêu chuẩn quốc tế để xuất khẩu sang các thị trường khó tính mà còn góp phần nâng cao giá trị hàng hóa tiêu dùng trong nước.
Với mối nhân duyên đặc biệt, PAN - Saladbowl thuộc Tập đoàn The PAN Group - một trong những công ty đầu tiên đầu tư trồng hoa xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Cụ thể, đơn vị này đã đầu tư phát triển diện tích nông trại khoảng 6ha; trong đó, có 1ha sản xuất giống và 5ha trồng hoa cúc xuất khẩu. PAN-Saladbowl đã đầu tư đồng bộ hệ thống kỹ thuật nhà kính từ 8 - 10 tỷ đồng/ha để việc trồng hoa tránh được những rủi ro về mặt thời tiết. Không những vậy, với lực lượng hơn 100 cán bộ, công nhân tay nghề cao tập trung cho dự án sẽ hứa hẹn nhiều thành công cho PAN-Saladbowl.
Theo ông Nunome Takahiro, Giám đốc Kỹ thuật của PAN-Saladbowl, tuy cúc là Quốc hoa của Nhật Bản nhưng điều kiện khí hậu và chi phí nhân công cao khiến việc trồng hoa cúc ở Nhật Bản không phát triển mạnh. Ngược lại, Việt Nam lại có những lợi thế này cùng với khả năng cạnh tranh đã giúp hoa cúc Việt Nam dễ dàng đến với thị trường Nhật hơn. Nhật Bản vốn nổi tiếng có những yêu cầu khắt khe về mặt kỹ thuật, nhưng với đội ngũ sản xuất hoa thường xuyên được đào tạo bài bản, trong tương lai không xa, tiềm năng xuất khẩu hoa của Việt Nam sẽ được khai thác rất hiệu quả.
Hiện PAN-Saladbowl đang thực hiện dự án trồng hoa cúc xuất khẩu sang Nhật Bản tại huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng. Cụ thể, mỗi năm PAN-Saladbowl sản xuất khoảng 1 tỷ cành hoa cúc; trong đó, 90% tiêu thụ tại thị trường nội địa và 10% xuất khẩu. Từ đầu năm 2017 đến nay, công ty đã xuất khẩu trên 1 triệu cành hoa sang Nhật Bản và được khách hàng đánh giá cao về chất lượng sản phẩm. Ước tính khoảng 8,5 triệu cành hoa sẽ được xuất tiếp vào năm 2018. Với con số này, PAN-Saladbowl sẽ đưa Việt Nam lên vị trí thứ 3 trong các nước xuất khẩu hoa sang Nhật Bản.
Tương tự, mặc dù được đánh giá là một trong những sản phẩm tiềm năng của thị trường nhưng dưa lưới lại là giống cây khó trồng trong điều kiện ngoài đồng ruộng, do đặc tính “khai vân nứt quả” khiến vi khuẩn, nấm bệnh dễ xâm nhập, vì vậy đòi hỏi phải được trồng trong nhà kính hiện đại và làm chủ công nghệ sản xuất. Đứng trước cơ hội và thách thức này, Tập đoàn Vinaseed đã mạnh dạn đầu tư Khu công nghệ cao Hanam Hi-tech với diện tích 21,59ha. Bên cạnh việc đầu tư mạnh về nguồn lực tài chính, công nghệ, Tập đoàn Vinaseed cũng xác định để sản xuất thành công giống dưa lưới theo đúng tiêu chuẩn Nhật Bản, điều kiện tiên quyết là đội ngũ kỹ thuật, chuyên gia phải được đào tạo bài bản, chuyên tâm trong việc áp dụng và làm chủ công nghệ sản xuất. Tại Hanam Hi-tech, các kỹ sư, công nhân của Tập đoàn Vinaseed phải tỉ mỉ và kỷ luật trong mỗi khâu sản xuất, để trái dưa lưới sinh trưởng và phát triển thuận lợi.
Ông Đỗ Bá Vọng, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Vinaseed, cho biết với những sự nỗ lực như trên, sản phẩm dưa lưới từ Khu công nghệ cao Hanam Hi-tech có quả tròn đẹp, khai vân đều, trọng lượng đạt tiêu chuẩn từ 1,5 - 1,8kg/trái. Thịt dưa giòn nhưng không cứng, ngọt dịu chứ không ngọt sắc. Đáng chú ý, nếu dưa lưới Nhật được bán ở các cửa hàng nhập khẩu với giá cả triệu đồng/kg, nguời tiêu dùng chắc chắn sẽ bất ngờ với sản phẩm của Tập đoàn Vinaseed với giá chỉ bằng 1/10 và chất lượng tương đương. Kỳ tích dưa lưới Nhật “made in Vietnam” đã mở ra thời kỳ mới cho trái cây chất lượng cao theo mô hình “trồng tại Việt Nam, bởi người Việt Nam” và xuất khẩu ra thế giới.
Từ mô hình sản xuất, kinh doanh nông nghiệp công nghệ cao, đáp ứng nhu cầu thị trường nên những sản phẩm “made in Vietnam” đã xuất khẩu thành công. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp đang trăn trở về tầm nhìn cho vùng nông nghiệp công nghệ cao kiểu mẫu. Theo các doanh nghiệp, muốn ngành nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững, sản phẩm “made in Vietnam” được nâng tầm và vươn ra thị trường quốc tế, cần ứng dụng nhiều hơn khoa học công nghệ hiện đại vào các khâu sản xuất, bảo quản sau thu hoạch, để đạt chuẩn sản phẩm quốc tế nghiêm ngặt.