Dự báo trở thành một “hoa tiêu”, gia tăng hướng đi và hiệu quả phát triển, với thành phố năm 2023, tập trung kỹ năng và khả năng phân tích, đánh giá, dự báo ở ba lĩnh vực “thể chế - hạ tầng - nhân lực”.
Một là, triển khai tiếp các nội dung Nghị quyết 54 của Quốc hội, nghiên cứu cơ chế chính sách thí điểm và kiến nghị Quốc hội ban hành nghị quyết mới thay thế nghị quyết 54; triển khai Nghị quyết 24 về phát triển vùng Đông Nam bộ. Hai là, thúc đẩy các công trình giao thông vận tải mang tính trọng điểm như: Metro 1, 2; đường Vành đai 3, 2, 4; đường cao tốc Mộc Bài - TPHCM; cảng quốc tế Cần Giờ 3. Ba là, đổi mới công tác tuyển dụng/đánh giá/bổ nhiệm cán bộ; hoàn thiện cơ chế chính sách thu hút nhân tài, chuyên gia, đặt hàng giải quyết các vấn đề phát triển TPHCM. Bốn là, khơi thông các dòng chảy tiêu dùng và đầu tư xã hội trong nhiều lĩnh vực khác nhau, đặc biệt là các ngành dịch vụ phục vụ người dân, thúc đẩy kinh tế ban đêm, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn và các cơ chế quản lý tương thích.
Để tăng cường khả năng dự báo, phân tích, đánh giá thì dữ liệu là cốt lõi. Dữ liệu không những hỗ trợ quá trình ra các quyết sách mà còn mở ra các cơ hội kinh doanh cho cộng đồng doanh nghiệp khi thành phố thí điểm việc khai thác và sử dụng dữ liệu của thành phố thông qua một đề án chính thức. Trước hết là việc xây dựng các cơ sở dữ liệu cấp sở ngành và địa phương, tăng cường các quy chuẩn về cập nhật, mở dữ liệu để kết nối chia sẻ, đi cùng với đó là đảm bảo an toàn dữ liệu, bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Mỗi người, mỗi đơn vị cần “làm đúng, làm tốt” chức năng nhiệm vụ của mình. Năng lực - trách nhiệm của cán bộ gắn với trách nhiệm công việc, với các bộ phận liên quan, kết nối, tương tác. Với những vấn đề mang tính phối hợp, một sáng kiến có tính thực thi cao là cơ chế tổ công tác do lãnh đạo UBND TP làm Tổ trưởng với các thành viên là lãnh đạo các sở, cơ quan liên quan và chủ tịch quận huyện.
Thành phố đang cần nguồn vốn lớn để phát triển, và đầu tư công chỉ mới đáp ứng một phần. Vì thế, song song với các biện pháp thúc đẩy giải ngân đầu tư công mà cụ thể gần đây nhất là gắn triển khai thực hiện giải ngân đầu tư công với đánh giá cán bộ tổ chức, thành phố đang trong quá trình xác định một “hoa tiêu mới” cho các dự án phát triển hạ tầng. Trong dự thảo cơ chế thí điểm nghị quyết 54 của Quốc Hội, việc đề xuất có cơ chế hợp tác công tư (PPP) trong lĩnh vực văn hóa - thể thao là cụ thể định hướng đó. Không chỉ hai ngành này, với cả các công trình hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị đều cần có hướng chuyên sâu về nghiên cứu, đánh giá khả năng triển khai đầu tư bằng hình thức PPP.
Cuối cùng là quản trị rủi ro, thành phố đã xây dựng những kế hoạch và kịch bản liên quan đến các tình huống có thể xảy ra trên địa bàn, từ việc xử lý an ninh trật tự đến an sinh xã hội qua ảnh hưởng trái phiếu doanh nghiệp hay làn sóng sa thải lao động đã diễn ra và dự kiến sẽ tiếp tục trong các tháng tới. Với những bất định từ tình hình quốc tế lẫn thị trường bên trong, không loại trừ phát sinh những rủi ro khác trong quá trình triển khai những chính sách thúc đẩy kinh tế. Ví dụ, tác động của đầu tư công, trong điều kiện “bất thường” như hiện nay, khi các thị trường xây dựng, bất động sản và chuỗi liên quan đang gặp vấn đề thì hiệu ứng của dòng tiền đầu tư công không đủ mạnh để thay đổi trạng thái nhà đầu tư. Vì vậy, gia tăng các biện pháp thúc đẩy khác cũng là cách để quản trị rủi ro cho thị trường, xã hội.
Năm 2023 - dự báo là năm có nhiều yếu tố bất định - sẽ càng cần thiết hơn với những “hoa tiêu” dẫn đường, đồng hành đảm bảo tiến độ hoàn thành các mục tiêu quan trọng của thành phố sắp tới.