Tấp nập hoa đào
Dạo một vòng các chợ đào quất ở đường Tố Hữu, Lê Văn Lương, chợ Vạn Phúc ở quận Hà Đông; dọc đường Võ Chí Công, Lạc Long Quân và chợ Quảng An ở quận Tây Hồ của Hà Nội, không chỉ có đào cành, đào thế trồng ở vườn trại, mà các loại đào rừng từ Sơn La, Lào Cai, Hà Giang, Yên Bái… cũng đang chở về tấp nập. Chủ một lô đào rừng lớn, trưng bày ở đường Lạc Long Quân cho biết, mặc dù gọi là đào rừng, nhưng thực tế các lô đào này được thương lái thu gom, khai thác từ những cây đào trồng ở vườn, đồi của bà con ở Vân Hồ và Mộc Châu (Sơn La). Giá một cành đào rừng trung bình khoảng 1-3 triệu đồng; những cành lớn, nụ mập, nhiều rêu bám thì khoảng 4 - 10 triệu đồng. Tất cả đều được dán tem chứng nhận nguồn gốc hợp pháp. Khi vận chuyển bằng xe trên đường, lực lượng chức năng có dừng xe để kiểm tra, nhưng thấy đủ giấy tờ chứng nhận của chính quyền địa phương thì đều cho đi, không gây khó khăn gì.
Theo ông Trần Dũng Tiến, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Sơn La, nơi đang trồng nhiều đào, mận nhất tại khu vực Tây Bắc (2 huyện Mộc Châu và Vân Hồ), từ nhiều năm nay, bà con đã trồng đào mận để khai thác trái và bán cành vào dịp tết. Đào mận trồng trên nương, đồi hoặc vườn nhà, tận dụng nơi đất xấu. Vì vậy, xét theo tiêu chí của Luật Lâm nghiệp thì không bị cấm, vì đây không phải là đào khai thác từ rừng tự nhiên, rừng phòng hộ hoặc trên đất lâm nghiệp. Để giúp bà con tiêu thụ đào mận thuận lợi hơn trong dịp tết này, đồng thời không để xảy ra tình trạng khai thác đào rừng bừa bãi, Sở NN-PTNT và Sở KH-CN tỉnh Sơn La đang tích cực hướng dẫn dán khoảng 11.000 chiếc tem chứng nhận nguồn gốc hợp pháp cho đào trồng tại 2 huyện Mộc Châu và Vân Hồ, thủ tục rất thông thoáng.
Tại Hà Nội, trên cánh đồng đào xen kẹt giữa một tòa chung cư lớn và biệt thự ở khu đô thị Nam Cường (thuộc xã Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm), bà Trần Thị Thương, ngoài 50 tuổi, ở thôn Quang Minh, làng La Cả, phường Dương Nội (Hà Đông - Hà Nội) đang cầm bình xịt đánh dấu những gốc đào thế đã có thương lái đặt tiền. Bà Thương cho biết, gia đình trồng gần 1.000 gốc đào trên 6 sào ruộng Bắc bộ (thuê lại của người dân phường Đại Mỗ). Năm nay, nụ đào rất đẹp, tầm này mới đang “chúm chím”, nở đúng tết, nên chủ vườn nào cũng hồ hởi, phấn khởi, trông mong tết. “Các vườn ở cạnh nhà tôi cũng đã có khách tới hợp đồng, đặt mua dần rồi. Đào đẹp nên năm nay, giá trung bình là 2 triệu đồng/gốc đào thế”, bà Thương cho biết.
Chờ mai khoe sắc
Dù bão lũ triền miên, kèm theo khí hậu biến đổi thất thường nhưng người dân ở An Nhơn (tỉnh Bình Định) “thủ phủ” mai vàng lớn nhất miền Trung, vẫn nỗ lực vượt khó nuôi trồng hoa mai nở đúng dịp tết. Đi dọc các làng mai thị xã An Nhơn ngày cận tết cổ truyền của dân tộc, cảm nhận không khí tết ấm áp tràn khắp mọi nẻo. Dọc quốc lộ 1A, các hàng mai năm nay được sắp xếp ngăn nắp, an toàn để thương lái, hành khách Bắc - Nam thuận tiện tham khảo. Tại làng mai truyền thống Háo Đức (xã Nhơn An, thị xã An Nhơn), người trồng mai vàng đã tập trung thành nhiều khu chợ mai với hàng chục ngàn chậu mai vàng để chào bán cho các thương lái. Giá mỗi chậu mai tùy theo dáng thế, tán hoa, từ 300.000 - 1.000.000 đồng/chậu. Có nhiều chậu mai có giá từ vài triệu đến vài chục triệu đồng, như mai bonsai độc lạ, hiếm gặp, nhiều tuổi…
Tại TPHCM, ghi nhận một số vườn mai trên địa bàn TP Thủ Đức, do ảnh hưởng thời tiết nên một số cây mai đã nở hoa sớm. Theo nhiều nông dân, do người dân còn lo sợ dịch Covid bùng phát, nên các tỉnh phía Bắc hạn chế nhập cây mai từ miền Nam ra. Chưa hết, nhiều bạn hàng là các công ty thường xuyên thuê hoa, nhưng đến thời điểm này vẫn chưa thấy đặt hàng. Do vậy, nhiều người trồng mai ở đây đã bắt đầu lo lắng… Thế nhưng, ở làng mai tại huyện Bình Chánh, ông Lê Hữu Thiện, Giám đốc HTX Hoa mai vàng Bình Lợi, cho hay, nhờ bền, đẹp nên cây mai của HTX có nhiều đơn hàng mua và cả thuê hơn so với năm trước.
Tại ĐBSCL, làng nghề sản xuất hoa kiểng tại Chợ Lách (Bến Tre) năm nay sản xuất khoảng 17 triệu sản phẩm hoa kiểng đa dạng, như: mai vàng, hoa cúc, mâm xôi, cúc hà lan, hoa treo các loại… nhằm phục vụ thị trường. Hiện nay, có rất nhiều thương lái đã đến tận nhà vườn uy tín và có nhiều kinh nghiệm trong chăm sóc tạo dáng mai để đặt hàng. Các chủ vườn mai tại xã Vĩnh Thành (Chợ Lách) cho biết, giá bán mai tại vườn vẫn ổn định như mọi năm. Tết năm nay, các nhà vườn ở xã Phú Sơn sản xuất khoảng 500.000 chậu hoa mai đại lộc, mai cúc thọ hương, mai cúc huyết… Đây là những giống mai khá mới trên thị trường và đang được người dân ưa chuộng. Các loại mai này có giá bán cao hơn và dễ bán hơn so với giống mai thường.
Tại Đồng Tháp, chiều 27-1, Phòng Kinh tế TP Sa Đéc cho biết, trong dịp Tết Tân Sửu sẽ cung ứng ra thị trường khoảng 3 triệu chậu hoa các loại. Trong đó, cúc mâm xôi khoảng 214.000 chậu; hồng trên 1,1 triệu chậu; cúc đồng tiền trên 123.000 chậu; vạn thọ 71.300 chậu; cát tường trên 137.000 chậu… “Năm nay, xu hướng tiêu thụ hoa kiểng phục vụ tết đối với các loại hoa truyền thống chiếm tỷ lệ cao. Ngoài ra, nông dân tại làng hoa Sa Đéc còn sưu tầm một số loại hoa kiểng mới như cúc họa mi, thạch thảo… nhằm phục vụ nhu cầu trang trí, thẩm mỹ của người tiêu dùng. Đến thời điểm hiện tại, cúc mâm xôi có một số nơi nở sớm nên người dân đã tiêu thụ hơn 80% số lượng. Còn các loại hoa kiểng khác cũng đang được thương lái kéo về thu mua rất nhộn nhịp, giá cả không tăng giảm đột biến so với các năm trước”, bà Nguyễn Thị Ngọc, Trưởng phòng Kinh tế TP Sa Đéc cho biết.
Tại thủ phủ hoa Lâm Đồng, đến thời điểm hiện tại, giá thu mua hoa tại vườn ở Đà Lạt vẫn không có nhiều biến động so với ngày thường. Riêng hoa địa lan, dù năm nay một lượng lớn (chiếm trên 70%) nở sớm nhưng giá vẫn chưa biến động nhiều. Tại vựa hoa lay ơn Hiệp An (huyện Đức Trọng), năm nay nông dân trồng khoảng 300ha. Thời điểm hiện tại, các tiểu thương từ Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Nam đã bắt đầu đưa xe vào nhập hoa, giá đang dao động 20.000 - 35.000 đồng/bó 10 cành. Theo những tiểu thương thường xuyên thu mua hoa Đà Lạt, năm nay thị trường hoa vẫn hướng tới các thị trường truyền thống tiêu thụ mạnh như TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, các tỉnh miền Tây. Dự kiến sắp tới, giá hoa sẽ còn biến động theo xu hướng tăng 20%-30% do nhu cầu tiêu thụ tăng cao dịp cận tết.
Cây kiểng, hoa tết bắt đầu về TPHCM Hiện nhiều tuyến đường chuyên kinh doanh cây kiểng, hoa tết ở TPHCM đã bắt đầu nhộn nhịp trưng bày các sản phẩm. Tại tuyến đường Mai Chí Thọ (quận 2), những cửa hàng chuyên bán cây kiểng đã chuyển quất, bưởi, địa lan, đỗ quyên… ra mặt tiền để khách hàng dễ dàng ngắm hơn. Theo nhân viên kinh doanh tại cửa hàng cây kiểng Minh Tân, cây bưởi tùy theo kiểu dáng, số lượng trái trên cây… có giá 15 - 45 triệu đồng/cây. Tương tự, cây quất có giá từ 500.000 đồng đến gần 20 triệu đồng/cây; địa lan, đỗ quyên cũng có giá từ vài trăm đến vài triệu đồng/cây. Ông Trịnh Tú Tâm, chủ cửa hàng cây kiểng Minh Tâm, cho biết, cách đây 1 tháng, vườn đã nhập về hơn 70 cây bưởi và hơn 100 cây quất từ miền Bắc vào. Cây quất miền Bắc có trái màu cam có thể chơi đến hết tháng Giêng. Không chỉ sản phẩm từ miền Bắc, nhiều cây hoa “ngoại” cũng được nhập về TPHCM cạnh tranh với sản phẩm Việt Nam và đang rất được nhiều người ưa chuộng. Điển hình, tại cửa hàng Liti Florist (100 Võ Thị Sáu, quận 1) đang trưng bày một số loại cây hoa nhập khẩu như đào Nhật, mai Mỹ… sẽ có giá khoảng 500.000 đồng/cành. Ngoài ra, một số hoa nhập khẩu từ Hà Lan như hoa chuông cũng đã xuất hiện ở nhiều cửa hàng bán hoa. |