Hoa tết vào mùa

Theo ngành nông nghiệp TPHCM, diện tích hoa, cây kiểng phục vụ Tết Mậu Tuất năm 2018 khoảng 974,2ha, tăng 3,2% so cùng kỳ 2017.

Hoa tết vào mùa

Trong đó, mai vàng chiếm tỷ lệ nhiều nhất với 462,7ha (chiếm 47% diện tích hoa, cây kiểng tết của TP) - tăng 20,1% so với cùng kỳ, tăng chủ yếu là mai nguyên liệu (mai trồng đất) ở huyện Bình Chánh.

TPHCM có vùng trồng mai tập trung ở quận Thủ Đức, huyện Củ Chi, quận 9 và gần đây là huyện Bình Chánh. Diện tích bonsai, kiểng là 222,1ha (chiếm 23%) - giảm 18,5% so với cùng kỳ, tập trung tại huyện Củ Chi, Bình Chánh, quận 12, Thủ Đức. Đứng thứ ba là hoa lan với gần 210ha (chiếm 22%) - giảm 1,9% so với cùng kỳ (do một số hộ ở Củ Chi ngưng sản xuất), chủ yếu là giống mokara và dendrobium vừa cắt cành vừa bán chậu, tập trung nhiều tại Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn, Thủ Đức.

Ngoài ra còn có hoa nền và các loại khác với hơn 79ha (chiếm 8%) - tăng 1,4% so với cùng kỳ, gồm cúc, vạn thọ, sống đời, mồng gà, hướng dương, dừa cạn, dạ yên thảo... Lượng hoa, kiểng phục vụ dịp Tết Mậu Tuất 2018 trên 605.000 chậu mai vàng, 4,6 triệu chậu lan, 5,7 triệu nhánh lan cắt cành, 5,2 triệu chậu hoa nền các loại và 1,5 triệu chậu bon sai, kiểng các loại.

Những cơn mưa trái mùa đã ảnh hưởng đến sự ra hoa đúng ngày tết của cây mai. Tại các vườn, mai đã nở hoa 10% - 30% số cây trong vườn và khoảng 20% - 25% số nụ trên cây đã nở. Các vườn trồng vạn thọ cũng bị ảnh hưởng nhưng không đáng kể. Đối với lan thì vẫn sinh trưởng phát triển tốt. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Củ Chi Lê Đình Đức, hoa lan tại vườn đã có người mua hết từ 1 - 2 tuần nay. 

Theo nhận định của Trung tâm Khuyến nông TPHCM, cây giống là một trong những yếu tố quan trọng để việc trồng hoa kiểng tết hiệu quả. Đối với những chủng loại như cúc mâm xôi, đại tỷ phú, hoa giấy, hoa trang…, bà con nông dân tự nhân giống bằng cách tách chồi để trồng và cung cấp cho các hộ lân cận. Những chủng loại giá trị cao như cát tường, cúc đồng tiền, chủ yếu là sử dụng cây giống từ nuôi cấy mô trong khu vực như Đồng Tháp, Tiền Giang, nhưng 2/3 nhu cầu là từ tỉnh Lâm Đồng.

Điểm nổi bật năm nay là nông dân được định hướng sản xuất theo từng vùng nhằm thuận lợi trong tiếp nhận, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, quảng bá, liên kết sản xuất và tiêu thụ... Đồng thời, tạo cảnh quan, đặc trưng riêng của từng khu vực, góp phần gắn sản xuất nông nghiệp với du lịch, nâng cao giá trị sản phẩm.

Là thị trường tiêu thụ hoa kiểng tết rất lớn, lượng hoa kiểng tết trồng ở các huyện ngoại thành không đáp ứng đủ nhu cầu đa dạng của người dân, do vậy TPHCM đã tổ chức các chợ hoa cấp TP và các điểm thuộc địa bàn của 19 quận - huyện để người sản xuất tiếp cận thị trường, là nơi mua bán thuận lợi, nên thu hút được người trồng đưa các loại hoa kiểng từ các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên (như Khánh Hòa, Bình Định, Lâm Đồng) và khu vực đồng bằng sông Cửu Long (Đồng Tháp, Bến Tre, Tiền Giang...) lên tham gia.

Năm nay, bà con nông dân các tỉnh miền Tây sản xuất cúc mâm xôi với lượng nhiều hơn các loại khác, nên dự báo giá cúc mâm xôi không tăng so với năm trước. Các loại hoa truyền thống như cúc đại đóa, vạn thọ, sống đời… sản lượng ít hơn mọi năm nên hút hàng và có thể tăng 10% - 20%.

Thị trường hoa, cây kiểng năm nay có sự cạnh tranh lớn với sản phẩm nước ngoài như hoa đổ quyên, thủy tiên, địa lan, hồ điệp… Các loại hoa này đã xuất hiện vào Tết Đinh Dậu 2017 và khá thu hút người dân.

Đến thời điểm này, lan dendrobium tại vườn bán giá 37.000đồng/chậu; lan mokara 100.000 - 150.000 đồng/cây 2 phát hoa; vạn thọ 15.000 đồng/chậu 1 cây, 45.000 đồng/chậu 3 cây. Lan hồ điệp các vườn nhập từ Lâm Đồng về với giá 140.000 đồng/chậu, bán ra giá từ 170.000 đồng đến hơn 200.000 đồng/chậu.

Tin cùng chuyên mục