Triển lãm trưng bày 13 tác phẩm, được hoạ sĩ Trần Trung Lĩnh dùng ngôn ngữ/bút pháp pop-art (tạm dịch: nghệ thuật đại chúng) để đưa Van Gogh về Sài Gòn, cùng ông dạo phố, sinh hoạt như người Sài Gòn.
Trần Trung Lĩnh theo đuổi phong cách pop-art với thủ pháp rất đặc trưng. Pop-art vốn rất hiện đại, hợp thời và phá cách, nhưng anh lại chịu ảnh hưởng nhiều của hội họa biểu hiện và chia sẻ với Van Gogh về cách bóp méo nhân vật rất đặc trưng. Màu sắc cũng vậy, những tông màu hoạ sĩ thường dùng là những tông màu mạnh.
Tác phẩm được trưng bày trong triển lãm. |
Và thứ ảnh hưởng rõ rệt nhất của Van Gogh lên Trần Trung Lĩnh là việc dùng các hình ảnh trong tranh của Van Gogh như là những pop-icon, để đưa vào một ngữ cảnh mới, câu chuyện khác. Các hình ảnh starry night, hoa hướng dương… được thể hiện dưới bút pháp impasto của Van Gogh trong tranh Trần Trung Lĩnh rất sống động.
Tác phẩm được trưng bày trong triển lãm |
Nói về cảm hứng để thực hiện bộ tranh này, hoạ sĩ Trần Trung Lĩnh kể: “Suốt quãng thời gian là sinh viên mỹ thuật, tôi lê la chép lại tranh của các danh họa như một phần của mưu sinh, dù đôi lúc cũng mang lại cảm giác chán ngấy và đáng ghét. Tôi chép tranh Van Gogh nhiều đến nỗi có bức chép đến “thuộc lòng”. Nhưng khi trưởng thành, đã rời bỏ chuyện chép tranh từ lâu, dần sống được với công việc sáng tạo, khi nhìn lại những năm tháng chép tranh đến chán chường ấy, tôi thấy đó vô tình lại là một kinh nghiệm quý báu… Để bây giờ, làm 13 tranh phái sinh này”.
Tác phẩm được trưng bày trong triển lãm. |
Hoạ sĩ Trần Trung Lĩnh sinh năm 1977 tại Hội An, Quảng Nam. Sau khi rời quê nhà vào học Đại học Mỹ thuật TPHCM, thì chọn thành phố này làm chốn định cư. Khoảng 5 năm sau đại học, con đường sáng tác mới bắt đầu. Qua một vài triển lãm trong nước, tại quê nhà, cũng như ở Bali (Indonesia), Trần Trung Lĩnh bắt đầu chuyển xu hướng sang trào lưu hội họa pop-art, chịu ảnh hưởng của Andy Warhol và Damien Hirst…