Chiều 1-12 đã diễn ra cuộc họp báo trước giờ khai mạc Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc 2020, hoạt động lớn của giới mỹ thuật được tổ chức 5 năm một lần nhằm tổng kết và đánh giá quá trình hoạt động sáng tạo, công bố các tác phẩm nghệ thuật xuất sắc của giới mỹ thuật Việt Nam. Ông Mã Thế Anh - Phó Cục trưởng Phụ trách Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm; Trưởng Ban Tổ chức Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2020 - cho biết, theo kiểm tra sơ bộ đã có 5 tác phẩm mỹ thuật bị hư hại và 1 tác giả đã quyết định rút tác phẩm không tham dự triển lãm.
Tại buổi họp báo, ông Mã Thế Anh cho biết, mỗi năm kinh phí dành cho tổ chức triển lãm và các sự kiện liên quan tới mỹ thuật, triển lãm, nhiếp ảnh là khoảng 9,6 tỷ đồng; riêng Cuộc thi và Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc 2020 do có quy mô rất lớn nên chiếm tới hơn 4 tỷ đồng. Tuy nhiên, để xảy ra các sự cố như tác phẩm nghệ thuật bị xước, theo ông Mã Thế Anh giải thích một phần do số lượng nhân viên có hạn, thêm nữa do cách thức cũng như quy trình tổ chức chấm từ lâu nay vẫn bộc lộ nhiều bất cập.
Chia sẻ tại buổi họp báo, nhà phê bình Phan Cẩm Thượng cho biết, chúng ta hoạt động vẫn rất nghiệp dư, chưa có công ty vận chuyển chuyên cho tác phẩm nghệ thuật. Chúng ta xếp vận chuyển tác phẩm nghệ thuật chung với vận chuyển hàng hóa. Người công nhân vận chuyển không quan tâm đến tác phẩm nghệ thuật mà coi đó là thùng hàng. Những tác phẩm bọc kính có khi vỡ, đâm cả vào mặt tranh. May mà lần này không có trường hợp như vậy.
Tương tự, cũng chưa có công ty chuyên về trưng bày. Những người tham gia việc trưng bày chỉ thuần bốc vác, treo, thậm chí không quan tâm đến tranh treo, có khi nóc của tranh vẫn lơ lửng cái đinh, cái dây...
Việc vận chuyển, trưng bày không chuyên nghiệp là thế, nghệ sĩ cũng không tham gia bảo hiểm tác phẩm.
Dù đã biết trước thông tin tác phẩm bị hư hại, song khi đến tận nơi nhìn “vết xước” trên tranh, họa sĩ Cao Nam Tiến không khỏi ngỡ ngàng, xót xa. Anh cho biết: “Đã từng tham gia nhiều triển lãm mỹ thuật, nhỏ có, lớn có nhưng tôi không thể ngờ một hoạt động lớn có quy mô như thế mà lại để ra sai sót này. Bức tranh này là tôi vẽ chính con gái mình”. Một vết xước ngang mặt nhân vật em bé, trung tâm của tác phẩm, cha đẻ của bức tranh rất buồn khi nói rằng khó có thể sửa chữa được…
Được biết, sau khi kết thúc trưng bày tại Hà Nội ngày 10-12, những tác phẩm đoạt giải và những tác phẩm được chọn treo của các tác giả phía Nam sẽ tiếp tục được trưng bày trong triển lãm cùng tên tại TPHCM vào ngày 22-12. Mặc dù lãnh đạo Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm khẳng định, một nhà chuyên vận chuyển cho các bảo tàng sẽ đảm nhận việc chuyển tranh nhằm đảm bảo sự vẹn toàn của các tác phẩm, song giới nghệ sĩ vẫn không tránh khỏi những lo lắng.
Với những sự cố đáng tiếc này, PSG - Họa sĩ Lê Anh Vân - Ủy viên Hội đồng Nghệ thuật chuyên ngành Hội họa, Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật Hội họa, Đồ họa, Nghệ thuật trình diễn, Video Art và các hình thức Nghệ thuật đương đại khác - cũng cho rằng, sau triển lãm ban tổ chức cần phải ngồi lại với các tác giả. “Bên cạnh thái độ cầu thị, rút kinh nghiệm sâu sắc, theo tôi cũng cần phải có những chia sẻ về mặt vật chất đối với các tác giả”, họa sĩ Lê Anh Vân nhấn mạnh.
Cũng từng là “nạn nhân” của một số cuộc triển lãm trước đó, họa sĩ Lê Anh Vân cho rằng, rất cần thiết phải có đội ngũ tổ chức triển lãm, vận chuyển mỹ thuật chuyên nghiệp để các họa sĩ có thể an tâm gửi gắm tác phẩm của mình.
Ban Tổ chức đã nhận được tổng số 3.571 tác phẩm của 1.382 tác giả từ 58/63 tỉnh, thành phố gửi về tham dự. Trong đó, Hội đồng Nghệ thuật đã lựa chọn ra 497 tác phẩm của 483 tác giả để trưng bày. Đồng thời chọn ra 29 tác phẩm xuất sắc để trao giải thưởng gồm 6 giải Nhì, 11 giải Ba và 12 giải Khuyến khích. |