Họa sĩ Phạm Thanh Tâm: Nhiệt huyết mới có tác phẩm nghệ thuật

Hơn 20 tuổi, họa sĩ Phạm Thanh Tâm có mặt trong đoàn quân bao vây Điện Biên Phủ và 55 ngày sau, ông đã chứng kiến những giây phút đồng đội tiến công kết liễu cứ điểm này. Những năm 60 của thế kỷ trước, ông đi chiến trường B và 30-4-1975 cùng đồng đội tiến vào Sài Gòn. Khác với những người lính khác, cây súng của Phạm Thanh Tâm là những ngòi bút sắt. Nhiều tác phẩm của ông đã trở nên nổi tiếng như Xuân trong hầm pháo Điện Biên, Ngày xưa Quảng Trị… Ngoài ra ông còn nổi tiếng với nhiều sáng tác tranh vui về các lực lượng vũ trang, tình quân dân… Nay ở tuổi hơn 70, ông vẫn tiếp tục sáng tác với nỗi khắc khoải về món nợ với quá khứ.
Họa sĩ Phạm Thanh Tâm: Nhiệt huyết mới có tác phẩm nghệ thuật

Hơn 20 tuổi, họa sĩ Phạm Thanh Tâm có mặt trong đoàn quân bao vây Điện Biên Phủ và 55 ngày sau, ông đã chứng kiến những giây phút đồng đội tiến công kết liễu cứ điểm này. Những năm 60 của thế kỷ trước, ông đi chiến trường B và 30-4-1975 cùng đồng đội tiến vào Sài Gòn. Khác với những người lính khác, cây súng của Phạm Thanh Tâm là những ngòi bút sắt. Nhiều tác phẩm của ông đã trở nên nổi tiếng như Xuân trong hầm pháo Điện Biên, Ngày xưa Quảng Trị… Ngoài ra ông còn nổi tiếng với nhiều sáng tác tranh vui về các lực lượng vũ trang, tình quân dân… Nay ở tuổi hơn 70, ông vẫn tiếp tục sáng tác với nỗi khắc khoải về món nợ với quá khứ.

- PV: Ở cái tuổi được coi là “thất thập cổ lai hi”, họa sĩ vẫn tiếp tục sáng tác?

Họa sĩ Phạm Thanh Tâm sáng tác một bức họa về vùng đất Campuchia.

Họa sĩ Phạm Thanh Tâm sáng tác một bức họa về vùng đất Campuchia.

Họa sĩ PHẠM THANH TÂM: Tôi là một họa sĩ, nếu không sáng tác ra các tác phẩm nghệ thuật thì còn làm gì đây. Có điều, sức khỏe bây giờ đã kém nhiều nên không thể thực hiện những bức vẽ lớn mà phải tự giới hạn mình với các tác phẩm có kích thước nhỏ. Cứ thử nghĩ ở tuổi tôi mà hì hục vác những bức tranh dài đến 1 hay 2 mét thì quả là tự làm khó mình. Còn về đề tài, thì từ năm 18 tuổi tôi nhập ngũ đến nay tôi đều sống, chiến đấu, sáng tác về đề tài người lính, cuộc sống, tình quân dân trong chiến tranh.

Đến bây giờ, đề tài quân đội vẫn tràn đầy trong tôi, thậm chí có những lúc, tôi cảm thấy như mình đang mắc nợ với lịch sử khi đã được là nhân chứng của những sự kiện quan trọng trong lịch sử đất nước, nhưng vẫn chưa thể kể lại hết bằng các tác phẩm hội họa. Điều đó thôi thúc tôi cố gắng cầm cọ vẽ để tiếp tục sáng tác những tác phẩm kể lại cho mai sau về một thời máu lửa đầy hào hùng của dân tộc.

- Nhiều ý kiến cho rằng sau thế hệ của các nghệ sĩ trải qua chiến tranh, chúng ta sẽ bị hụt hẫng những sáng tác về quá khứ đấu tranh của dân tộc khi thế hệ sau ít biết về cuộc chiến đã qua. Ông nghĩ sao?

Đó là một điều hết sức tự nhiên, tuy nhiên không hẳn cứ phải trải qua chiến tranh là viết, vẽ hay về chiến tranh. Nếu thế thì Tolstoy chẳng thể nào sáng tác được Chiến tranh và hòa bình vì khi ông sinh ra thì cuộc chiến Nga-Pháp của Napoleon đã kết thúc từ lâu. Thực tế, chính nhờ vào khoảng cách thời gian đó đã khiến cho người nghệ sĩ có được sự chiêm nghiệm cần thiết với những sự kiện lịch sử, để từ đó có cái nhìn tổng quát hơn, trọn vẹn hơn.

Thế nhưng, ở đây cũng cần nhìn nhận vai trò của thế hệ nghệ sĩ chúng tôi, những nhân chứng trực tiếp. Ưu thế lớn nhất của chúng tôi là tính chân thật và gần gũi. Có ở chiến trường mới biết sự quý giá của những phút giây yên tĩnh, thấy giá trị của ánh hoàng hôn yên bình sau trận đánh, thấy ánh chói lòa của lửa đạn chiến tranh làm vàng rực cả khung tranh…

Theo tôi, sẽ là một sự bổ sung, phối hợp hoàn mỹ khi thế hệ nghệ sĩ trải qua chiến tranh lưu lại những giây phút chân thật của cuộc chiến, thế hệ trẻ kế thừa những tư liệu đó và nâng các tác phẩm nghệ thuật về cuộc kháng chiến của dân tộc ta lên một tầm cao mới.

- Các họa sĩ hay nói chung là văn nghệ sĩ trẻ hiện nay dường như ít mặn mà với đề tài chiến tranh. Theo ông, phải làm gì để họ có thể kế thừa di sản nghệ thuật của lớp cha ông?

Trong hội họa hay trong bất cứ một lĩnh vực sáng tác nghệ thuật nào người nghệ sĩ cũng rất cần có độ “ngấm”. Có “ngấm” được mới có thể có được tác phẩm hay, đẹp. Mà để “ngấm” được lại cần rất nhiều yếu tố, từ sự trải nghiệm, quá trình tích lũy kiến thức, sự hiểu biết, trui rèn năng lực chuyên môn… Và để có được tất cả những cái đó đòi hỏi sự nhiệt huyết rất cao đối với đề tài mà người nghệ sĩ lựa chọn.

Nếu nói các bạn trẻ ngày nay cần gì để có được sáng tác hay thì theo tôi chính là nhiệt huyết. Không phải chỉ với đề tài chiến tranh, quân đội mà với bất cứ đề tài nào khác cũng vậy, thiếu đi sự nhiệt huyết sẽ không thể có được một tác phẩm hay, sống mãi với thời gian.

- Chân thành cảm ơn họa sĩ.

Đại tá, họa sĩ Phạm Thanh Tâm từng tham gia chiến dịch Điện Biên với tư cách là phóng viên trung đoàn sau đó là đại đoàn. Kháng chiến chống Mỹ ông đi B cũng với tư cách người lính, nhà báo, họa sĩ.

Ông có mặt tại nhiều chiến dịch lớn như Khe Sanh, Quảng Trị, chiến dịch Hồ Chí Minh… và đã sáng tác rất nhiều tác phẩm. Năm 1978 ông làm Giám đốc Xưởng Mỹ thuật quân đội, sau đó làm cố vấn cho Bảo tàng Quân đội trước khi về hưu.

Năm 2005, cuốn nhật ký ông viết tại Điện Biên Phủ được NXB Asia Ink xuất bản tại Anh với nhan đề Drawing under Fire (Vẽ dưới lửa đạn). Đây là cuốn sách đầu tiên của một người lính Việt Minh tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ được xuất bản tại Anh. Tác phẩm này sau đó còn được dịch ra tiếng Pháp và nổi tiếng với trang nhật ký được minh họa bằng các bức tranh ký họa được vẽ trực tiếp trên chiến trường.

Tường Vy

Tin cùng chuyên mục