Là một trong số những sinh viên xuất sắc của Trường Đại học Mỹ thuật TPHCM, nhưng Đan vẫn cảm thấy chưa hài lòng với những gì đã học được. Cô quyết định sang Nga học thêm về hội họa. Năm thứ 3 ở Nga, cô nhận được lời đề nghị của thầy hướng dẫn, bảo vệ cùng lúc bằng cử nhân và thạc sĩ trong năm. Năm 2005, Nguyễn Ngọc Đan tốt nghiệp thạc sĩ loại xuất sắc tại Học viện Hàn lâm quốc gia mỹ thuật Surikov, Moscow.
Vẽ trong giai đoạn chông chênh nhất đời mình
* PHÓNG VIÊN: Hội họa là lĩnh vực rất đặc thù, số nghệ sĩ thành công không nhiều. Là phụ nữ theo đuổi hội họa, đâu là những thử thách mà chị gặp phải?
- Họa sĩ NGUYỄN NGỌC ĐAN: Hội họa Việt Nam nói riêng và hội họa thế giới nói chung, vai trò của nữ nghệ sĩ bị đánh giá thấp, dù thành tựu nghệ thuật của họ chẳng kém gì cánh mày râu. Đó là một nghịch lý tồn tại từ rất lâu trong giới nghệ thuật. Từ những trải nghiệm của riêng mình, tôi nhận thấy phụ nữ trong quá trình sáng tạo gặp rất nhiều khó khăn.
Sáng tạo, bất kỳ ai cũng biết, đó là hành trình liên tục, không ngừng nghỉ, chứ không phải ngày một ngày hai.Bạn không thể vẽ một, hai bức tranh là thành công. Nó đòi hỏi ở phụ nữ nhiều sự đầu tư thời gian, công sức, tiền bạc… thậm chí là hy sinh hạnh phúc cá nhân.
Hầu như tất cả nữ nghệ sĩ đều phải trải qua quãng thời gian lập gia đình, sinh con, bận rộn với việc kiếm tiền. Ít nhất, họ mất khoảng 10 - 15 năm mới có thể toàn tâm toàn ý cho công việc. Đó lại là quãng thời gian sung sức nhất trong nghệ thuật. Cá nhân tôi, không biết có phải là may mắn, nhờ vẫn còn độc thân nên có thể tập trung hết sức cho đam mê của mình.
* Hay là vì chị yêu hội họa quá nên chần chừ lập gia đình?
- Có lẽ, hội họa nhiều duyên nợ với tôi hơn là những mối tình (cười). Tình yêu, những mối lương duyên đến rồi đi. Chỉ có hội họa bầu bạn cùng tôi từ thời hoa niên, vào đại học và đến tận hôm nay. Đã có quãng thời gian, tôi xa rời hội họa, lao vào dòng xoáy cơm áo, gạo tiền như 9 năm tại Nga. Thế nhưng, tĩnh tâm nhìn lại, tôi cảm thấy hội họa là con đường duy nhất mình có thể đi.
* Điều gì đã kéo chị quay lại với hội họa?
- Khoảng thời gian buồn thảm nhất, cô độc nhất và không thể tìm kiếm sự sẻ chia, tôi đã trở lại với hội họa. Năm 2011, từ Nga về lại TPHCM, tôi cảm thấy chênh vênh, mất phương hướng. Tôi không biết làm gì để sống, bắt đầu từ đâu, trao đổi với ai. Mọi mối quan hệ trước kia đều mất đi, bởi mình đã đi vắng một quãng quá lâu.
Bạn bè đồng trang lứa đều đã có cuộc sống riêng. Rồi thói quen sinh hoạt, môi trường sống… khác biệt, mọi thứ gần như đảo lộn hết. Lúc đó, tôi chỉ nghĩ đến vẽ. Đứng trước tấm toan trắng, tôi cảm thấy được chia sẻ, trút nỗi lòng của mình, đối mặt với nội tâm mình. Tôi dùng hội họa như một cơ hội để giãi bày.
* Chị có nghĩ rằng sự lựa chọn trở về khiến chị mất đi nhiều cơ hội. Nếu chị tiếp tục vẽ, khả năng giới thiệu tác phẩm đến công chúng quốc tế vẫn cao hơn?
- Giai đoạn đầu về Việt Nam, nhiều lần tôi tự hỏi, liệu đó có phải là quyết định đúng đắn. Nhưng đến thời điểm này, tôi càng thấy lựa chọn của mình là đúng. Điều kiện xã hội, nhịp sống ở Việt Nam trở thành chất xúc tác, thúc đẩy và cho tôi nhiều cảm hứng sáng tác hơn lúc ở Nga. Tôi không quen với việc chỉ đơn thuần vẽ phong cảnh như nhiều họa sĩ châu Âu, tôi muốn tranh của mình phản ánh những ưu tư của bản thân, ý nghĩa xã hội.
* Ngược thời gian, lúc quyết định rời Việt Nam sang Nga, chị nghĩ gì?
- Giai đoạn đó, tôi vừa hoàn tất việc học ở trường mỹ thuật, cứ có cảm giác chưa đủ, chưa nắm vững kỹ thuật sơn dầu dù được thầy cô đánh giá rất cao... Khi được một người thầy tặng chiếc đĩa chứa những bức tranh của Bảo tàng Louvre (Pháp), sự thôi thúc “mình phải đi” lớn dần, đi đến tận nơi để xem hội họa hàn lâm như thế nào. Ít nhất phải nắm vững được kỹ thuật và có nền tảng vững chắc, chỉ đến khi như vậy mới có thể tự tin tìm một hướng đi riêng biệt, thay vì vẽ bản năng.
Sự khác biệt chính là sáng tạo
* Hội họa hiện đại Việt Nam vẫn chưa có được tiếng nói mạnh mẽ, khi các tranh xuất hiện tại các sàn đấu giá đa phần đến từ những danh họa trước 1975. Cá nhân chị là một họa sĩ trẻ, từng hỗ trợ nhiều người trẻ đem tranh đi các triển lãm nước ngoài, chị nghĩ gì về vấn đề này?
- Hội họa đương đại Việt Nam hiện tại, theo tôi khá phát triển. Họa sĩ trẻ ở cả hai miền rất nhiều, nhưng để tìm được một phong cách, đặc điểm riêng về nghệ thuật thì các bạn trẻ đang loay hoay. Nhiều bạn nhận thấy vẽ phong cảnh, vẽ phố, sơn mài kiểu hiện thực đang bán chạy thì đua nhau chạy theo, rồi lặp lại xu hướng đó. Điều đó không xấu vì nó cũng là hướng đi để các bạn bán được tranh, duy trì và đảm bảo được cuộc sống, từ đó mới có thể tiếp tục sáng tạo.
Tuy nhiên, có mặt lợi thì cũng có mặt hại. Khi quá sa đà vào tranh thương mại, sẽ dễ đánh mất tố chất nghệ thuật. Tranh đương đại là tranh mà ở đó họa sĩ truyền được cảm xúc cá nhân, suy nghĩ, tư tưởng từ cuộc sống xung quanh của họ vào từng nét vẽ. Đó không phải là những bức tranh đèm đẹp, nịnh mắt. Một khi đã định hình thành phong cách, không cần ký tên, người xem vẫn biết đó là tranh của họa sĩ nào.
* Có khó không để định hình phong cách cá nhân với một họa sĩ trẻ?
- Cái riêng đó đòi hỏi người họa sĩ phải trải qua một quá trình rèn luyện, cảm thụ. Chẳng hạn, cũng là tĩnh vật hoa nhưng cách tôi nhìn bông hoa đó, nhấn nhá chi tiết và thể hiện sự khác biệt, vậy đã là tạo dựng được phong cách riêng. Người xem tranh nhìn vào cảm thấy nó phù hợp với cái chất của họa sĩ, đó đã là sáng tạo. Chứ không phải vẽ một cái gì đó thật quái, thật lạ, không ai hiểu mới là sáng tạo.