PV Báo SGGP đã có cuộc trò chuyện cùng họa sĩ về những suy tư văn hóa trong đời sống và hội họa.
* PHÓNG VIÊN: Một điều dễ nhận thấy là những tác phẩm của anh đều đề cập đến văn hóa. Anh cũng cho rằng, văn hóa truyền thống và văn hóa hiện đại ở Việt Nam trong giai đoạn này đang có nhiều xung đột, một giai đoạn văn hóa chưa định hình. Vì sao?
* Họa sĩ NGUYỄN MINH NAM: Theo góc nhìn của tôi, có thể thấy được 2 luồng văn hóa truyền thống và hiện đại cùng tồn tại trong một không gian sống. Những người trẻ có văn hóa hướng ngoại, còn thế hệ ông bà, cha mẹ thì gìn giữ văn hóa hướng nội. Vấn đề này đã tạo nên sự xung đột nhẹ nhưng cũng không kém phần nhức nhối trong mỗi nhà, từ cách sinh hoạt thường ngày đến ứng xử, giao tiếp với cộng đồng của các thế hệ trong gia đình. Do vậy tôi nghĩ, chúng ta vẫn đang đi tìm tiếng nói chung trong giai đoạn này.
* Sau giải thưởng cao nhất của cuộc thi “Họa sĩ trẻ chuyên nghiệp Vietart today”, đã có thay đổi gì trên con đường hoạt động nghệ thuật của anh?
* Sau cuộc thi, nhà tổ chức đã tạo điều kiện cho tôi và một số họa sĩ được giải đi thưởng lãm hội chợ nghệ thuật Art Fair tại Singapore. Ở đây, tôi có cơ hội kết nối và trò chuyện với một số chủ gallery. Chúng tôi đã có nhiều hứa hẹn cho sự hợp tác và các dự án nghệ thuật về sau này. Chúng tôi được đi thăm các viện bảo tàng nghệ thuật nổi tiếng. Tôi rất bất ngờ khi thấy tranh của các họa sĩ Việt Nam mình được trưng bày rất trang trọng tại đây. Tôi nhớ nhất là 3 tác phẩm của họa sĩ Trương Tân, một người anh, một họa sĩ rất thân thiện, người có phong cách nói chuyện rất gần gũi và ấm áp. Sau chuyến đi, tôi có thêm nhiều ý tưởng mới và có cảm xúc thoải mái hơn khi tìm ý tưởng nghệ thuật.
Chẳng hạn như, mùa hè năm đó, tôi đã thực hiện một bức tranh có tên Nghĩ về ai. Tôi vẽ sơn dầu trên lụa. Khác với những họa sĩ khác vẽ lụa, tôi đã vẽ cả 2 mặt của tấm lụa. Đó là bức tranh tôi vẽ tự họa mình đang ngồi trong một ngôi nhà cổ bảy gian xưa cũ và đã hư hỏng. Mặt bên này tôi vẽ phần lưng, còn mặt bên kia tôi lại vẽ phần mặt. Khi bạn nhìn vào 2 mặt của bức tranh, bạn sẽ thật khó để biết rằng tôi đã làm như thế nào để vẽ được phần lưng lẫn phần trước mặt mà lại trùng khớp trong một hình thể. Bức tranh này đã được trưng bày tại triển lãm chân dung tự họa Khả thể do Dogma Collection tổ chức. Sau triển lãm, bức tranh thuộc về bộ sưu tập của Dogma Collection.
* Là người đã tham gia một số triển lãm, hội chợ nghệ thuật ở nước ngoài, theo anh, đâu là thuận lợi, đâu là khó khăn của họa sĩ trẻ Việt Nam khi tiếp cận với thị trường nghệ thuật các nước?
* Theo tôi thấy, thuận lợi thì ít mà khó khăn thì nhiều. Khó khăn đối với họa sĩ trẻ Việt Nam là không có nhiều cơ hội đi ra nước ngoài, cơ hội tiếp xúc trực tiếp với nghệ thuật đương đại, cũng như tiếp xúc với nghệ thuật căn bản của phương Tây hầu như không có. Đó là khó khăn rất lớn để họa sĩ trẻ khi tiếp cận với thị trường nghệ thuật thế giới. Một cái khó nữa là khả năng nói tiếng Anh của các họa sĩ còn hạn chế.
* Theo anh, các nhà sưu tập quốc tế nhận xét gì về họa sĩ trẻ trong nước?
* Khi nhận định về họa sĩ trẻ Việt Nam, một số nhà sưu tầm nghệ thuật nước ngoài có chia sẻ với tôi rằng, họa sĩ trẻ trong nước có tình yêu đam mê nghệ thuật, có kỹ thuật và có tay nghề tốt. Việt Nam có những họa sĩ rất tài năng, bộc lộ được tư duy sáng tạo mang đậm văn hóa Việt Nam, tinh thần Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có nhiều họa sĩ khả năng sáng tạo chưa tốt, họ vẽ khá giống nhau, tư duy cũng giống nhau, chưa thật sự có nhiều sự bứt phá, nổi trội.
* Nghe nói, anh định tổ chức triển lãm trong năm nay. Ở lần này, nội dung và hình ảnh
nghệ thuật có gì thay đổi?
* Từ giờ đến cuối năm, tôi dự định trưng bày tranh tại Hà Nội. Cũng phải đến 5 năm rồi tôi chưa có cuộc trưng bày nào ở đây. Lần ra mắt này sẽ có một chút thay đổi về nội dung. Trong một năm trở lại đây, tôi cũng suy nghĩ nhiều về thông điệp cũng như giá trị nghệ thuật trong tranh của mình. Tôi nghĩ, nếu những bức tranh của tôi vẽ ra chưa đem lại giá trị thẩm mỹ một cách chính xác của ngôn từ “thẩm mỹ”, nghĩa là tôi đang vẽ ra những bức tranh xấu, mà tranh xấu thì có nhiều tác hại cho người xem. Chính vì vậy, nó đã thay đổi hoàn toàn quan niệm của tôi về nghệ thuật nói chung và hội họa nói riêng.
Thông qua những bức tranh ra mắt sắp tới đây, tôi muốn gửi đến người xem thông điệp về vẻ đẹp của đặc tính chân - thiện - nhẫn. Đó chính là vẻ đẹp lớn nhất của nhân loại mà bấy lâu nay trong xã hội hiện đại, nhiều người đã dần quên đặc tính này và tôi cho rằng nó chính là vẻ đẹp quan trọng nhất trong hội họa của tôi. Với tôi, hội họa là một phần của mỹ thuật, mà mỹ thuật thì phải đem đến cái đẹp cho con người, cho cuộc sống.
Nguyễn Minh Nam sinh năm 1978, tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Việt Nam năm 2008. Từ năm 2005 đến nay, anh đã có 7 triển lãm cá nhân tại Việt Nam và Đức; tham gia 13 triển lãm nhóm trong nước và quốc tế tại Berlin (Đức), New York (Mỹ). Năm 2017, anh đoạt giải nhất cuộc thi Họa sĩ trẻ chuyên nghiệp Vietart Today lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam. Hiện anh đang sống và làm việc tại Hà Nội. Tranh của Nguyễn Minh Nam nằm trong bộ sưu tập của các nhà sưu tập trong nước và quốc tế. |