Màu của ký ức
Trong ký ức của những người thân, Anh Đào yêu thích hội họa từ những ngày thơ bé. Lúc nào trong tay cô bé cũng là bút vẽ, những hình ảnh minh họa trong truyện cổ tích như bé mèo, chú heo, nàng Bạch Tuyết hay bảy chú lùn… thường được cô bé hí hoáy vẽ lại. Thế nhưng, người cha lại mong muốn con gái trở thành bác sĩ, mà đâu ngờ rằng, mỗi khi nhìn thấy máu là mặt mũi cô bé tái xanh!
Học hết phổ thông, niềm mơ ước sâu thẳm năm nào vẫn vẹn nguyên, nhưng hoàn cảnh gia đình khó khăn, Anh Đào đành rẽ lối. Cô chọn con đường sư phạm, ngành sư phạm mỹ thuật, bởi đơn giản là vừa “không tốn học phí, sẽ đỡ gánh nặng cho gia đình”. Những lần được đi xem triển lãm mỹ thuật, xem các phòng tranh ở khu trung tâm thích đến mê tơi, đêm về không ngủ được, Anh Đào tự nhủ, hay là mình đi học thêm vẽ? Rồi người ta thấy cô vừa dạy, vừa cắp cặp đến Hội Mỹ thuật TPHCM học. Được người thầy đầu tiên là họa sĩ Lê Quang Luân tận tình chỉ dẫn, Anh Đào như được tiếp thêm sức sống.
Có lần, một thầy dạy nói với Anh Đào: “Em vẽ gì thì vẽ, nó cũng ra sơn mài, bởi màu tranh em là màu của ký ức”. Cô như tìm được chính mình với dòng tranh truyền thống. Rất nhiều tác phẩm của Anh Đào đã khiến người thưởng lãm ngỡ ngàng, được đón nhận nồng nhiệt và giới chuyên môn đánh giá cao, từ loạt tranh Sen, loạt tranh Vũ điệu cá, loạt tranh Địa đàng, loạt tranh Hoa, Rừng thu, Mùa thay lá, Dòng sông mùa thu, Thuyền trăng, Đêm trăng, Bình minh trên quê hương đến Vườn địa đàng…
Tìm được chính mình
Cô họa sĩ vóc người nhỏ nhắn không giấu nỗi niềm: “Lần đầu tiên làm quen với sơn mài mình đã yêu luôn. Từng mảng màu thâm trầm của nâu chàm, xanh lục trộn lẫn với vàng, bạc, vỏ ốc... như cuốn lấy khiến mình không thể rời mắt, thôi thúc mình theo đuổi đến cùng và càng ngày đam mê nhiều hơn”. Tôi thắc mắc, đã đi bằng đường vòng sao lại còn chọn lối đi quá khó như sơn mài? Cô cười tươi: “Dù đi đường vòng nhưng tôi đã đến đích. Lối đi khó nhưng đó là lối đi tôi yêu thích, bởi nơi đó có những không gian, thời gian, sắc màu mà tôi muốn đến với tất cả niềm hứng khởi, cảm xúc thăng hoa”. Cô nói thêm: “Sơn mài là chất liệu truyền thống của Việt Nam nên tôi muốn được giới thiệu nghệ thuật sơn mài cho các họa sĩ và người yêu nghệ thuật nước bạn mỗi dịp có cơ hội triển lãm ở nước ngoài. Hầu hết các bạn rất thích”.
Vượt mọi khó khăn, nỗ lực của cô đã mang đến những quả ngọt đầu tiên. Năm 2012, lần đầu tiên tranh Anh Đào được triển lãm tại một gallery ở Singapore. Cũng năm đó, tại triển lãm Họa sĩ nữ quốc tế (Việt Nam đăng cai, diễn ra tại TPHCM), Anh Đào là một trong 3 gương mặt nữ được chú ý. Chọn mua tranh của cô là một nhà sưu tập quốc tế đến từ Hồng Công (Trung Quốc), mua một lúc gần 20 bức tranh, treo trang trọng trong một biệt thự tại TPHCM. Năm 2013, lần thứ hai tranh của cô đến Singapore qua triển lãm Art fairs. Một nhà sưu tập cũng là chủ gallery tại Singapore ngỏ ý tổ chức một triển lãm cá nhân cho cô trong năm.
Bao nhiêu dự tính rộn ràng, nhưng biến cố mất mẹ bất ngờ ập đến. Cú sốc tinh thần khiến một thời gian Anh Đào không thể sáng tác và cô xoay qua làm đủ việc như thiết kế, trang trí quán cà phê, mở phòng tranh chuyên trang trí cho nhà hàng, khách sạn…
“Tôi được là chính mình khi đến với hội họa, được vẽ tranh như mình yêu thích, kiếm sống được bằng nghề, đi được nhiều nơi. Nhưng tôi còn phải cố gắng nhiều nữa từ kỹ năng chuyên môn hội họa, tiếng Anh, đến kỹ năng giao lưu, nói chuyện trước đám đông… để vượt qua chính mình. Tôi thấy mình có nhiều động lực. Sắp 40 tuổi, nhưng tôi nghĩ mình vẫn mới bắt đầu”, Anh Đào tâm sự.
Anh Đào chia sẻ, các nhà sưu tập quốc tế dành lời khen và đánh giá rất cao tác phẩm của nghệ sĩ trẻ Việt Nam. Tuy nhiên, nghệ sĩ trẻ lại ít cơ hội thể hiện và chưa có những nội dung đột phá đương đại để tạo ấn tượng. Hãy cứ vẽ như là mình thở vậy. Hãy gieo cho mình những hạt mầm và hàng ngày chăm sóc, rồi cây sẽ ra hoa kết trái.
Từ năm 2010 đến nay, Nguyễn Anh Đào đã tham gia trên 25 triển lãm mỹ thuật trong nước và 12 cuộc triển lãm quốc tế. Cô hiện là Phó Trưởng ngành Trang trí mỹ thuật - Hội Mỹ thuật TPHCM, hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, hội viên Hội Mỹ thuật nữ quốc tế. |