* PHÓNG VIÊN: Việc có một không gian riêng cho mỹ thuật đương đại có ý nghĩa như thế nào, thưa họa sĩ?
* Họa sĩ LƯƠNG XUÂN ĐOÀN: Trước đây, tác phẩm mỹ thuật đương đại chỉ trưng bày đan xen tại các triển lãm, bảo tàng, trong không gian sơn mài, sơn dầu, lụa… mà chưa có một không gian riêng. Nay, việc dành không gian lớn, riêng biệt cho mỹ thuật đương đại cho thấy sự đi trước đổi mới của mỹ thuật. Đây có thể được coi là bước đột phá đầy khích lệ cho người làm nghệ thuật. Những nỗ lực của nghệ thuật đương đại đối với mỹ thuật Việt Nam đã dần được ghi nhận.
Với tác phẩm mỹ thuật của các họa sĩ, nhà điêu khắc nổi tiếng Việt Nam từ những năm 1980 trở lại đây, không gian trưng bày này giúp công chúng có những cảm nhận liền mạch, đầy đủ về nghệ thuật và thông điệp cuộc sống qua các tác phẩm.
Từ đó, thấy được sự kế thừa, phát triển để có cái nhìn toàn diện hơn về nền mỹ thuật Việt Nam đương đại. Việc trưng bày với không gian mở cũng là cách phù hợp để có thể hình dung về mỹ thuật thời kỳ đổi mới. Đây cũng là gợi ý cho người xem, cộng đồng nghệ sĩ về những chuyển động, thay đổi của mỹ thuật trong nước thời gian tới.
* Không gian riêng cho mỹ thuật đương đại được ví như món quà của các nghệ sĩ, song hành trình “bước” vào bảo tàng vẫn còn gặp nhiều trắc trở, nhiều nghi ngại?
* Việc thừa nhận, chấp nhận ngay những cái mới không bao giờ dễ dàng mà cần thời gian để thử thách; mỹ thuật đương đại cũng như vậy. Trong thực tế, mỹ thuật luôn có những bước đi trước đổi mới. Ngay từ cuộc Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 1976, mỹ thuật đã ghi một dấu ấn đầu tiên, qua bức tranh Tan ca mời chị em ra họp để thi chọn thợ giỏi (năm 1976) của cố danh họa Nguyễn Đỗ Cung.
Hình tượng nữ công nhân trong bức tranh cho thấy dấu hiệu bắt đầu của sự thay đổi trong quan niệm và khuynh hướng sáng tác. Và bức tranh cũng là tín hiệu cho thấy mỹ thuật đã đi trước một chặng đường 10 năm.
Đến thập niên 80 của thế kỷ XX, mỹ thuật đã có những bước phát triển rực rỡ. Khi ấy, những người theo trường phái mỹ thuật Đông Dương đã chấp nhận sự ảnh hưởng của nghệ thuật phương Tây hiện đại vào mỹ thuật Việt Nam. Các khuynh hướng sáng tác của chất liệu truyền thống như sơn mài, lụa… cũng được các tác giả thay đổi. Đặc biệt, câu chuyện xã hội Việt đang thay đổi như thế nào được thể hiện tại không gian này, với hội họa hiện thực, hội họa trừu tượng, hội họa siêu thực...
* Việc vượt qua những rào cản không dễ dàng ấy, có là một thử thách?
* Cũng có một thời gian dài nghệ thuật đương đại với các loại hình như hội họa, video art, nghệ thuật trình diễn, điêu khắc, sắp đặt... bị “lờ” đi vì không gian nghệ thuật dành cho các tác phẩm ấy, đòi hỏi nhiều thiết kế đặc thù về ánh sáng, về diện tích… và có cả rào cản trong các nhìn nhận tác phẩm mới.
Lần này, việc có một không gian riêng ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam là tín hiệu rõ rệt của làn sóng đổi mới, cho thấy đã có sự thay đổi nhận thức, thay đổi quan niệm, thay đổi cách ghi nhận tài năng của những người trẻ. Tuy nhiên, đây mới chỉ là sự khởi đầu.
* Đã một thời gian dài và ngay tại thời điểm này, nhiều người vẫn có quan niệm rằng, cái gì khó hiểu thì đều là nghệ thuật đương đại. Phải chăng đây cũng là một trong những rào cản để mỹ thuật đương đại tiếp cận với công chúng?
* Mỹ cảm của người Việt mang nặng tính truyền thống, nên thay đổi lại nhận thức, thẩm mỹ, thói quen thẩm mỹ cũng như mỹ cảm truyền thống không phải dễ dàng. Các tác phẩm đương đại mang đầy giá trị hiện thực bởi các nghệ sĩ cũng đang sống trong xã hội của hiện tại.
Tuy nhiên, các dịch mã, cách thể hiện câu chuyện, đời sống, phong cảnh nội tâm của mình ra sao trong tác phẩm hội họa là cá tính sáng tạo riêng của nghệ sĩ. Chúng ta luôn tôn trọng sự khác biệt trong sáng tạo, song cũng cần phân biệt tác phẩm đương đại với “rác” mỹ thuật, mạo danh nghệ thuật. Việc trưng bày này cũng để công chúng có cái nhìn ít mơ hồ hơn với mỹ thuật đổi mới.
* Nhiều người kỳ vọng việc các tác phẩm mỹ thuật đương đại xuất hiện trong bảo tàng sẽ góp phần ngăn chặn được vấn nạn “chảy máu” mỹ thuật đã được đưa ra nhiều lần?
* Mỹ thuật đổi mới thập niên 1980, 1990 của thế kỷ XX cũng từng xảy ra hiện tượng “chảy máu” nghệ thuật. Khi đó, một phần do kinh phí eo hẹp, phần do ngần ngừ, thiếu quyết đoán mà nhiều tác phẩm tốt của mỹ thuật thời kỳ ấy đã được các nhà sưu tập, bảo tàng nước ngoài mua. Rất nhiều tác phẩm mỹ thuật xuất sắc của Việt Nam thời kỳ ấy đã được Bảo tàng Nghệ thuật hiện đại Singapore mua và lưu giữ.
Tôi cũng mong từ sự kiện này, các bảo tàng sớm có điều chỉnh, bổ sung thêm kinh phí về lưu giữ các tác phẩm mỹ thuật đương đại. Nghệ sĩ dù rất vinh dự khi có tác phẩm được bảo tàng sưu tập, song họ cũng không dễ dàng chấp nhận bán “rẻ” tác phẩm của mình. Tôi mong mỹ thuật đương đại sẽ không phải đi vào vết xe đổ đó nữa. Nếu còn chần chừ, vẫn giữ nếp nghĩ cũ, thì có lẽ các tác phẩm xuất sắc sẽ lại bay mất và các bảo tàng lại “rỗng tay”