Họa sĩ Dương Tuấn Kiệt thi vào Trường Cao đẳng Mỹ thuật Gia Định từ năm 1959. Học dự bị một năm, do không trả nổi tiền nhà trọ, tiền ăn học, anh học trò nghèo xin thôi học. Công việc kiếm sống của ông bắt đầu từ nghề vẽ phông nền cho các gánh hát cải lương và vẽ panô quảng cáo phim cho các rạp xinê ở Sài Gòn vào thập niên 60, 70…
Người vẽ panô cải lương
Trầm lặng, ít nói nhưng khi trò chuyện, Dương Tuấn Kiệt rất cởi mở, ông kể lại niềm đam mê vẽ từ lúc còn là cậu học trò tiểu học. Hồi nhỏ, ông đã “tự sáng tác” truyện tranh và “tự phát hành” cho bạn bè trong lớp coi giải trí. Lớn lên, chính bản thân ông quyết định chọn trường vẽ; điều này trái lại ý của người cha vẫn mong mỏi con trai theo học nghề giáo. Đó cũng là một trong những lý do buộc ông phải tự bươn chải kiếm sống, không dám dựa vào tài chính của gia đình.
Ở đất Sài Gòn ngày ấy, có lúc Dương Tuấn Kiệt đã xin làm thợ vẽ cho các rạp xinê Đại Nam, Kinh Thành, Nguyễn Văn Hảo; và, có lúc, ông phụ trách vẽ phông màn cho các gánh hát cải lương. Đặc biệt, ông đã theo vẽ một thời gian khá dài cho gánh Tiếng Vang Thủ Đô của ông bầu kiêm soạn giả Hoài Nhơn. Thỉnh thoảng, đoàn hát lưu diễn ở các tỉnh xa miền Trung, miền Tây, Dương Tuấn Kiệt cũng đi theo.
Cuộc sống ăn đình, ngủ quán, gạo chợ, nước sông qua cảm nhận của nghệ sĩ thật phóng khoáng. Đó cũng là lúc người ta tìm thấy ý nghĩa sâu sắc hơn về tình người, tình đời. Biết bao đêm diễn của đoàn hát, những gương mặt nghệ sĩ, các nhân vật trong tuồng tích, tiếng đàn, giọng hát, điệu múa, câu hò, sắc màu cải lương… dường như đã in sâu vào tâm thức người vẽ panô. Dương Tuấn Kiệt cho rằng có lẽ tất cả tạo thành một cõi nhớ luôn làm ông khắc khoải và phải tìm cách gặp lại trong sáng tác hội họa của mình sau này.
Trở lại hội họa
Sau năm 1975, giã từ sân khấu cải lương và các rạp chiếu bóng, Dương Tuấn Kiệt trở lại con đường hội họa bằng cách tự học trên nền tảng cơ bản đã có sẵn. Ông vẽ tranh lụa, tranh sơn dầu và lao vào vẽ tranh sơn mài bằng niềm đam mê mới mẻ.
Nhanh chóng khẳng định tên tuổi của mình từ những cuộc triển lãm chung ở TPHCM, triển lãm toàn quốc 1980, 1982, 1985 và bắt đầu có những cuộc triển lãm cá nhân ở gallery Tự Do từ năm 1998, 1999, 2003…
Cũng trong thời gian này, Dương Tuấn Kiệt có tranh tham gia triển lãm ở Lâu đài Rotonde, Paris, Pháp và triển lãm tại APA Villa, Singapore (1991); triển lãm Hòa bình trong nghệ thuật, tại Quỹ Tiền tệ quốc tế, Washington DC, Mỹ (1992); triển lãm Cái nhìn từ Việt Nam, London, Anh (1998) v.v… Tranh ông đã có trong bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM và một số bộ sưu tập của các nhà sưu tập tư nhân trong, ngoài nước.
Điều gì có sức hút đối với khách thưởng ngoạn tranh Dương Tuấn Kiệt và giúp cho họa sĩ có thể sống được hoàn toàn bằng tiền bán tranh? Xem tranh sơn mài của ông, hầu như mọi người đều có chung một nhận xét: hình ảnh chân thực nhưng cách điệu, đường nét giản dị, màu sắc dịu dàng; trong tranh luôn toát lên sự chân thành và lãng mạn, ngây thơ và duyên dáng, hiện thực và huyền ảo…
Đó là một thế giới nghệ thuật rất gần gũi với đời thường qua những bức Chân dung thiếu nữ, Suy tư, Trái cấm, Giai điệu, Đàn và trăng, Tấu khúc dân gian, Múa đôi, Chợ quê, Trâu về chiều mưa, Hoa giấy, Hoa chuối, Mèo và cá, Đôi bạn mèo, Trò chơi trẻ thơ…
Họa sĩ Dương Tuấn Kiệt tâm sự: “Giờ đây đã bước vào tuổi 70 nhưng tôi vẫn toàn tâm, toàn sức vẽ tranh. Ngoài công việc, chúng tôi quan tâm rèn luyện sức khỏe, nghe nhạc, hàng ngày tôi vẫn cùng bà xã đi xe đạp, đi bơi, luyện tập thể dục. Một cách sống, có thể mượn lời người xưa, tạm gọi là thung dung trung đạo”.
KIM ỬNG